Nghịch lý muôn đời đó là thứ gì càng cấm cản thì người ta càng muốn thử mà!
Bài viết này dành riêng cho những đã, đang và sắp… sở hữu “nụ hôn vụng trộm” ấy!
Tại sao lại cấm?
Tôi may mắn (tạm gọi là thế) khi được làm việc tại một công ty không có lệnh cấm hẹn hò trong công sở; nhưng không ít nơi lại có quy định không cho phép nảy sinh những mối quan hệ trai gái giữa đồng nghiệp với nhau. Tôi đem câu hỏi này thắc mắc với vài người bạn, cả nam lẫn nữ, làm việc ở các cơ quan khác nhau và nhận được những câu trả lời khá… dông dài; nhưng cũng có thể tóm gọn lại thành các ý chính như:
“Cậu không biết à? Tình yêu trong công sở là kẻ thù của công việc đấy! Này nhé, nó thường làm cho cậu, bạn trai cậu, hoặc thậm chí là cả hai phân tán tư tưởng, không tập trung vào công việc dẫn đến chậm tiến độ. Sự phân tán ở đây không chỉ là cảm xúc yêu đương mà đôi khi còn là hờn giận vu vơ từ nhà đem đến chỗ làm nữa”.
Nhưng trên thực tế thì có phải nhân viên nào cũng “ngoan ngoãn nghe lời”?
“Đấy là chưa kể đến việc nếu đôi nào yêu nhau mà làm vô tình được giao làm chung một dự án, nếu xảy ra vấn đề gì thì lại bao che, công tư lẫn lộn. Nếu một người có vị trí cao hơn thì lại càng ảnh hưởng đến uy tín tập thể. Yêu như vậy thì không ổn chút nào!”.
“Còn mình thì chứng kiến ít nhất là 3 vụ đánh ghen từ hồi cuối năm ngoái đến giờ. Nguyên nhân là do đời sống công nghiệp khiến các cô vợ không có nhiều thời gian gần gũi với chồng (chồng là dân văn phòng mà đẹp trai thì lại càng nguy hiểm), thế nên mới có chuyện vài nàng đồng nghiệp mon men “lửa gần rơm”. Mà một khi chuyện ngoại tình đã bén lên rồi thì không biết làm thế nào mới dập được tận gốc. Kết quả, 1 trong 3 vụ đó đã có 2 vụ người trong cuộc bị đuổi việc”.
Vân vân và vân vân… Dĩ nhiên là các sếp ra quy định gì thì cũng có nguyên do của nó, vài lý do trên chỉ là để tham khảo. Nhưng trên thực tế thì có phải nhân viên nào cũng “ngoan ngoãn nghe lời”?
Càng cấm, càng yêu
Ai đó đã từng nói, đại ý như: “Nụ hôn vụng trộm bao giờ cũng là nụ hôn ngọt ngào nhất”, và nếu đặt nó trong hoàn cảnh “tình công sở” thì nghe cũng có vẻ hoàn toàn hợp lý. Dường như lệnh cấm càng nghiêm ngặt thì càng là chất xúc tác khiến cho những anh chàng, cô nàng có máu phiêu lưu sẵn sàng “phá lệ”.
“Lúc mới vào làm, mình cũng có nghe công ty phổ biến điều này, vì các sếp sợ ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất công việc; nhưng cuối cùng thì mình vẫn gặp tiếng sét ái tình với anh chàng cùng tổ.
Đồng ý rằng yêu người cùng cơ quan sẽ có nhiều rủi ro, nhất là khi ngay từ đầu đã không được ủng hộ. Tuy nhiên, bọn mình đã thực sự có được những trải nghiệm vô cùng thú vị. Cái cảm giác lén lút, phập phồng rồi thở phào nhẹ nhõm khi không bị ai phát hiện thật là tuyệt vời!” - L. Trinh (23 tuổi, Q.3, TP.HCM) chia sẻ.
Giờ mới biết “yêu trong sợ hãi” là như thế nào!
H. Hạnh (25 tuổi, nhân viên kinh doanh) cũng khá thoải mái khi cho biết: “Ôi, nghịch lý muôn đời đó là thứ gì càng cấm cản thì người ta càng muốn thử mà. Mình vốn sống phóng khoáng, thích phiêu lưu và không ưa bình lặng, nên “nhờ” công ty cấm cản mà mình đã quyết tăm tia một anh chàng làm khác bộ phận nhưng chung 1 tầng lầu.
Tính ra thì mình yêu anh ấy đã được gần 1 năm rồi, trải qua đủ mọi cảm giác, từ ngại ngùng, hồi hộp cho đến những nụ hôn vội vàng nơi hàng lang, trong thang máy,... Giờ mới biết “yêu trong sợ hãi” là như thế nào! (cười lớn)”.
Quả thật, tình yêu “bị cấm đoán” như thế quả là một môi trường đầy thử thách, nhiều cảm xúc để có thể đơm hoa kết trái. Tuy nhiên, để có được bản lĩnh ấy thì bạn cũng cần một vài bí kíp…
Khéo yêu thì nên khéo giấu
Xin được nhắc lại một lần nữa, bài viết này dành riêng cho những ai đã, đang và chuẩn bị tâm lý phá vỡ những nguyên tắc, luật lệ được đặt ra ở công ty. Và lời khuyên dành cho bạn là: Liều lĩnh thôi chưa đủ. Đã khéo yêu thì cũng nên khéo giấu.
Và dưới đây là kinh nghiệm của những người trong cuộc (hoặc đã từng trong cuộc)...
“Mình từng có một mối tình với anh chàng đồng nghiệp. Thời điểm ấy, dù rất muốn trao cho nhau những cử chỉ quan tâm âu yếm nhưng bọn mình đã cố gắng kiềm chế để không bị lộ bởi những “bà tám” xung quanh. Đến giờ cơm hay cà phê lúc nghỉ trưa, cả hai đều đi cùng một đám, tuyệt nhiên không “đánh lẻ”.
Mọi thứ đều diễn ra như khi “chưa có gì”, chỉ thân mật “bù lại” ở những không gian riêng mà thôi. Sau này, khi chia tay vì không hợp nhau thì công ty cũng chẳng ai thấy có gì khả nghi cả” - T. Thảo (25 tuổi, Q.10, TP.HCM).
“Trinh và bạn trai sợ nhất là những lời bàn ra tán vào, lỡ đến tai sếp thì thật là nguy hiểm. Vì thế, khi mới yêu, hai đứa đã thỏa thuận là sẽ không xuất hiện cùng nhau khi tham dự tiệc tùng. Đứa này đến trước, đứa kia đến sau, dự tiệc thì không “dính như sam” vì hình như trong đám đông thì tình yêu là cái dễ bị phát giác nhất!” - Ng. Trinh (nhân viên hành chính nhân sự).
Hãy cố gắng kiềm chế tình cảmđể không bị lộ bởi những “bà tám” xung quanh
“Tôi và cô bạn gái chung công ty, khác tầng lầu đã phải đổi nickname xuất hiện trong list yahoo, gọi nhau bằng “mật danh”, xài đủ loại ký hiệu hẹn hò để giờ giải lao có tranh thủ chát chít thì mấy chị em kia cũng khó có thể nhận ra. Hai đứa tuyệt đối không dùng mail công ty để nói chuyện cá nhân nhằm tăng cường tính “bảo mật” (nói nhỏ chứ, tôi là dân IT nhưng vẫn… sợ mấy anh chàng IT lắm). Và hiện tại thì mối quan hệ của chúng tôi vẫn rất “an toàn” đấy nhé! - H. Phong (27 tuổi).
Nếu quyết định yêu đồng nghiệp trong lệnh cấm thì bạn cũng nên dự đoán những tình huống xấu nhất có thể xảy ra để đối phó dễ dàng hơn. Chẳng hạn như M. Hùng, chuyện tình 6 tháng lẻ 10 ngày của anh đã kết thúc trong “hòa bình”, không ồn ào để khỏi ảnh hưởng tới cả hai. Thậm chí anh còn cho biết “Lúc mới yêu được 2 tháng, hai đứa còn tính đến khả năng nghỉ việc nếu chẳng may bị lộ. Vì nếu cứ làm việc trong sự xoi mói, bàn ra tán vào thì cũng đau đầu không kém. Nhưng rất may là cả hai đã kịp nhận ra mình chưa phải là “một nửa” của nhau trước khi quyết định... nhảy công ty”.
Tạm kết
Chúng ta không phủ nhận chuyện “yêu trong lệnh cấm” là khá thú vị, nhưng đi kèm với nó là không ít rủi ro. Mỗi người có một cách lựa chọn khác nhau và một khi con tim đã lên tiếng thì lý trí cũng đừng nên im lặng.
Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến việc bạn hãy cứ yêu, nếu muốn, nhưng nhớ phân biệt rạch ròi giữ việc công và việc tư. Để lý trí sáng suốt dẫn đường cho trái tim lãng mạn thì việc hẹn hò nơi công sở mới có thể tránh được những áp lực và rủi ro không đáng có. Vì xét cho cùng, cái lệnh cấm này được công ty đặt ra cũng là vì hiệu quả, năng suất công việc thôi mà, đúng không?
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. |
Thebox