Trong buổi chợ chiều, Hiền (Triều Khúc, Hà Nội) nâng lên, đặt xuống cái túi nilon đựng 2 lạng tôm rồi liên tục nì nèo bảo chị bán hàng bỏ thêm vào rồi lại bớt ra vài con.
Đưa đi, đẩy lại túi tôm, bực mình với vị khách “mua hàng theo kiểu cân tiểu li” chị hàng tôm giật phắt lấy túi tôm, trút luôn xuống chậu rồi đuổi chị Hiền té tát: “Cô định ám hàng tôi à? Mua có 2 lạng tôm mà đứng ở đây cả nửa tiếng đồng hồ nâng lên đặt xuống. Cô biến đi, tôi không bán cho cô nữa. Ngày nào cũng mở hàng cho cái ngữ cô chắc tôi đóng cửa. Trông cái dáng thế mà hãm”.
Trước những ánh mắt dò xét, ái ngại của người qua lại, Hiền đỏ bừng mặt bước vội đi. Đây không phải là lần đầu tiên việc cô cân nhắc khi đi chợ bị người bán hàng xua đuổi. Cũng đã không ít lần cô phải rời cửa hàng của người ta trong lúc họ vừa chửi vừa giải vía.
Có lần do kì kèo chị hàng cá mổ con cá to rồi chỉ lấy một khúc ngắn, Hiền đã lĩnh nguyên cả chậu nước rửa cá tanh ngòm vào người. “Biết làm sao được, tiền chợ của tôi chỉ có thế!” - Hiền thở dài ngao ngán.
Theo lời Hiền kể thì anh Hiệp - người chồng 35 tuổi của Hiền thuộc dạng “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Anh quản mọi thứ trong nhà từ việc chợ búa, cơm nước, của vợ. Một ngày mua bao nhiêu thực phẩm, nấu bao nhiêu thức ăn, khẩu phần của mỗi người thế nào để không bao giờ được thừa. Ngay cả những khoản lặt vặt chi tiêu cho việc “đến tháng” của chị cũng được chồng ghi vào sổ.
Chị Hiền còn nhớ rõ ngày còn yêu nhau, anh lúc nào cũng tỏ ra hào phóng. Chị mới chỉ cần đưa mắt nhìn vào món đồ nào đó là ngay lập tức anh đón được ý và mua ngay. Nhưng tới khi thành vợ thành chồng, chị cảm nhận như mình đang sống với một con người hoàn toàn khác.
“Ngay sau ngày cưới, anh ấy chìa ngay 1 quyển sổ nói đó là sổ chi tiêu. Con số tổng chi tiêu mỗi tháng cũng được ghi rõ ràng và to tướng. Đây là con số đã được anh tính toán cẩn thận. Bình thường vợ người ta là ‘két sắt’ của chồng thì gia đình tôi ngược lại. Vợ làm được bao nhiêu thì chi tiêu cho cả gia đình gồm 2 vợ chồng, bố mẹ chồng, em chồng. Ngoài khoản tiền điện nước bố mẹ chồng chi trả, anh không phụ thêm với vợ đồng nào và đưa ra lý do ‘phải có khoản tích cóp đề phòng mai sau’.
Tháng nào bảo anh ấy đưa thêm tiền là y như rằng anh nói vợ hoang phí rồi chỉ ra từng hôm thừa thịt kho phải cất tủ lạnh, hôm nào đĩa rau luộc phải bỏ đi, hôm nào chỉ có trứng chiên…” - Hiền kể.
Hiền cho biết thêm, nếu hôm nào vợ mua một cái áo hay bộ váy mới để thay đổi khi đi làm thì y như rằng khoản đó sẽ được để ý rồi sau đó bị anh liệt kê vào để đổ lỗi cho việc “chi tiêu hoang phí dẫn đến phải đòi thêm tiền chồng”.
Cứ như vậy, cuộc sống của Hiền ngày càng bó buộc. Lúc nào đầu cũng chỉ nghĩ đến việc đi chợ mua thế nào để ăn không thừa, tiêu thế nào để cả tháng chỉ hết chừng ấy tiền.
“Dẫu biết vợ chồng thì kinh tế phải tính toán để có khoản tích cóp nhưng anh ấy đang khiến cuộc sống của tôi trở nên ngộp thở. Tôi cũng không biết anh ấy tích cóp được bao nhiêu, gửi ở đâu, gửi thế nào.
Trong khi đó tiền tôi làm ra thì không được chi tiêu lấy một chút cho bản thân. Bởi thế không biết từ lúc nào tôi hình thành cho mình thói quen mua cái gì cũng chia theo đầu người. Tính toán nhỏ mọn đến mức ai bán hàng cũng thấy khó chịu vì mình” - Hiền than thở.
Ngay sau ngày cưới, anh ấy chìa ngay 1 quyển sổ nói đó là sổ chi tiêu (Ảnh minh họa).
Cũng là một phụ nữ lấy phải chồng siêu hà tiện, nhưng khác với Hiền, Thủy (Từ Liêm, Hà Nội) quyết định tự mình thay đổi cuộc sống của mình. Giờ đây, sau 3 năm lấy nhau, không chịu đựng được người chồng “chi tiêu kiểu bần cố” nữa, Thủy đệ đơn ly hôn ra tòa.
“Là vợ chồng nhưng tôi thấy mình giống một cô ôsin giúp việc cho chồng. Mỗi ngày chồng đưa cho ít tiền ăn sáng, đi chợ rồi giam lỏng vợ ở nhà với đủ các loại việc. Sống mãi thế này chắc tôi chết vì điên mất” - Thủy nói trong bức xúc.
Qua những gì Thủy chia sẻ thì cô gặp chồng trong một bữa tiệc của người bạn. Gái 30 chưa chồng, cũng có chút nhan sắc nên Thủy nhanh chóng lọt vào mắt của người đàn ông tên Trí được cô bạn giới thiệu là “đáng mơ ước của đám phụ nữ”.
Một trong những điều kiện ở Trí khiến Thủy hài lòng và quyết định tiến sâu hơn trong mối quan hệ đó là bố mẹ anh đã mất. Nếu có kết hôn chắc chắn cô không phải sống cảnh mẹ chồng nàng dâu xét nét nhau.
Quen nhau được một năm thì hai người tổ chức cưới. Ngày con cưới chồng, bố mẹ Thủy nở mày nở mặt vì nhận được những lời khen nức nở dành cho cậu con rể. Nào là con rể đẹp trai, tài giỏi, khôn khéo… Thế nhưng, không lâu ngay sau đó ông bà đã phải nghe con gái ngày này sang ngày khác than thở chuyện chồng quản lý tiền bạc, tính toán đến độ bủn xỉn.
Thủy tâm sự: “Thời gian đầu tôi định bụng sẽ từ từ thay đổi anh ấy nhưng sau đó đến cả việc đi chợ nấu ăn anh ấy cũng không yên tâm nên giành phần đi luôn. Lúc đó, tôi nghĩ càng nhẹ nợ vì đỡ được việc nào hay việc đó. Nhưng càng về sau, bản chất siêu hà tiện của anh ấy càng bộc lộ rõ. Tôi làm việc gì anh ấy cũng soi xét. Giặt đồ thì anh ấy bảo tôi rằng ‘cho nhiều bột giặt thế chẳng mấy mà hết’, nước lau sàn anh ấy dặn ‘phòng nào sinh hoạt nhiều thì dùng không thì thôi cho đỡ tốn’. Mùa hè nóng như đổ lửa, anh ấy chỉ bật điều hòa 30 phút, sau đó tắt đi và giấu tiệt điều khiển…”.
Không dừng lại ở những việc nhỏ nhặt trong nhà mà đối với nhà vợ, anh Trí cũng tính toán, so đo. “Hôm nào em trai tôi tạt qua ăn bữa cơm thì anh ấy tỏ vẻ không mặn mà khi phải thêm một chút gạo và đồ ăn. Anh ấy còn nghi kị tôi lấy tiền lén lút cho em trai mỗi lần nó đến chơi. Cả năm có ngày Tết để biếu cha mẹ chút ít thì anh ấy tính toán rồi cuối cùng quyết định không mua gì cả mà biếu bố mẹ vợ… 500 nghìn đồng để tiêu Tết” - Thủy ngán ngẩm cho biết.
Thậm chí, ngày Thủy mang thai rồi sinh con cần ăn uống bồi dưỡng, mua sắm đồ cho con… anh cũng “nghiến răng kèn kẹt” chạy ra là nói một câu, chạy vào là than thở tốn kém.
“Mua sữa bầu cho vợ, anh ấy cũng chờ hàng giảm giá, sắp hết date để mua cho rẻ. Anh ấy còn so sánh mấy người nghèo khổ ở miền núi có uống sữa đâu mà vẫn đẻ con khỏe mạnh. Vợ người ta thèm ăn món gì là chồng tức khắc chạy đi mua ngay còn anh ấy, vợ thèm ăn cua thì anh ấy bảo đắt lắm. Sau lần đó, tôi thèm ăn gì đều về nhà mẹ đẻ nhờ bà mua cho. Mua đồ cho con anh ấy cũng chi li, tính toán từng đồng. Mỗi lần con ốm phải vào viện là anh ấy rền rỉ ‘Cứ thế này thì bố sạt nghiệp’ rồi trữ sẵn kháng sinh trong nhà, con cứ hắt hơi, sổ mũi là anh cho uống. Tôi nói kiểu gì cũng không được” - Thủy kể.
Như giọt nước tràn ly, Thủy quyết định ly hôn sau lần con ốm. Lần ấy, Trí hầm hè nổi khùng mắng cô là “đồ ăn hại, phá hoại” khi nhìn vào hóa đơn thanh toán chi phí thuê bác sĩ về nhà điều trị cho con.
Theo Trí Thức Trẻ