- Chào chị! Rất nhiều người nói chị với thái độ không thiện cảm: Loại phụ nữ chuyên phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Cảm giác của chị thế nào?
- Đấy là mọi người nói tôi thế, tôi chưa bao giờ nghĩ thế. Dư luận mà. Nhưng dư luận rất quan trọng. Có câu: trăm năm bia đá cũng mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ ...
Tôi không nhớ lắm một cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng của phương Tây rằng: Cả một xã hội lên án một cô gái điếm (họ gọi là ả) nhưng đa số đàn ông trong xã hội đó lại chết vì cô gái ấy. Tôi không lấy việc đó là niềm tự hào. Nhưng tôi khó có khả năng chung thủy với một người đàn ông và bị áp đặt những quy tắc của anh ta cả đời. Tôi muốn được yêu, được chiều.
- Nhưng những người đàn ông đến với chị, có cả những người đàn ông đã có vợ và vợ họ rất đau khổ. Chị có quyền yêu nhưng có nhất thiết phải động đến hạnh phúc gia đình người khác không?
- Ôi trời! Nếu tôi là một người phụ nữ chính chuyên, chắc tôi sẽ phải khóc hết nước mắt vì chồng mình nếu anh ta ngoại tình. Nhưng nếu có chuyện ngoại tình có nghĩa là hôn nhân của họ cần phải nhìn nhận lại. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
Tôi chưa bao giờ xúi giục đàn ông bỏ vợ nên mọi người không thể nói tôi là phá hoại hạnh phúc gia đình họ. Mọi thứ có căn nguyên từ trước. Giống như cơm không ngon mà cứ bắt ăn ngày này qua ngày khác thì họ tìm thứ dễ ăn hơn.
Tôi biết, khi mình phát ngôn ra, vì tôi không chính chuyên, nên sẽ rất nhiều chị em chính chuyên muốn chửi rủa tôi. Nhưng tôi xác định điều đó từ trước và tôi cũng xác định việc đàn ông đến với mình, dù có nặng tình đến mấy họ cũng không thể bỏ gia đình họ được. Đó là cái giá cho cuộc sống của tôi. Ai đó muốn giữ gia đình của mình, hãy đừng làm mình nhàm chán. Đừng khai thác hết giá trị của mình để đàn ông lấy đi như vét cạn một kho tàng rồi bỏ đi.
Tôi quan niệm: giữ người giữ cái hồn của họ, không nên giữ thân xác và trách nhiệm của họ. Thân xác và trách nhiệm của họ ở bên mình là thứ họ tự nguyện chứ không phải thứ mà ta ép buộc bằng những sợi dây vô hình. Trong sân chơi của cuộc đời, sao chúng ta không sòng phẳng: Ai hay hơn sẽ giành được phần thưởng cao hơn?
Nhưng dù sao, một người phụ nữ bình thường cũng không cần có nhiều người tình như thế. Bỏ qua những ý kiến về hư hay không hư, nếu xét về yếu tố truyền thống, chị có công nhận chị là mẫu phụ nữ lẳng lơ?
- Lẳng lơ chết cũng ra ma, chính chuyên chết cũng khiêng ra ngoài đồng. Nếu nói tôi có nhiều người tình, bạn có số liệu bao nhiêu không? Hay hơn một là nhiều?
- Tôi đã nói quan điểm từ đầu: Tôi không phải mẫu người phụ nữ cam chịu những vô lý của đàn ông. Tôi say mê họ trong một thời điểm, họ cũng vậy. Nhưng tôi không thích đến một lúc nào đó, người ta có óc sở hữu. Họ có thể mong muốn tôi như thế này hoặc như thế kia, theo ý họ. Tôi chỉ có thể là tôi.
Tôi hay cười với những người đàn ông, làm nũng một chút và đôi khi yếu đuối một chút. Chuyện có người tình người ta sẽ gán ghép vào chuyện giường chiếu, ai cũng nghĩ thế nên mọi người thường phát cuồng lên. Tôi không bình luận hay đi sâu vào việc này, đây là việc riêng.
Dù sao, nếu một người đàn ông khen tôi là xinh đẹp, hấp dẫn, tôi sẽ cảm ơn anh ta. Phụ nữ truyền thống sợ đàn ông khen, hoặc họ cũng có những nhu cầu muốn được khen, nhưng họ lại không dám công khai thể hiện như thế. Một người khác giới khen mình, tôi nghĩ, điều đầu tiên họ khen sẽ đánh giá vào yếu tố hấp dẫn giới. Sau đó mới đến yếu tố trí tuệ.
- Như thế liệu có bền vững không khi chị đánh giá cao yếu tố hấp dẫn giới?
- Ồ, thế bạn nghĩ hai giới gắn bó với nhau, yêu quý nhau vì cái gì thế? Nếu trí tuệ chỉ giải quyết đơn thuần những mảng kiến thức đúng sai thì không bao giờ ta có những cảm tình riêng. Một bài hát, không phải người nào nghe cũng thấy hay. 100 người thẩm định, đều là những người có trí tuệ, nhưng cách khen hay hoặc cách chê cũng khác nhau, tùy thuộc vào cảm tình của những người đó. Yếu tố hấp dẫn giới theo tôi là gia vị trong mối quan hệ nam, nữ. Người ta có thể nghĩ thoáng qua những ham muốn tình dục, nhưng đó chỉ là phần nhỏ.
Yếu tố hấp dẫn giới là thứ người ta nhìn thấy, cảm nhận đầu tiên. Lấy lí trí để chi phối cảm tính là những điều đến sau. Tôi không hiểu sao mọi người lại cố tình không công nhận điều này.
Nhưng trong cuộc sống, ngoài những quan điểm riêng, ngoài những mong muốn sống cho bản thân, người ta cũng phải tôn trọng những quan điểm, giá trị chung được nhiều người chấp nhận. Chị có thực sự thỏa mái khi một mình chị một quan điểm?
Tôi vẫn tôn trọng những giá trị chung. Những phạm trù đạo đức tôi cũng chưa phạm phải. Tất cả mọi người đều có những quan điểm riêng. Ở góc độ của tôi, tôi chịu trách nhiệm về cuộc sống của tôi và rất thoải mái với cuộc sống đó. Những người gặp tôi, làm việc với tôi, sống với tôi, những người đó chắc chắn sẽ yêu quý tôi. Cuộc đời chúng ta đôi khi để ý dư luận quá mà chắc gì những người xung quanh đã cảm thấy thoải mái về chúng ta. Nếu không sao các bà vợ mỗi ngày sống với chồng lại bị chồng lừa dối?
Cũng có những người không hài lòng với cách nhìn của tôi, nhưng đó không thể nâng thành phạm trù đạo đức để quy kết danh dự và phẩm giá của một con người.
- Không phải ai cũng có điều kiện tiếp xúc với chị để có một cái nhìn đúng. Chị có cho rằng mình bị cô lập trong cuộc sống và chị đang chống trả cuộc sống bằng một thái độ thách thức?
- Nếu tôi bị cô lập, tôi sẽ không có khái niệm bạn bè. Nếu tôi chống trả cuộc sống hay thách thức cuộc sống, tôi sẽ không có cuộc trò chuyện với bạn như thế này. Mấy tỷ con người trên toàn thế giới, bạn nghĩ xem, tôi phù hợp với bao nhiêu trong số đó? Bao nhiêu phần trăm trong số đó chấp nhận bạn? Bao nhiêu phần trăm trong số đó phản đối bạn? Bao nhiêu phần trăm trong số đó không quan tâm đến bạn? Đôi lúc, hình như chính bạn mới làm phức tạp hóa vấn đề của mình lên. Tôi nghĩ nó đơn giản: đa số mọi người không quan tâm đến mình, đến những nhu cầu tình cảm, riêng tư của mình mà thích soi mói vào những chuyện của người khác.
- Thế còn những người đàn ông đi qua trong đời chị?
- Họ đều là những người bạn rất tuyệt, cả những người làm tôi buồn nữa. Ở mỗi thời điểm khác nhau, cả họ, cả tôi đều có những ứng xử phù hợp trong cuộc sống. Tôi nghĩ rằng, dù thế nào chúng tôi cũng đã dành cho nhau những cảm giác tốt đẹp và luôn tôn trọng nhau.
Tôi không nói tôi ủng hộ cách sống của chị vì hiểu biết của tôi về con người của chị đến bây giờ vẫn còn quá ít. Một câu hỏi cuối cùng: điều gì chị trân trọng nhất?
Tình cảm con người!
Pháp Luật Xã Hội