Nếu không có cái quyết định lấy 'cái ngàn vàng' làm quà sinh nhật cho người yêu thì Nguyễn Thị Nga, sinh viên năm thứ tư một trường đại học tại Quy Nhơn, đã có một quãng đời sinh viên không phải hối tiếc.
Nga quê ở Thanh Hoá. Như bao sinh viên khác bước chân vào cổng trường đại học, Nga là niềm hy vọng của gia đình.
Thời gian đầu xa nhà, sống tự lập ở thành phố, Nga cảm thấy rất cô đơn. Qua quen biết trên mạng, thêm vài bức thư tay ngọt ngào, Nga nhanh chóng nhận lời yêu Tuấn - một chàng trai cùng quê. Ở cái thời buổi mà chẳng mấy ai dùng cách liên lạc xưa cũ ấy thì xấp thư tình ngày càng cao của Nga quả thật lãng mạn và ấn tượng. Biết câu chuyện tình lý tưởng đó, ai cũng cầu chúc cho họ có một kết thúc đẹp vì khi đó Nga đã học năm cuối rồi.
Nga bước sang năm học cuối thì Tuấn có quyết định vào Sài Gòn học thêm 3 năm. Cảm giác sắp phải xa người yêu cộng thêm tâm lý lo lắng Tuấn sẽ dễ bị các cô gái sành điệu ở đất Sài thành quyến rũ khiến Nga đi đến một quyết định. Trong đêm gặp nhau cuối trước khi Tuấn lên đường, cũng là đêm sinh nhật của anh, Nga trao cho Tuấn món quà quý nhất của đời người con gái. Nga bảo: "Lúc đó mình chỉ nghĩ điều này sẽ trói được chân anh..."
Nga đã bảo lưu kết quả để sinh con. Ngày Nga trở dạ cũng là ngày các bạn
cùng khóa khoác trên mình chiếc áo cử nhân. (ảnh minh họa)
Điều Nga không ngờ là chỉ có một lần vội vàng duy nhất ấy mà cô đã mang thai ngay. Thời gian chúng bạn lao vào ôn thi miệt mài trên giảng đường, luận văn, đi thư viện là lúc Nga đánh vật với chứng nghén. Khổ sở vì sức khỏe yếu một phần thì Nga khổ vì bạn bè dị nghị, chê bai 5 phần và xót xa vì bị bố mẹ Tuấn phản đối không cho cưới đến 10 phần.
Nga tâm sự: "Thời gian ấy, tôi sống trong nỗi tê tái tận cùng. Ước mơ một lần mặc chiếc váy cô dâu được anh dẫn về nhà đã thành xa xỉ. Với tôi lúc đó, chỉ cần có tờ hôn thú cũng là may mắn lắm rồi. Vậy mà, chỉ thế thôi cũng không được!".
Nga đã bảo lưu kết quả để sinh con. Ngày Nga trở dạ cũng là ngày các bạn cùng khóa khoác trên mình chiếc áo cử nhân. Người ta đón con thì cười trong hạnh phúc. Còn riêng Nga, những giọt nước mắt mặn chát cứ rơi vì tủi phận mẹ, xót thân con.
Sinh xong, Nga mang con vào TP Hồ Chí Minh sống, tìm việc, và tìm Tuấn. Con gái giờ đã hai tuổi, trong khi bạn bè phơi phới với sự nghiệp rạng ngời trước mắt, với những dự tính tương lai hạnh phúc, với những đám cưới tưng bừng rộn ràng, thì Nga vẫn chui rúc trong căn phòng chật hẹp.
Làm mẹ đơn thân, muốn xin một công việc tốt cũng khó vì làm gì có ai trông con cho mà toàn tâm toàn lực. Nga đành làm những công việc tạm bợ. Đồng lương hai mẹ con sống co kéo thật khéo mới đủ. Tháng nào con ốm, nghỉ làm nhiều, bị trừ công, thì tháng ấy chỉ con có thức ăn, còn mẹ dùng cơm với rau và nước mắm.
Hai năm nay, Nga vẫn chưa dám mang con về quê, sợ bố mẹ xấu mặt với xóm làng. Bố mẹ Nga xót con cũng chỉ dám thi thoảng lên thăm trộm, gửi quả trứng, mớ cá khô đỡ đần bữa ăn cho hai mẹ con. Mỗi lần con hỏi bố đâu hay có người đến thăm, gợi lại chuyện, Nga đều bật khóc. Nga bảo, chỉ dại một lần mà hối hận cả đời. Thân mình thương thì ít, thương thân con thì nhiều.
Con xóm nhỏ của quận Thủ Đức - TP HCM lúc tôi chia tay hai mẹ con Nga để về đã đổ bóng chiều. Cháu bé bỗng bật khóc đòi mẹ bế. Nga vội vàng chào tôi, quay lại ôm chặt con vào lòng, thở dài. Trong bóng chiều nhập nhoạng, tôi thấy hai giọt nước mắt lăn dài trên má Nga.
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. |
Kiến thức