Tôi là dâu mới nhà anh. Trong khi nhà tôi ở phố, cũng thuộc dạng khá giả, đầy đủ thì nhà anh lại ở quê, cuộc sống hết sức khó khăn. Khi yêu, ai cũng thắc mắc vì sao một cô gái có điều kiện như tôi lại chấp nhận một anh chàng nhà nghèo. Có người ác miệng hơn còn nói anh đúng là chuột sa chĩnh gạo, yêu tôi vì tiền.
Bỏ qua hết những gièm pha, chúng tôi vẫn yêu, hạnh phúc sánh bước bên nhau. Bố mẹ tôi còn hết sức ủng hộ tôi vì theo như lời mẹ thì anh là người đáng tin cậy. Lớn lên trong hoàn cảnh đó nên anh rất bình tĩnh, chịu khó và biết cách quan tâm chăm sóc người khác.
Trước khi cưới, tôi cũng nhiều lần về nhà anh ở quê chơi. Nói thật, tôi thương bố mẹ anh chẳng kém bố mẹ tôi. Họ tuy ở quê nhưng chân chất, thật thà hơn hẳn nhiều bà mẹ chồng đanh đá ở phố.
Ngày tân hôn, tôi vẫn nhớ như in. Sau khi khách khứa tan, tôi đau bụng không chịu nổi. Ngặt nỗi nhà vệ sinh của nhà chồng ở sâu trong vườn chuối, cách nhà chính khá xa lại tối, chỉ nghĩ thôi tôi cũng sợ rồi. Gọi chồng dẫn đi thì anh say bí tỉ đến độ chẳng biết gì nữa hết. Tôi cứ thế ôm bụng rên hừ hừ mà giận chồng không chịu được.
Ai dè, mẹ chồng tôi nghe tiếng tôi rên nhiều quá, tưởng chồng tôi làm gì quá đáng với vợ. Bà ở ngoài, cứ thế gõ cửa rồi bảo chồng tôi ngủ sớm đi. Khi đó, tôi vừa đau bụng vừa buồn cười. Lát sau, chịu không nổi, tôi đành lọ mọ qua phòng mẹ chồng.
Thế là đêm tân hôn của tôi, mẹ chồng cầm đèn pin soi đường, dẫn con dâu đi vệ sinh. Còn chồng tôi say bí tỉ đến độ vợ đi đâu cũng chẳng biết. Mỗi lúc kể lại cho chồng, anh đều cười, rối rít xin lỗi vợ.
Ngày đầu tiên làm dâu ở nhà chồng, tôi vụng về vào bếp nấu ăn. Ở quê không giống như ở phố, nhà mẹ chồng tôi vẫn nấu bếp củi. Bếp ga cũng có nhưng chỉ để dành nấu khi nào có việc gấp.
Hì hục mãi tôi mới nhóm được lửa và nấu xong nồi canh thì mồ hôi đổ ròng ròng. Tôi nhìn quanh tìm miếng nhấc nồi thì thấy 2 miếng lót áo ngực treo lủng lẳng phía trên đầu tủ. Nhìn mà tôi không nhịn được cười. Chạy ra hỏi chồng: “Anh biết bố mẹ dùng gì để nhấc nồi không?”. Chồng tôi cười hà hà trả lời: “Thì cùng lắm là miếng vải cũ hoặc hai miếng lót áo ngực chứ gì”. Chúng tôi cứ thế cười với nhau, tôi còn khen anh đúng là am hiểu bố mẹ!
Ở nhà chồng 1 tuần, chúng tôi trở lại thành phố để làm việc và sinh sống. Hai tuần một lần lại về quê thăm các cụ. Lần nào về quê cũng là một lần trải nghiệm cuộc sống làm dâu vui vẻ và lạ lẫm đối với tôi.
Mẹ chồng tôi siêu tiết kiệm. Mẹ luôn nói rằng cuộc đời bà khổ quen rồi nên muốn dành dụm cho con cái sau này, rồi phòng khi bệnh tật, túng thiếu. Mỗi lần về quê, tôi đều mua nhiều thức ăn ngon nhưng phải nói giảm giá đi vì sợ mẹ tiếc tiền, không dám ăn. Mua cho mẹ cái áo mới cũng phải xé mác trước.
Mua trà sâm biếu bố chồng cũng phải nói là trà lạng ngoài chợ vì sợ ông bà la. Nhưng bố chồng cứ tấm tắc khen mãi: “Trà lạng con mua ở đâu mà ngon quá? Lần sau bố gửi tiền con mua thêm cho bố vài lạng biếu các chú các bác mày”. Những lúc đó tôi đều cảm thấy rất vui và hứa hẹn với ông lần sau về quê sẽ mua biếu các chú các bác sau.
Mua trà sâm nhưng nói dối là trà lạng để bố mẹ chồng đỡ tiếc tiền
(Ảnh minh họa)
Sau sự kiện đêm tân hôn, tôi nhắc khéo chồng đầu tư xây cho bố mẹ cái nhà vệ sinh mới, tiện nghi và sạch sẽ hơn. Nhưng khi chồng tôi đưa tiền, bố chồng liền lắc đầu không nhận. Cứ tưởng ông bà không muốn đổi vì đã quen nếp sinh hoạt cũ nên vợ chồng tôi cũng không dám tự chủ trương.
Thế mà một tháng sau về quê, đã thấy nhà vệ sinh mới cứng mọc lên ngay gần nhà, bên trong ốp gạch trắng tinh trông rất khập khiễng với cái nhà chính 3 gian kiểu cổ. Tôi biết ngay là bố mẹ chồng tự bỏ tiền túi ra xây để “chiều lòng” cô con dâu mới.
Nhờ có bố mẹ chồng tâm lý mà tôi luôn cảm thấy thoải mái khi về quê làm dâu. Giờ nhiều bạn bè cũng phải ghen tị với tôi khi có bố mẹ chồng ở quê nhưng luôn chiều con dâu hết mực.
Thu Trang (TH) (Theo Giadinhvietnam.com)