Em phải làm gì để lại được vợ yêu?
Người phụ trách đường dây tư vấn dành cho nam giới (một trong những hoạt động của Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên - CSAGA nhằm hướng tới mục đích phòng, chống bạo lực gia đình) đã đưa ra một số câu hỏi thường gặp của khách hàng khi gọi tới đường dây.
“Hai vợ chồng em đều làm thợ mộc. Vợ chồng em rất hay cãi nhau, cô ấy ngang bướng, mỗi lần như vậy, em lại gọi bố mẹ vợ sang để dạy bảo cô ấy, nhưng bố mẹ không nói gì, cô ấy càng ngày càng cãi chồng nhiều hơn. Em phải làm sao?”.
“Cách đây một năm em có ngoại tình với người yêu cũ, em đã chấm dứt tình cảm đó, nhưng vợ vẫn hay ghen, nhắc lại chuyện này, làm em mỗi về nhà không nói được những lời tình cảm với vợ. Em phải làm thế nào để cải thiện tình cảm gia đình?”.
“Em lấy vợ 4 năm, vợ 28 tuổi, hai vợ chồng có 2 con nhỏ. Từ khi vợ em đi làm (trước đây cô ấy ở nhà trông con, giờ đi làm công nhân) thì em thấy vợ có vẻ không tôn trọng mình nữa, hay ngắm vuốt và có biểu hiện nói dối, quan hệ vợ chồng thưa thớt 1-2 tháng mới có lần. Em muốn chia sẻ với vợ nhưng cô ấy không nói gì, vợ chồng em hầu như không tâm sự với nhau bao giờ. Em phải làm thế nào để lấy lại tình cảm đã mất? Liệu có phải vợ em ngoại tình nên mới thế?”.
Trong gia đình vai trò giữ lửa luôn cần sự đóng góp của cả hai phía chứ không riêng gì chồng hay vợ
(Ảnh minh họa)
“Em lấy vợ 4 năm, vợ 22 tuổi, có một con gái 3 tuổi. Cách đây 6 tháng vợ bỏ nhà theo một anh lái xe và tuyên bố chia tay, em rất sốc và đã viết đơn ly hôn được 3 tháng rồi nhưng toà không thụ lý vì chưa có giấy xác nhận từ vợ. Em nhiều lần gọi điện nhưng cô ấy chỉ im lặng. Cô ấy chẳng ngó ngàng đến con"...
Theo thống kê, phần lớn “tác giả” của những câu hỏi này đều nằm trong độ tuổi từ 20 đến 35 - ngưỡng tuổi của những lo toan lập thân, lập nghiệp.
Những câu hỏi này đã thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về vai trò của vợ chồng trong gia đình.
Giữ lửa – chuyện của chúng mình
Thế mới biết, trong gia đình vai trò giữ lửa luôn cần đóng góp của cả hai phía chứ không riêng gì chồng hay vợ. Hơn nữa, trong đời sống vợ chồng, câu nói “phu phụ tương kính như tân” (vợ chồng kính nhau như khách ) không bao giờ là cũ dù mới nghe ra thấy buồn cười và vô lý.
Thế nhưng, theo nhà tâm lý, chính việc quá thân thiết với nhau cũng tạo ra vấn đề bởi nó sẽ dẫn tới khuynh hướng coi thường lẫn nhau từ đó đối xử với nhau thiếu tế nhị, rồi hiểu lầm xảy ra…
Đa phần những cuộc hôn nhân chết yểu đều do người trong cuộc không quan tâm nuôi dưỡng tình yêu. Thiếu những quan tâm chăm sóc, chú tâm làm mới mình, cư xử đẹp trong mắt bạn đời… cuộc sống vợ chồng sẽ dần “suy dinh dưỡng” và khó có thể hạnh phúc như ý.
Nhà tâm lý khuyên, muốn thực hành được câu “vợ chồng kính nhau như khách” thì hãy nhớ đến những lần chúng ta đón khách. Ta chu đáo từ đồ dùng cho tới khuôn mặt, giọng nói cốt sao cho khách hài lòng.
Nếu trong đời sống hôn nhân, hai vợ chồng có thái độ hành vi kính trọng lẫn nhau như khách quý, thì chắc chắn họ sẽ tế nhị với nhau trong lời nói, việc làm và lối sống.
Thế nên, chẳng thể trách các ông dù có gia đình rồi nhưng vẫn thích rẽ ngang rẽ dọc với cô đồng nghiệp ăn mặc gọn gàng, lịch sự, trò chuyện hay nhắn tin gì đều đệm kèm theo “dạ”, “cảm ơn”, “xin lỗi”.
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. |
TTVN