Vừa rồi tôi có đọc bài "Nàng dâu ích mới mới so đo chồng giúp đỡ nhà nội" của bạn Chip Chip và cả bài "Đàn ông con trưởng phải nặng nợ" của bạn DTK. Tôi cũng muốn kể về hoàn cảnh của tôi cho mọi người thấy cuộc sống này rất muôn màu, không thể trách ĐTK và cũng không hẳn điều bạn Chip Chip nói lúc nào cũng đúng.
Tôi cũng là một phụ nữ Hà Nội lấy chồng tỉnh lẻ. Nhà tôi ở Hà Nội nhưng gốc vẫn là ở quê, dù quê tôi cũng chỉ là ngoại thành Hà Nội. Nhưng không phải tôi không hiểu sự khó khăn của người ở quê. Ông bà tôi cũng làm ruộng và nuôi nấng bố mẹ tôi vất vả như bao người khác. Vì vậy việc con cái lớn lên sau khi ăn học có điều kiện hơn sẽ chăm lo cho bố mẹ và anh em là rất bình thường.
Tôi cũng không hiểu gia đình nhà chồng bạn ĐTK như thế nào nhưng bên nhà tôi, chỉ duy nhất bố tôi học giỏi hơn cả, có điều kiện hơn cả. Nhưng anh em rất tự trọng, cần lắm mới nhờ đến anh chị và luôn tìm cách đáp trả chứ không ỉ lại bao giờ. Thậm chí họ tuy nghèo nhưng bố mẹ tôi có cho cái gì cũng phải mời cho gẫy đũa gẫy bát mới nhận.
Có lẽ nhờ cách sống rất có sĩ diện, trọng danh dự ấy mà… nói ra khó ai tin, nhưng quan hệ giữa mẹ tôi và các chị em dâu rể trong nhà chồng cực kì vui vẻ thắm thiết. Con người ta càng biết tự trọng thì người khác chỉ càng cảm mến. Có gì chỉ muốn giúp đỡ và từ đó thâm tình cứ nhiều lên mãi.
Ngược lại với nếp sống nhà vợ thì nhà chồng tôi rất khác. Chồng tôi quê ở Nghệ An, mảnh đất nổi tiếng về sự chăm chỉ học hành. Anh học rất giỏi. Nhà chồng có 3 anh chị em, bố mẹ cũng nghèo nhưng ai cũng được ăn học thành người.
Người học vấn thấp nhất là trung cấp, rồi cũng học lên đại học. Hiện tại chỉ có chồng tôi ở Hà Nội do tính chất công việc, cũng là do lấy vợ ở đây và anh muốn con cái ở trên này để có điều kiện tốt hơn.
Do chịu khó, giờ chồng tôi cũng có mức lương tương đối khá. Tuy vậy cũng chỉ là sinh hoạt được thoải mái chứ chưa thấm vào đâu nếu tính để mua một căn nhà ở Hà Nội. Bố mẹ tôi có cho hai vợ chồng một cái nhà tập thể nhưng chồng tôi nhất định không muốn nhờ nhà vợ nên đòi ra thuê nhà khác.
Bố mẹ tôi hiểu tâm lý ấy nên vui vẻ đồng ý. Ngoài ra hai cụ nói tiền cho thuê cái nhà kia thì cho tôi để tiêu pha thêm vì còn con cái nhiều khoản. Sơ qua hoàn cảnh nhà tôi là như thế.
Về nhà chồng tôi, riêng với cả nhà và nhiều họ hàng nhà anh ấy thì tôi là "phúc bẩy mươi đời vớ được thằng con mình". Vì có tâm lý thế, nên lúc nào họ cũng nghĩ tôi làm gì thì đều phải nghĩ đến công ơn ấy và luôn phải hiếu kính hết lòng với nhà chồng.
Tôi tuy ở thành phố nhưng đảm đang không thiếu việc gì. Kể cả trong công việc tôi cũng kiếm tiền không kém anh là bao. Nhưng mọi sự hiền thảo chăm sóc của tôi, mua từ những đồ dùng nhỏ đến lớn cho gia đình chồng đều bị nhìn với con mắt ráo hoảnh.
Nhà anh từ bố mẹ đến anh em chồng đều nghĩ "Thấm gì so với tiền thằng T nó kiếm". Rồi lúc nào họ cũng luôn nhắc nhở, kể chuyện ngày xưa bố mẹ khổ sở vất vả nuôi anh. Đi làm thì phải có hiếu, biếu xén bố mẹ chồng, chăm lo việc nhà chồng...
Cái điệp khúc ấy tôi lúc nào cũng phải nghe dù rằng trực tiếp hay qua điện thoại. Có lần tôi đánh bạo bảo mẹ chồng tôi khi cụ cứ nói thế kể cả lúc có mặt người khác. Tôi bảo: "Mẹ ơi mẹ nói vậy con hiểu lắm. Lần nào mẹ nói về nhà con cũng toàn bảo lại nhà con thế, con quên sao được. Sao mẹ cứ nói mãi với con vậy?".
Nghe tôi hỏi thế, bà sa sầm mặt lại và ghét tôi ra mặt ngay. Ý bà là nhắm vào con dâu chứ không phải chồng tôi.
Thế rồi đến anh em nhà chồng, ở quê họ đều có công việc ổn định tuy không giàu có nhưng cũng không đến nỗi khó khăn. Nhưng sau khi lên nhà tôi về, họ nói gì mà mẹ chồng tôi lại suốt ngày điệp khúc bố mẹ vất vả nuôi thằng T. Chúng mày phải biết ơn, chăm lo cho em.
Sau đó y như rằng bà lại sụt sịt bảo thương 2 đứa ở nhà chả được như hai vợ chồng tôi trên thành phố. Rồi bà bảo chồng tôi gửi tiền về cho chú em cất nhà thêm một tầng (chú ấy chỉ đủ tiền xây 1 tầng) để nhà cao cửa rộng như người ta.
Con tôi còn đang ở nhà thuê, vợ chồng tiết kiệm mới được 300 triệu giờ chồng lại gửi về gần 100 triệu. Nói thật lòng tôi không vui tí nào nhưng chả lẽ cãi nhau với chồng?
Rồi và lại bảo chồng tôi mua cho em gái cái xe máy mới khi thấy tôi đi xe gas còn cô em ở quê chỉ đi chiếc xe số đã cũ. Khi cô sinh nở, tôi mua đồ sơ sinh và liên tục gửi sữa về nhưng vẫn không đủ. Bởi với nhà chồng, chúng tôi chỉ đang quan tâm ở mức "Chỉ bằng cái móng tay so với điều kiện của chúng nó".
Mẹ chồng tôi mấy lần còn gọi điện bảo chúng tôi gửi tiền về để cho một ai đó là bạn bè họ hàng gì đó vay nhằm lấy uy với mọi người về thằng con tài giỏi của cụ. Khi tôi sinh con, mẹ chồng muốn tôi về quê sinh nhưng chồng tôi cũng là người hiểu biết nên đã xin cho tôi sinh ở đây, cháu cứng cáp mới đưa về.
Tháng đầu tôi ở cữ, mẹ chồng ra nhà tôi. Bà đưa theo cả đứa con 3 tuổi của chú hai vì sợ ở nhà ông không chăm cháu ăn được. Vậy là tháng đầu ấy đáng lý phải được kiêng khem thì ngược lại tôi phải rất sớm đụng vào nước. Tôi phải sang hàng xóm nhờ người ta đi chợ mua hộ thứ này thứ kia.
Chúng tôi đưa tiền cho mẹ chồng đi chợ thì cụ chỉ mua thức ăn cho cả nhà, làm món này món kia cho những đứa trẻ nhà chú. Còn tôi cụ rang cho một bát thịt để đó ăn dần.
Mẹ đẻ tôi sợ tá hỏa nhưng không dám nói, đành liên tục nấu món này món kia đưa sang. Vậy là mẹ chồng tôi càng nhàn chả phải chăm gì con dâu. Cả ngày bà chăm mấy đứa cháu kia, quần áo thì giặt máy rồi. Thấy tôi cứ nghỉ ngơi không động gì là bà khó chịu bảo ngày xưa đẻ không phải nhờ một ai, cứ tự tay làm hết...
Tôi nghe mà nẫu lòng nên lại dậy làm việc lặt vặt gì đó. Tối cụ ngủ chung phòng, nằm cạnh thằng cháu và bà chưa một lần dậy khi cháu khóc đêm.
Ở nhà tôi ít hôm, biết tôi lương cũng cao, ai đến chơi cũng cho tiền nhiều hơn so với ở quê thì bà lại kể lể thương đứa con gái lắm. Nào là nó nghèo, thiệt thòi, rồi lại điệp khúc các con là anh chị có điều kiện phải lo cho các em, mình sướng mà chúng nó khổ - người có tâm không ai sống thanh thản được.
Rồi khi biết bố mẹ tôi cho một cái nhà tập thể thì bà cứ hỏi nhà đó cho hẳn hai vợ chồng tôi chưa. Bà cứ nói chuyện bâng quơ ra ý bảo con nào cũng là con, dâu cũng như rể. Ở quê đã bảo cho là cho luôn để sang tên cho cả hai vợ chồng…
Lúc đó tai tôi ù đi, tình cảm bao lâu trong lòng tôi thực sự tan biến hết. Tôi lại nhớ đến những lúc về quê bị nhà chồng nhắc nhở đàn bà lấy chồng là theo chồng, không dính dáng nhiều tới nhà ngoại mà phải chăm lo cho nhà chồng là chủ yếu.
Tôi bảo: “Mẹ ơi mẹ cũng bảo con lấy chồng theo chồng nên bố mẹ con có cho con cũng không lấy. Anh Thành sĩ diện lắm, lại tài giỏi nên không muốn nhờ nhà vợ. Chúng con bây giờ vẫn phải tiết kiệm từng đồng chả biết bao giờ mới có cái nhà nhưng con cũng không tơ hào gì của bố mẹ con cả". Cụ không nói gì dù rất tức giận.
Thế rồi cuộc sống cứ trôi đi như vậy, chồng tôi vẫn như một cái máy kiếm tiền. Thường xuyên các em chồng tôi gọi điện lên lúc vay tiền chuyển việc, lúc nhờ tôi mua cái này cái kia cho con vì thấy nhà bác có mà ở quê không có.
Các em chồng tôi rất khéo, nhất là lúc cần vay mượn nhờ vả. Lúc nào cũng bảo bác cho em cái số tài khoản em chạy ra ngân hàng gửi chứ biết lúc nào gặp hai bác. Tôi giữ ý bảo thôi lúc nào đưa cũng được. Vậy là lúc cái xe đạp, lúc cái ti vi ở siêu thị đang giảm giá. Lúc thì em nằm viện không có tiền viện phí…
Tất nhiên những khoản ấy vợ chồng tôi cho đi và không bao giờ nhận lại. Rồi giỗ Tết thì “Đã có nhà bác cả rồi, chả thiếu gì nên các em nhẹ gánh"...
Lâu lâu bố mẹ chồng tôi lại hỏi các con có bao nhiêu tiền? Nhà kia các con chuyển về mà ở hoặc xin bố mẹ bán đi để thêm vào chỗ hai đứa có mà mua cái to hơn… Bất cứ chuyện lớn nhỏ gì cũng gọi vợ chồng tôi. Thậm chí còn hứa với họ hàng là ra Hà Nội có gì cứ vào nhà “chúng nó”.
Mỗi năm căn nhà thuê nhỏ bé chật chội của tôi lại đón mấy cháu bên nhà chồng ra thi ở nhờ hàng tuần. Cơm nước giặt giũ không cần biết ai lo, đến bữa là vào ăn. Mọi người từ già đến trẻ cứ ở nhà xem ti vi hoặc bảo chồng tôi đưa đi thăm thú đó đây.
Trong khi tôi con nhỏ, sáng dậy sớm mua thức ăn về nấu bữa sáng và nấu luôn cả bữa trưa để đi làm cả ngày. Bữa trưa mọi người chỉ việc cắm cơm luộc rau. Tối về tôi cũng lao vào nấu nướng, mọi người ăn trước tôi cho con ăn và tắm cho nó. Tôi ăn sau và rửa toàn bộ mâm bát.
Tiền đưa vợ chồng tôi không dám lấy. Vả lại chúng tôi biết mọi người có ở cả tháng đâu mà lấy tiền. Hơn nữa, nếu lấy sẽ lại mang tiếng chặt chẽ ki bo với nhà chồng nên tôi đã châm trước điều ấy.
Tôi đã làm hết sức nhưng vẫn bị chê trách, xét nét đủ điều. Vậy là mỗi lần như thế nhà chồng tôi lại một phen mắng con dâu. Họ bảo tôi đã được nhờ chồng kinh tế thì nội trợ phải lo lắng tươm tất. Chồng về nhà chỉ việc nghỉ ngơi. Và rồi: "Các em chúng nó không đứa nào được sung sướng như con dâu cả nhà này".
Cho đến nay vợ chồng tôi đã có 2 mặt con. Chúng tôi đã có một căn nhà nhỏ bé của riêng mình nhưng mọi việc vẫn tiếp diễn như thế. Bố mẹ còn khoẻ, anh em cũng khoẻ nhưng việc gì cũng gọi chồng tôi.
Mọi người sẽ thắc mắc chồng tôi thái độ thế nào trước mọi việc? Khi có việc cần nhờ, chồng tôi chỉ cần có một chút ngần ngừ là bố mẹ lại khóc. Họ kể về những năm tháng đói khổ nuôi anh để giờ đây "Nó chỉ biết vợ nó". Và tất nhiên người có lỗi là tôi vì tôi là vợ.
Họ bảo chắc tôi phải ghê gớm chặt chẽ lắm nên lúc nào hỏi đến tiền cũng thấy khó khăn. 10 năm rồi, ở nhà ai ốm là lại gọi về hoặc bảo gửi tiền, còn lại không một ai hỏi thăm xem vợ chồng tôi sống ra sao, có khó khăn gì.
Tôi ốm nằm viện không một ai ra thăm, không một đồng quà tấm bánh. Không biết bao lần tôi buồn đến phát khóc. Nhưng chồng tôi không cần biết con mình có sữa ăn hay không. Với anh, lương của tôi cũng đủ nuôi con rồi nên làm ra anh cứ chăm lo cho bố mẹ anh em nhà mình trước đã. Chả lẽ vợ mình lại tằn tiện với chính chồng con mình?
Anh không đến nỗi để vợ phải nuôi cả nhà, còn lương anh thì bao bọc hết gia đình mình. Nhưng quả thực với anh ấy, tôi và con tôi dường như được quan tâm sau cùng. Đến bây giờ tôi thấm điều ấy lắm.
Vợ chồng tôi vẫn yêu thương nhau nhưng tôi đã biết lo xa cho con mình. Thỉnh thoảng được thưởng, tôi làm tài khoản riêng cho các cháu chứ không nhập chung quỹ gia đình để chồng thoải mái gửi tiền về nhà anh nữa.
Sở dĩ tôi phải làm vậy vì một lần em trai tôi bị ngã xe nằm viện, bố mẹ tôi cũng có nhưng tôi muốn trả viện phí thay các cụ. Khi mẹ chồng tôi biết chuyện đã tỏ ra rất khó chịu. Cụ còn nói kháy là không biết nó mang bao nhiêu tiền chồng làm ra về nhà mình rồi.
Còn chồng tôi đáng lẽ phải ủng hộ thì anh cũng không một ý kiến bảo vệ vợ. Anh nói bố mẹ không có đã đành, đây ông bà có rồi thì mình không cần làm thế, còn phải để lo cho gia đình riêng.
Có lần anh còn nói nhà tôi không phải châm lấm tay bùn như nhà chồng nên không thể hiểu được thương bố mẹ thế nào, lúc nào cũng chỉ muốn bù đắp cho bố mẹ và anh em mình thôi…
Chỉ thế thôi tôi đã hiểu rằng, đời mình có chồng thật nhưng anh không phải cây đa cây đề làm chỗ dựa cho vợ con. Tôi luôn phải ý thức cứu mình và con mình trước.
Tôi vẫn sống bên chồng, chăm sóc gia đình nhỏ bé của mình nhưng sự trân trọng với chồng đã ít nhiều giảm vì thấy bản thân mình không được yêu thương và che chở. Chồng tôi không đến nội quá tệ vì không sa ngã vào cờ bạc, rượu chè, trai gái... nhưng anh ấy không làm cho vợ thấy được là một người phụ nữ đúng nghĩa.
Chả lẽ tôi bỏ chồng vì lý do chồng chỉ quan tâm đến anh em bố mẹ nhà anh mà không quan tâm đến vợ con? Hạnh phúc có thể không có nhưng lý do đó chưa đến mức phải ly hôn.
Ở đây tôi hy vọng bạn đọc không hiểu lầm tôi nói xấu nhà chồng. Đó là một thực tế mà vợ chồng tôi phải chịu nhiều năm nay. Và có lẽ với tính cách cục bộ, ích kỉ của cả chồng và nhà chồng, anh sẽ không bao giờ thay đổi để đặt vợ con lên hàng đầu.
Tôi ủng hộ việc con cái báo hiếu cha mẹ, đó là phải đạo. Nhưng anh em đủ chân đủ tay thì tôi không chấp nhận việc dựa dẫm ỷ lại. Cuộc sống còn có sĩ diện chứ, dù là anh em ruột thịt với nhau, ai cũng nên tự lập và hạn chế nhờ vả người khác khi không quá cần thiết.
10 năm rồi tôi chịu đựng một cuộc sống nhiều ức chế. Có lẽ là người khác đã không để yên như vậy. Nhiều lúc tôi nghĩ, tôi mà không làm ra đủ tiền nuôi con, chồng thì vẫn chỉ chăm chăm nghĩ cho gia đình như thế thì mẹ con tôi sống thế nào?
Nếu có ai là đàn ông đọc bài viết này, tôi hy vọng các anh hiểu rằng phụ nữ chúng tôi tất cả cũng chỉ lo cho con cái và hạnh phúc gia đình. Nếu đòi hỏi sự hy sinh, chúng tôi cũng chỉ hy sinh cho cái gì xứng đáng mà thôi.
Đàn ông hãy cứ lo cho gia đình nhỏ của mình được đầy đủ yên tâm, con cái có những gì tốt nhất rồi hãy làm những việc khác. Chưa làm được điều ấy thì đừng vội lấy vợ để người phụ nữ chân yếu tay mềm phải đứng ra cáng đáng bao nhiêu việc.
Đàn ông cũng đừng lúc nào cũng đòi hỏi sự hy sinh vô điều kiện của vợ. Hãy nghĩ rằng vợ cũng như mình, có cha mẹ sinh ra và vất vả nuôi nấng để rồi đi lấy chồng là xa bố mẹ mình. So với đàn ông, họ thiệt thòi hơn rất nhiều. Chính họ phải được sự cảm thông và ưu ái nhiều hơn mới là đúng.
Sau này ốm đau bệnh tật, người chăm sóc và chịu đựng nếu có sẽ là vợ chứ không phải bố mẹ hay anh em ruột của các anh. Tôi cũng khuyên các bạn nữ nên có sự tự chủ trong kinh tế để phòng nếu có người chồng như vậy. Chỉ có như thế, các bạn mới nuôi được con và lo cho bản thân mình.
Phụ nữ có thể chọn được chồng chứ không chọn được gia đình chồng. Thân gái như hạt mưa sa nên có sự phòng thân là hơn.
Xin chúc tất cả các độc giả luôn có cuộc sống vui vẻ hạnh phúc!
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. |
Afamily