Có một thời người ta yêu nhau không màng đến điều kiện vật chất, thậm chí có nhiều người còn coi "một túp lều tranh hai trái tim vàng" là lý tưởng của tình yêu!
Nhưng ngày nay, khi mọi xã hội đã thay đổi thì quan niệm tình yêu cũng đổi thay theo. Trong những quan niệm về tình yêu ấy, có không người mang những sắc màu hiện đại để ngụy trang cho lối sống vật chất, thực dụng của mình.
Lớn lên trong một gia đình trung lưu ở miền quê, vào thành phố học đại học rồi ở lại bám trụ tìm việc, Thu Thương quyết tâm đời mình sẽ phải khác cuộc sống an phận tẻ nhạt của cha mẹ. Hàng ngày, nhìn những cô bạn chân dài được người yêu đưa đón đi học bằng xe ga xịn, ôtô con bóng nhoáng, Thương lúc nào cũng ghen tỵ và ước ao giá mình cũng được như thế. Có ai đánh thuế một ước mơ đâu, ước ao bên mình có một người đàn ông giàu có, tài giỏi, địa vị và nâng đỡ mình như thế không có gì là sai trái.
Thương luôn hạ quyết tâm sau này ra trường lấy chồng “thà khóc trong BMW còn hơn cười sau Dream”.
Thương luôn hạ quyết tâm sau này ra trường lấy chồng “thà khóc trong
BMW còn hơn cười sau Dream”. Ảnh minh hoạ
Khi ra trường Thương khởi đầu bằng vị trí kế toán viên tại một công ty nhỏ, hai năm sau là kế toán tổng hợp tại một công ty lớn hơn. Một năm sau đó, mục tiêu của Thương hiện rõ thành chiếc ghế trưởng phòng. Cô tự bỏ tiền đi học lớp kế toán trưởng, và quan trọng hơn, quyết định “đầu tư mạo hiểm” vào phó giám đốc phụ trách nhân sự của công ty, dù biết anh đã có vợ, có hai con và gia đình đang hạnh phúc.
Cô vợ chủ quan của sếp làm sao chống chọi nổi kế hoạch chinh phục bằng tuổi trẻ và nhan sắc của Thương. Rất nhanh chóng, Thương trở thành nhân viên nổi bật nhất, hiệu quả nhất, và gần gũi nhất với sếp. Một năm sau nữa, khi Thương trở thành trưởng phòng kế toán, sếp cũng đồng thời ly hôn vợ. Cuộc hôn nhân mang lại cho Thương nhà cửa, xe cộ, hộ khẩu thành phố, và một tương lai thênh thang, trong khi vợ cũ của sếp cùng hai con dạt về một chung cư ngoại ô với khoản tiền cấp dưỡng hằng tháng chỉ vừa đủ sống.
H.A sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở miền Tây. Gần như cả tuổi thơ trải qua nỗi cực khổ, bần hàn nên lúc nào cô cũng canh cánh mục tiêu phải đổi đời bằng được.
Vì thế, khác với mấy anh chị em bỏ học giữa chừng, H.A quyết chí dứt quê, thay đổi cuộc sống bằng cách cố gắng theo đuổi học hành. Sau bao nhiêu nỗ lực, 23 tuổi, H.A tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá. Cô cũng nhanh chóng xin được việc do ngoại hình xinh xắn và kỹ năng giao tiếp khá tốt.
Tuy lương lậu có phần ổn định nhưng H.A vẫn không cam tâm vì: "Tôi nghĩ cứ làm công ăn lương như thế này thì chỉ đủ bản thân tiêu pha, không dư một khoản nhỏ nào cho cha mẹ thì cơ hội đâu mà làm giàu với đổi đời" - H. A chia sẻ.
Chính vì lý do đó, H.A bắt đầu toan tính tận dụng nhan sắc và lối ăn nói đưa đẩy, ngọt ngào của mình để kiếm cho mình một "tấm chồng ra chồng".
Với ý định đó, cô nhanh chóng đưa con trai sếp tổng vẫn độc thân vào tròng. "Bằng sự quan tâm, chăm sóc anh ấy với chủ đích của mình, chẳng mấy chốc chúng tôi trở thành cặp đôi đẹp được mọi người tán dương. Khi đó cũng không phải không có những lời ì xèo rằng tôi giăng bẫy bắt cá lớn. Tuy nhiên 'cá đã cắn câu' thì khó mà gỡ khỏi lưỡi câu. Chúng tôi nhanh chóng tổ chức hôn lễ" - H.A kể lại.
Cưới nhau gần 3 năm, sống trong cuộc sống nhung lụa, được chồng cưng chiều nhưng H.A luôn thấy mình đơn độc, lạc lõng vì tình cảm dành cho chồng thực sự không phải là tình yêu. Cô ví von mối quan hệ giữa mình và chồng giống như loại cây sống bám cộng sinh.
H.A chia sẻ rằng chính cuộc sống vương giả, sung sướng có được một cách dễ dàng khiến cô càng trượt dốc trong toan tính vụ lợi của mình. Cô thường xuyên "móc túi" của chồng lấy hàng chục triệu giấu vào quỹ đen. Vợ chồng sống chung nhưng cô luôn có tư tưởng phải tích lũy để phòng thân. "Thậm chí tôi còn tính toán khi ly hôn thì căn nhà chúng tôi đang chung sống sẽ được chia như thế nào..." - H.A cúi đầu, nói.
Và sau 5 năm chung sống cùng chồng, H.A ngoài những khoản biển thủ riêng, lập sổ tiết kiệm đứng tên mẹ mình, cô còn mua được một căn hộ chung cư, mua xe ô tô mà chồng không hề hay biết.
Nhiều bạn bè của Thương, H.A cho đó là một lộ trình ngắn và hiệu quả. Họ sẵn sàng chà đạp lên tất cả để nắm lấy mục tiêu đó là những ông chồng giàu kể cả phải bán rẻ cả trái tim mình để có nó. Trong mắt họ tiền bạc, danh vọng, quyền chức, tình yêu và cả sự dâng hiến đều được lập kế hoạch để chinh phục, để đoạt lấy, chẳng có sự hy sinh nào vô điều kiện.
Họ lập luận đầy chất “hiện đại”: Mỗi một cá nhân đều phải quyết liệt phấn đấu; trong cuộc sinh tồn, những cá thể mạnh sẽ thắng. Thương tự coi mình là một “cá thể mạnh”, hiểu biết của cô, kinh nghiệm nghề nghiệp của cô, trí tuệ thông minh và khả năng giao tiếp nhạy bén sắc sảo của cô không phải là thứ trời phú, mà phải qua một quá trình đào tạo, rèn giũa mới có được và qua trọng nhất cô có nhan sắc và biết đầu tư cho thứ nhan sắc ấy.
Nếu các cô gái lấy chồng giàu luôn kêu ca mình khổ thì những cô gái lấy chồng nghèo
kêu khổ còn lớn gấp nhiều lần nên chả tội gì mà H.A không "bon chen" để lấy chồng giàu bằng mọi giá.
Ảnh minh hoạ
Thật không công bằng khi phải trao nó cho một đối tác non nớt vụng về, không đánh giá đúng giá trị của cô. Thương coi việc chinh phục sếp cũng là một “đồ án tốt nghiệp” thú vị, mang tính tổng hợp. Có hại gì đâu khi trong tình yêu có lý trí, và cái lý trí đó vạch cho cô từng bước đường tiếp cận, chiếm đoạt trái tim người cô (muốn) yêu. Có hại gì đâu nếu trong tình yêu trai gái có thêm bóng dáng quyền lực, kể cả quyền lực của danh vọng và quyền lực kinh tế.
Cuối cùng thì chồng cô có mất gì đâu? Ngoài địa vị, tiền bạc, anh còn có được cả cô vợ thông minh, trẻ trung, xinh đẹp và tất nhiên là yêu anh. Cô chẳng ngán mang tiếng “chủ động chinh phục” hay hạ cấp hơn là “giật chồng”, bởi nói cho cùng, cuộc đời là một hành trình tìm kiếm. Trên con đường của cô, một khi đã xác định điều mình muốn, cô sẵn sàng đạp bằng tất cả để có được nó.
Còn H.A cô lại tự biện minh rằng tìm mọi cách lấy chồng giàu chẳng có gì là xấu cả. Ai chẳng vươn lên để được sung sướng. Dù một cô gái nghèo không có gì hay một cô gái giàu trong trứng nước thì trước tiên họ là đàn bà. Mà đàn bà ai cũng mong muốn có tấm chồng cây đa cây đề để phận nữ nhi chân yếu tay mềm được che chở bao bọc, được vị nể tự hào về chồng, để con mình mang nguồn gen tốt, có người cha đáng kính đáng phục. Hơn nữa, cô cần chồng giàu để được cuộc sống tốt đẹp, mở mặt hơn người đời.
Với H.A đàn ông giàu hay nghèo thì cũng có thể đểu cáng phụ bạc như nhau vì bản chất đàn ông là dễ bội bạc. Nếu các cô gái lấy chồng giàu luôn kêu ca mình khổ thì những cô gái lấy chồng nghèo kêu khổ còn lớn gấp nhiều lần nên chả tội gì mà cô không "bon chen" để lấy chồng giàu bằng mọi giá.
Tính thực dụng trong cách sống này được biện minh, được hỗ trợ bằng những “kỹ năng mềm” - điều đang ám ảnh lớp trẻ như một loại chìa khóa vạn năng mở cửa thành công. Họ phô diễn sự tự tin, mạnh mẽ của mình, họ độc lập về kinh tế, quan trọng nhất họ có nhan sắc và biết tận dụng nó, họ tự do đến với bất kỳ ai mà họ thích.
Cuộc sống hiện đại mang lại cho người phụ nữ nhiều cơ hội thể hiện chính mình, trong khi những khu vực độc quyền nam giới thì ngày càng thu hẹp. Phụ nữ có khả năng xâm nhập nhiều hơn vào những lĩnh vực mới, và với sự hiếu thắng của những kẻ yếu mới mạnh lên, họ nóng lòng muốn chiếm lấy những vị trí lãnh đạo. Những kỹ năng mềm được dạy chung cho cả nam và nữ, và sẵn với bản chất “mềm”, phụ nữ chiếm lợi thế hơn. Đây có thể là một phần trong những nguyên do sâu xa khiến tâm lý “đạp bằng tất cả” trở nên phổ biến: nhìn từ khía cạnh nào đó, nó cũng khiến phụ nữ có cảm giác họ đang mạnh dần lên.
Không phải cuộc hôn nhân toan tính nào cũng hạnh phúc. Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, nhìn vào những người phụ nữ hiện đại luôn tính toán thiệt hơn khi yêu, chọn sống như “cây tầm gửi” để được chăm sóc, “tài trợ” từ A đến Z. Nhưng, khi “cuộc chơi” kết thúc, liệu họ có nhận được hạnh phúc hay tất cả chỉ là phù du?
Thu Thương sở hữu một căn nhà tiện nghi, một anh chồng thành đạt và vài ba thứ tài sản nữa có thể làm người khác ghen tỵ, nhưng suốt thời gian làm vợ của mình, cô vẫn âm thầm lo lắng. Cô biết một phần trong trái tim người đàn ông hiện tại của cô đã vĩnh viễn thuộc về quá khứ, thuộc về hai cô con gái đang sống cùng mẹ. Chẳng biết những khi anh về thăm họ, niềm hạnh phúc với cô có tạm thời bị gạt khỏi anh không? Những lớp nhân viên nối tiếp vào công ty sau cô, không phải không có những tham vọng ngút trời giấu dưới vẻ điệu đà non nớt. Thu Thương canh chừng mọi thứ, cố gắng giữ cho mình luôn ở tình trạng đẹp đẽ, hấp dẫn, thông minh sắc sảo… Nhưng có khi cô thấy mình như bị mắc vào giữa tấm lưới do chính mình giăng ra, bây giờ, rút mối dây nào cũng không thể được.
Trong cuộc chơi này, mấy mẹ con cô vợ cũ là những nạn nhân dễ được thương xót hơn cả. Nhưng chẳng biết Thương có thấy rằng mình thực ra cũng chỉ là một nạn nhân? Cô đã tham gia vào một đường đua mà trọng tài là tuổi trẻ. Và bây giờ, hàng loạt những cô gái khác trẻ trung hơn cũng đang bước vào đường đua này. Hình như trong sâu thẳm, họ vẫn nghĩ chỉ có một thời để sở hữu quyền lực trẻ trung, xinh đẹp, nên đã tận dụng hết tuổi trẻ và xuân sắc của mình.
Còn H.A, sau khi bố chồng cô biết được việc làm ám muội của cô. Ông nhanh chóng cho người tìm hiểu và khi đủ chứng cứ "Ông cho tôi cơ hội hợp lý hóa lại số tiền tôi đã lén lấy của chồng. Rồi bảo sau đó hai vợ chồng tự giải quyết với nhau. Sống được thì tiết tục, không thì giải tán" - H.A ê chề kể lại.
Cô cho biết thêm: "Thời gian đầu biết được việc vợ không thật lòng từ ngày cưới mình, anh ấy sa sút tinh thần đến mức giống như người trầm cảm. Sau đó anh ấy như trở thành con người khác hẳn, thô bạo và hung hãn. Anh ấy không ly hôn, cũng không đuổi tôi ra khỏi nhà. Anh ấy buộc tôi phải sống cảnh vợ chồng mà còn không bằng người dưng.
Hằng ngày anh ấy tra tấn tôi bằng cuộc sống lúc căng như dây đàn bởi những lời chì chiết, lúc lại im lặng đến rợn người. Anh ấy đi đâu, làm gì tôi không được quyền hỏi... Còn bản thân tôi giờ cũng không dám đối diện, phản kháng gì cả. Biết rằng tôi có thể đơn phương đệ đơn ly hôn ra tòa và ra đi với hai bàn tay trắng nhưng lúc này, khi bị chồng đối xử như vậy tôi mới nhận ra mình toan tính quá nhiều nên không biết đã thực sự yêu chồng" - H.A rơm rớm nước mắt.
Hình như những cô gái thời @ quên mất một điều rằng cái triết lý "mỹ nhân là quà của người giàu" bị coi là tầm thường bởi hiển nhiên kẻ giàu không phải lao động mà cũng được yêu. Người đàn ông muốn đối tác tình cảm của mình không những là người giữ được vẻ "hảo hán" của chồng sau khi cưới mà còn đẩy họ lên cao tiếp tục hấp dẫn những phụ nữ khác. Anh ta cần một người phụ nữ sở hữu những giá trị tốt hơn cái anh ta đang có là tiền, trong khi sắc đẹp thời đại nay bị đồng tiền chi phối- đồng nghĩa với việc nó "lép vế" hơn tiền.
Tiền bạc và tình yêu là hai mặt không thể thiếu của cuộc sống. Cân nhắc để lựa chọn đối phương phù hợp với bản thân là điều hoàn toàn đúng, nó thể hiện cái nhìn thực tế. Bởi, làm sao mà sống nổi nếu không có tiền, nhưng nếu vì thế mà coi tiền là tiêu chí cần và đủ đề đánh giá tình yêu và “không có tiền cạp đất mà ăn” được đẩy lên thành quan điểm sống, hay lý do để bất chấp tất cả mọi thứ để có tiền, thì các bạn trẻ cần phải xem lại quan điểm và nhân cách sống của mình. Thực dụng không chỉ đánh mất tình yêu, hạnh phúc mà còn dễ làm các bạn trẻ đánh mất mình nữa.
Và trong cuộc hôn nhân một khi vật chất là giá trị lớn nhất, duy nhất cần hướng tới, mối quan hệ vợ chồng cũng mặc cả như quy luật thị trường thì liệu những cuộc hôn nhân “sặc mùi” tính toán, đổi chác ấy có bền vững, hay chỉ là điểm khởi đầu cho một bi kịch?
Đúng như một doanh nhân đã nói: "Tiền bạc có thể giúp chúng ta được nhiều ở lớp vỏ bên ngoài chứ chưa hẳn là ở nội tâm. Nó cho ta nhiều lương thực chứ chưa hắn là ngon,nhiều thuốc men chứ chưa hẳn là sức khỏe, nhiều người quen chứ chưa hắn là bạn thân, nhiều kẻ hầu hạ chứ chưa hẳn là trung thành, nhiều cuộc vui chứ chưa hẳn là hạnh phúc...”
wedphunu.net