Ba thập kỷ qua, chúng ta vẫn được nghe những khuyến nghị của các chuyên gia sức khỏe là nên tránh ăn những thực phẩm giàu chất béo như thịt, pho mát hay kem để giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học cho biết lời khuyên đó được đưa ra từ những thử nghiệm sai lầm – những thử nghiệm không hề tiến hành trên nữ giới và đáng lẽ ra không nên giới thiệu với công chúng.
Những thử nghiệm “sai lầm” đó chỉ tiến hành nghiên cứu trên những nhóm nhỏ là đàn ông với lối sống thiếu lành mạnh ở những thập kỉ trước. Thực tế, giữa lượng chất béo và tử vong do bệnh tim không có bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào.
Trong bài viết trên Tạp chí Y học của Anh, nhà nghiên cứu Zoe Harcombe thuộc Đại học West of Scotland, cho biết: “Nếu tôi phụ trách chính sách y tế công cộng, tôi chỉ có lời khuyên hãy ăn cả thức ăn chứa chất béo”. Các chuyên gia tim mạch cũng khuyến nghị việc tiêu thụ những thực phẩm chứa chất béo tự nhiên như các loại hạt và cá sẽ giúp bảo vệ con người chống lại các bệnh tim mạch.
Những nhà nghiên cứu thuộc Đại học West of Scotland và chuyên khoa tim mạch người Mỹ James DiNicolantonio đã xem xét lại các thử nghiệm nhằm tìm ra ảnh hưởng của chất béo đối với sức khỏe tim mạch giai đoạn 1965-1978. “Các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên ban đầu không cho thấy bất kỳ mối quan hệ nào giữa lượng chất béo và tử vong do bệnh tim mạch vành”, Zoe Harcombe cho biết.
Kiêng chất béo không phải là cách giúp bạn giảm cân mà ở mức độ nào đó còn góp phần
gây bệnh béo phì. Ảnh minh họa
Họ khuyên các gia đình hãy tránh xa những thực phẩm ít béo – thực phẩm liên quan tới tỷ lệ béo phì tăng đột biến. Chia sẻ trên Tạp chí Y khoa của Anh, bác sĩ – chuyên gia tư vấn tim mạch Aseem Malhotra nói: “Những hướng dẫn ăn uống hiện nay không giúp cải thiện tình trạng béo phì mà ở mức độ nào đó còn góp phần gây bệnh.
Tôi khuyên bệnh nhân nên ăn các loại thực phẩm và tiêu thụ nhiều chất béo hơn từ dầu ô liu, các loại hạt và cá giúp giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ. Lời khuyên của tôi là tránh tất cả thực phẩm ít béo (thường nhiều đường) và thực phẩm chế biến”.
Chỉ tính riêng ở nước Anh, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành 2,7% năm 1972 nay đã tăng vọt lên 25%.
Thực tế, chất béo cung cấp năng lượng, duy trì nhiệt độ cho cơ thể, cùng với các protein và cacbonhydrat góp phần cấu tạo nên tế bào của cơ thể và cung cấp một số nguyên tố vi lượng khác. Omega-3 và omega-6 trong chất béo còn là những axit béo (được tạo ra từ chất béo đưa vào cơ thể) vô cùng cần thiết, rất cần cho quá trình trao đổi chất và các hoạt động của con người.
Chất béo tham gia vào quá trình hình thành các bức tường của tất cả các tế bào, tổng hợp các hormone điều chỉnh các chức năng khác nhau như: các phản ứng miễn dịch, phản ứng viêm, đông máu… Và để phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh có liên quan đến chất béo trong thực phẩm bạn nên cân nhắc lại chế độ dinh dưỡng của mình cho phù hợp. Qua đó, chất béo còn giúp bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ của con người.
Theo Ttvn.vn