Sừng tê giác không phải là thần dược chữa bách bệnh
Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, sừng tê giác do chất keratin (chất sừng) tạo ra, tương tự như thành phần cấu tạo của móng tay. Không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng sừng tê giác có thể chữa được bệnh ung thư hay các bệnh khác như nhiều người vẫn lầm tưởng. Hơn thế nữa, theo các bác sĩ đông y, hầu hết sản phẩm được cho là sừng tê giác đang có mặt trên thị trường đều là “hàng giả”.
Sừng tê giác không phải là thần dược chữa bách bệnh
Tổ chức Bảo vệ các loài hoang dã quốc tế cũng cảnh báo, sừng tê giác chủ yếu được cấu tạo bởi chất sừng, cũng như thành phần của tóc và móng tay con người. Tuy nhiên, lâu nay nhiều người châu Á vẫn tin sừng tê giác dạng bột có thể chữa bất cứ bệnh gì từ đau đầu tới bệnh gút...
Thực tế, đã từng có người bị nhiễm độc da dị ứng do uống sừng tê giác. Đây là một bệnh nhân nữ 21 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, uống sừng tê giác để chữa nhiệt miệng lâu ngày. Sau khi uống 2 hôm, chị bắt đầu thấy xuất hiện các nốt mụn mủ và ban đỏ ở mặt, ngứa và đau rát, sau đó lan ra hai cánh tay, sốt nhẹ.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, ngoài tác dụng hạ sốt tương đối tốt, các công dụng chữa bệnh khác của sừng tê giác hiện chưa được chứng minh. Bên cạnh đó, nó có nhiều thành phần khá phức tạp với nhiều loại hoạt chất có nguồn gốc xa lạ với con người, nên sừng tê giác hoàn toàn có nguy cơ gây các phản ứng dị ứng và nhiễm độc. Vì vậy, người dân cần thận trọng khi sử dụng.
Nghiên cứu thành phần hóa học của sừng tê giác người ta thấy chủ yếu là keratin, ngoài ra còn có canxi cacbonat, canxi photphat. Khi thủy phân, sừng sẽ cho các axit amin như tyrosin, axit tiolactic, xystein.
Theo thạc sĩ Toàn, cả trong và ngoài nước chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh sừng tê giác có thể điều trị ung thư hay làm tăng khả năng cương dương. Gần đây, người ta có dùng sừng tê giác để điều trị ung thư, xơ gan... Kết quả điều trị chỉ tốt một phần với thể ung thư huyết nhiệt, còn loại khác nhiều khi lợi bất cập hại.
Ông Toàn cũng khuyến cáo, tê giác đã được đưa vào sách đỏ để bảo vệ và do tin đồn là sừng tê giác quý nên bị làm giả rất nhiều. Từng có người mua phải sừng tê giác được làm bằng bột đá và nhựa tổng hợp. Việc làm giả sừng tê bằng sừng trâu, sừng bò... hiện nay cũng rất tinh vi nên không thể phân biệt được và cũng không có tiêu chí nào để đánh giá thật giả. Thực tế, ở Việt Nam, sừng tê giác rất hiếm và gần như không có, chủ yếu nhập lậu từ châu Phi và Myanma.
Không nên quá kỳ vọng vào công dụng của sừng tê giác
Theo Giáo sư Hoàng Bảo Châu, nguyên giảng viên Đại học Y Hà Nội cho biết, với y học cổ truyền, sừng tê giác có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, an thần. Theo thực nghiệm của y học hiện đại, sừng tê giác có tác dụng cường tim, làm giảm sau đó làm tăng bạch cầu, hạ nhiệt, an thần, tác dụng tốt đối với các trường hợp sốt cao, co giật, chữa sung huyết, chảy máu cam, sốt vàng da, ung nhọt, viêm não B, trẻ nhỏ sốt nóng trong mùa hè, ban xuất huyết do giảm tiểu cầu, thần kinh phân liệt...
Tuy nhiên, mọi người thường dùng sừng tê giác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm lưu truyền. Tác dụng của sừng tê giác là thật nhưng đó không phải là thuốc chữa bách bệnh. Người mua đừng thần tượng hóa và quá kỳ vọng vào nó.
Chữa bệnh bằng sừng tê giác gián tiếp làm tê giác tuyệt chủng
Chữa bệnh bằng sừng tê giác làm tăng nguy cơ tuyệt chủng ở tê giác
Theo PGS.TS Bình, sở dĩ giá sừng tê giác đắt, được tính bằng tiền vàng và đô la (khoảng 25.000 đô la Mỹ/kg, 130 triệu đồng/100 gram sừng tê giác – mức giá không ổn định mà liên tục thay đổi) cũng bởi tâm lý của người dân Việt Nam. Những lời đồn thổi sừng tê giác chữa được ung thư, nhất là khi tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam ngày càng cao, khiến cho những gia đình có điều kiện kinh tế một chút đều cố gắng tìm mua bằng được, với hi vọng “còn nước còn tát”.
Hoặc nếu không nhiều người tiêu dùng cũng mua về - tâm lý dự phòng - phòng hơn chữa bệnh: ung thư, viêm gan B, giúp tráng dương bổ thận… Đặc biệt là một số bộ phận có tiền của và địa vị trong xã hội, tìm mua để sở hữu sừng tê giác để thể hiện đẳng cấp (ví dụ như khi khách quý đến nhà, lấy rượu có pha với sừng tê giác đã mài ra để mời khách…).
Chính vì những điều trên làm cho khá nhiều người tìm kiếm loại “thuốc tiên” này và gián tiếp khiến cho loài tê giác rơi vào nguy cơ tuyệt chủng, biến mất trên trái đất. PGS.TS Bình bày tỏ, việc bảo vệ các loài động vật quý hiếm là điều hết sức cần thiết. Chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc Đông y, Tây y khác để thay thế dược phẩm có nguồn gốc từ động vật. Việc làm này vừa thể hiện nét văn minh của loài người, vừa góp phần bảo tồn thiên nhiên.
VietQ.vn