Chữa hen… hầm bà lằng
Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) vừa cấp cứu cho bệnh nhân Vũ Thị Cẩn (54 tuổi, ở Thanh Hóa) vì ngộ độc thuốc Nam chữa bệnh hen.
Trẻ em bị hen phế quản cần được chẩn đoán sớm và điều trị đúng phác đồ.
Bà Cẩn cho biết, bà bị ho nhiều, sụt sịt, khó thở, nhưng uống nhiều thuốc vẫn không đỡ. Hàng xóm mách bà mua thuốc Nam của một bà lang bán rong ở chợ để uống. Chỉ uống ít bữa bà Cẩn đã thấy đỡ bệnh, tăng cân trông thấy dù ăn không nhiều. Tuy nhiên, chỉ được thời gian ngắn thì bà lại bị khó thở, tức ngực, sức khỏe yếu đi, không làm được việc. Đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ chẩn đoán bà bị hen và dị ứng thuốc Nam do trong thuốc có trộn thành phần corticoid - một loại thuốc có khả năng chống viêm, chống dị ứng cấp – tuy nhiên lại có rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
PGS-TS Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng chia sẻ, ca bệnh của bà Cẩn còn thuộc diện nhẹ. Trung tâm từng cấp cứu nhiều ca bệnh nhân nuốt các loại “phế phẩm” và côn trùng để chữa bệnh hen như nhau thai mèo, thạch sùng sống, giun đất sống... Không ít người sau khi ứng dụng các bài thuốc này đã chết ngất vì sợ hoặc nôn mật xanh mật vàng, tiêu chảy kéo dài…
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn H (14 tuổi, quê Bắc Ninh) bị ngộ độc sau khi uống mật cá trắm, men gan cao gấp 200 lần bình thường. H bị hen, còi cọc, chậm lớn, gia đình nghe lời mách mật cá trắm có thể chữa bệnh, tăng cường sức khỏe nên đã mua cá lấy mật, hòa vào nước để H uống. Sau đó, H bị đau bụng dữ dội, nôn, tiêu chảy và phải đưa đi cấp cứu.
TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, chưa có nghiên cứu nào khẳng định mật cá trắm có thể chữa bệnh hen hay tăng cường sinh lực. Uống mật cá trắm có thể dẫn đến tử vong do phù phổi cấp, phù não.
Chữa hen phải kiên trì
Theo GS - TS Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Việt Nam có khoảng 4 triệu người mắc bệnh hen phế quản. Khi lên cơn hen, người bệnh sẽ bị mất sức lao động, thậm chí tử vong nếu khó thở nặng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 40% người bệnh được phát hiện và điều trị đúng cách.
Trên thực tế, nhiều người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, khi có các cơn ho, khó thở, tức ngực thì không đi khám mà tự điều trị bằng thuốc lá, lang vườn. Có người nghe theo các lời mách nước, truyền miệng về các bài thuốc dân gian, tự dùng để rồi không hết bệnh còn gặp vạ. Lại có người được bác sĩ kê đơn, dùng thuốc một thời gian, thấy cơn khó thở thì bỏ điều trị, bệnh chuyển sang mãn tính, càng khó khỏi hơn.
Theo nghiên cứu mới nhất, những bệnh nhân hen được theo dõi và điều trị đúng chỉ phải chi phí khoảng 6,3 triệu đồng/năm, nhưng nếu không được điều trị thì sẽ tăng chi phí điều trị lên gấp 2,6 lần (khoảng 16,5 triệu đồng/năm).
“Bệnh hen phế quản phải kiên trì điều trị theo đúng phác đồ. Các nghiên cứu cho thấy, có khoảng 5% người bị hen khỏi hoàn toàn và khoảng 40% bệnh nhân hen kiểm soát tốt cơn hen của mình” – GS Châu khẳng định.
Dân Việt