Thời điểm ăn mít có hại cho sức khỏe sẽ khiến cơ thể của bạn không những không hấp thụ được những chất dinh dưỡng từ mít mà còn làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh.
1. Ăn mít khi bụng đói
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn chỉ nên ăn mít sau khi ăn cơm 1-2 tiếng, bởi mít có hàm lượng đường khá cao nên ăn lúc đói sẽ khiến hàm lượng đường trong máu của cơ thể đột ngột tăng cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy, mít chứa rất nhiều kali, magiê, vitamin A, C... và những dưỡng chất khác có lợi cho cơ thể. Ăn mít thường xuyên với một liều lượng vừa phải giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại bệnh ung thư, nhưng đối với những người mắc bệnh mãn tính, chỉ nên ăn tối đa 3 - 4 múi/ngày( tương đương khoảng 80g).
2. Ăn mít vào buổi chiều tối
Chiều tối cũng là thời điểm ăn mít có hại cho sức khỏe, bởi bạn sẽ dễ bị đầy bụng, khó tiêu. Với trẻ em và người cao tuổi nên tiêu thụ một lượng vừa phải mít và nên cắt nhỏ hoặc nghiền nhuyễn để ăn sẽ nhanh tiêu hóa hơn.
3. Khi mang thai
Theo nhiều bác sỹ chuyên khoa, phụ nữ mang thai có thể ăn tất cả các loại trái cây. Ăn mít không gây hại cho phụ nữ mang thai. Trên thực tế, có nhiều người quan niệm, ăn mít khi mang thai có thể bị sảy thai, đây là điều hoàn toàn không có căn cứ. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý nguyên tắc quan trọng là điều độ, tránh ăn quá nhiều.
4. Khi đang bị mụn nhọt
Do hàm lượng đường trong mít khá cao nên nếu tiêu thụ quá nhiều mít sẽ làm tăng lượng đường trong máu, đây chính là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, nhất là tụ cầu, nguyên nhân gây nên tình trạng mụn nhọt. Bởi thế, nếu bạn hay bị nóng trong, hay nổi mụn nhọt thì khi ăn mít cần uống đủ nước (2 - 2,5l/ngày) và rau xanh (200 - 300g/ngày), chứ không phải là hoàn toàn không được ăn mít.
5. Khi bị tiểu đường, gan nhiễm mỡ
Người bị tiểu đường và gan nhiễm mỡ cần tuyệt đối kiêng mít, lý do là bởi mít có hàm lượng đường cao, nhiều năng lượng và khó tiêu nên gan phải hoạt động rất nhiều.
Minh Huệ (Theo Giadinhvietnam.com)