Không chỉ riêng nhãn Thái Lan mới tẩm chất bảo quản mà ngay cả nhãn trong nước cũng được tẩm chất bảo quản. Ví dụ như nhãn miền Nam, khi chuyển ra miền Bắc cũng cần phải tẩm chất bảo quản để giữ được lâu hơn.
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Vũ, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lương thực Thực phẩm Việt Nam: Ở nồng độ cho phép, lưu huỳnh chỉ có tác dụng diệt côn trùng, diệt vi khuẩn trên vỏ nhãn, giúp kéo dài thời gian bảo quản nhãn (bảo quản từ 5-7 ngày). Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nồng độ lớn, vượt mức cho phép, lưu huỳnh sẽ ngấm vào trong cùi nhãn có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.
Để không ăn phải hoa quả có chất bảo quản, người dân nên chú ý những điều sau:
- Đầu cuống của nhãn sử dụng chất bảo quản có mùi lạ, hắc và mất mùi thơm tự nhiên… nguyên nhân là do tẩm chất lưu huỳnh. Dù được cấp phép sử dụng để bảo quản hoa quả nhưng nếu dùng quá liều lượng sẽ gây ra độc tố.
- Nhãn sáng bất thường do dùng thuốc tím. Hoặc bị xám đen do dùng nhiều thuốc tím.
- Nên ăn nhãn khi còn tươi để tránh nguy cơ nhãn bị tẩm hóa chất.
- Nên chọn những chùm nhãn có cuống còn xanh, không bị đốm trắng đầu cuống, nhãn rụng.
- Trường hợp không chắc chắn, nên bóc vỏ nhãn bằng tay, tránh dùng miệng cắn. Đặc biệt, khi bóc nhãn bằng tay tránh chạm vào cùi để tránh vi khuẩn, côn trùng xâm nhập vào nhãn bạn ăn.
- Khi mua nhãn về nên hòa muối vào nước sạch để rửa nhãn (tốt nhất là ngâm nhãn trong nước muối loãng khoảng 10 phút).
Sức khỏe và Đời sống