Húng chanh là loại rau thơm rất quen thuộc của nhân dân ta, được trồng rộng rãi khắp nơi. Là loài cây thảo, cao khoảng 30 - 50cm, phần thân sát đất hoá gỗ.
Lá mọc đối, mọng nước, mép khía răng, vò trong tay thấy toả ra một mùi thơm dễ chịu, thoảng mát như mùi chanh. Trong lá Húng chanh có tinh dầu, thành phần chủ yếu là cavaron, tác dụng chữa bệnh của Húng chanh là do tinh dầu này.
Húng chanh là gia vị quen thuộc cũng có công dụng chữa bệnh rất hiệu quả.
Theo Đông y, húng chanh có vị the cay, hơi chua, mùi thơm, tính ấm, không độc, có tác dụng lợi phế, trừ đờm, giải cảm, làm ra mồ hôi, làm thông hơi, giải độc. Colein trong lá có tác dụng kháng sinh mạnh đối với một số vi trùng, nhất là ở vùng họng, mũi, miệng và cả ở đường ruột.
Nhân dân ta thường thái nhỏ lá Húng chanh để ướp thịt, cá, nó là loại gia vị đặc sắc. Lá và ngọn non thường được dùng trị Cảm cúm, ho hen, ho ra máu, sốt cao, sốt không ra mồ hôi, nôn ra máu, đổ máu cam, còn dùng chữa viêm họng, khản tiếng. Liều dùng 10-15g, dạng thuốc sắc hoặc giã lấy nước uống. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều loại lá khác nấu nước xông.
Ở Malaixia, người ta dùng lá nấu cho phụ nữ sau khi sinh đẻ nóng, lá tươi giã ra lấy nước cốt cho trẻ em bị sổ mũi uống. Dùng ngoài lấy lá giã ra đắp trị nẻ môi, đau bụng, đau đầu và dùng xoa lên người khi bị sốt.
Ở Ấn Độ, lá Húng chanh dùng chữa bệnh về đường tiết niệu và rỉ nước âm đạo. Nước ép lá trộn với đường là một loại thuốc gây trung tiện mạnh, cũng dùng trị ho và chứng khó tiêu.
Chữa ho, viêm họng, khản tiếng
Lá Húng chanh non 5-10g giã nát vắt lấy nước cốt nóng. Hoặc đem giã nhỏ một nắm lá (15-20g), thêm nước, vắt lấy nước uống làm hai lần trong ngày. Đối với trẻ em, thêm ít đường, đem hấp cơm cho uống làm 2-3 lần.
Chữa đau bụng
Lá Húng chanh non rửa sạch, 1-2 lá nhai với một ít muối, ngậm nuốt dần dần.
Chữa cảm hàn
Lá Húng chanh tươi 40 - 60g, rửa sạch, băm nhỏ, cho vào bát, đổ rượu trắng vào vừa xâm xấp, trộn đều, đậy kín.
Nấu nồi nước xông thật sôi, khi nước sôi độ hai phút mới cho bát Húng chanh vào, đậy kín vung, nấu sôi, đem cho bệnh nhân xông; khi xông trùm chăn kín, sau đó lau khô mồ hôi, thay quần áo khác, nằm nghỉ ở chỗ kín gió.
Theo Khoevadep.com.vn