Mẹo trị tật nghiến răng “ken két” trong đêmBS. Nguyễn Thị Minh Huệ - Chuyên khoa Nội - Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng - Sở Y tế Hà Nội chia sẻ trên tờ Sức khỏe và Đời sống, nghiến răng không phải là bệnh nặng nhưng gây ảnh hưởng cho người xung quanh và cho bản thân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nghiến răng khi ngủ. Hầu hết là do đặc điểm hàm răng có độ lệch giữa hàm trên và hàm dưới, răng mọc không được thẳng hàng. Theo phản xạ 2 hàm răng sẽ có xu hướng cọ sát vào nhau, nghiến chặt lại. Bên cạnh đó là do những yếu tố khác như tinh thần mệt mỏi, căng thẳng, kích động hoặc do tác dụng phụ của một số thuốc răng miệng…
Tác hại của việc nghiến răng mạnh và nhiều có thể làm cho bạn bị đau nhức đầu, rối loạn cơ khớp thái dương hàm, đau tai, lâu dần sẽ khiến răng bị ăn mòn, vỡ men răng, thậm chí có thể bị gãy răng…
Vì vậy, để trị tật nghiến răng, các bác sĩ khuyên bạn có thể sử dụng những biện pháp nhỏ dưới đây:
- Cách tốt nhất là bạn nên đi khám chuyên khoa răng hàm mặt để bác sĩ kiểm tra mòn không, đánh giá tình trạng của khớp cắn. Nếu có thể bác sĩ sẽ mài những điểm cộm của răng, mài chỉnh để các răng ăn khớp với nhau hoặc làm một máng nhựa mềm để mang trong miệng khi ngủ nhằm ngăn chặn hiện tượng mòn răng, nứt hoặc gãy răng…
- Mang hàm nhựa cho răng dưới khi ngủ để bảo vệ răng và không gây tiếng kêu. Hoặc bạn có thể đặt một chiếc khăn ấm một bên mặt khi ngủ, sẽ giúp giúp cho các hàm răng được ngay ngắn hơn, hạn chế cọ sát vào nhau gây tiếng kêu.
Tật nghiến răng không phải là bệnh nặng nhưng gây ảnh hưởng cho người xung quanh
và cho bản thân. Ảnh minh họa.
- Bổ sung canxi và flour cho răng chắc khỏe mỗi ngày.
- Thư giãn tinh thần, hạn chế stress. Tuyệt đối không sử dụng rượu, cà phê, thuốc lá.
- Trị bệnh nghiến răng do nguyên nhân của thuốc: Có thể ngưng uống thuốc hoặc dùng bổ sung các thuốc khác để giảm tình trạng nghiến răng.
- Ngoài ra, trong thực đơn ăn uống hàng ngày nên bổ sung hàm lượng canxi cho cơ thể bằng thực phẩm hoặc bằng thuốc uống theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cần thực hiện chế độ ăn uống của con phải đầy đủ chất dinh dưỡng (có đủ 4 nhóm thức ăn là đạm, tinh bột, dầu mỡ, vitamin và khoáng chất) và uống đủ nước (0,4 lít nước/10 kg trọng lượng cơ thể/ngày).
Mẹo trị tật ngáy ngủ to tiếng ban đêmTờ Trí thức trẻ cho biết, ngáy ngủ là triệu chứng xảy ra trong khi ngủ do không khí được đưa đến sau họng phải đi qua một đoạn hẹp làm cho nó bị tăng vận tốc, tạo nên một áp lực âm, kéo mặt hầu và lưỡi gà mềm về phía sau và gây nên tiếng ngáy gây khó chịu cho người xung quanh. Người ngủ ngáy được chia làm 3 cấp độ. Cấp độ cao nhất là gây tiếng ngáy rất to ở mọi tư thế nằm ngủ và thường kèm theo triệu chứng nghẹt thở nhất thời và có thể nguy hiểm tới bệnh nhân.
Ngủ ngáy không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến
người xung quanh. Ản minh họa.
Nguyên nhân gây ngáy ngủ có thể do mắc bệnh viêm amidan quá phát, viêm xoang, dị ứng, do cổ họng hẹp bẩm sinh, cuống lưỡi to, cuống họng dài, cơ thể quá béo làm cho mỡ bám dày cổ họng, do hút thuốc lá nhiều…
Người ngủ ngáy thường có nguy cơ ngừng thở và nếu bị cơn này sẽ làm cho giấc ngủ không ngon, người mệt mỏi, không tập trung, giảm năng suất làm việc và nếu bị lâu ngày có thể làm giảm trí nhớ.
Tờ Giáo dục Việt Nam cho hay, để hạn chế, điều trị tật ngáy ngủ vào ban đêm, bạn nên sử dung những biện pháp dưới đây:
- Đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để chẩn đoán chính xác nguyên nhân ngủ ngáy và có phác đồ điều trị hiệu quả.
- Uống nước ấm trước khi đi ngủ. Điều này không chỉ có tác dụng giữ ẩm cho cổ họng mà còn làm cho giấc ngủ sâu hơn, từ đó “đẩy lùi” tình trạng ngủ ngáy.
- Không nên sử dụng các loại thuốc an thần và đồ uống có cồn, chất kích thích trước khi ngủ. Đây được coi là “thủ phạm” khiến cho các cơ ở cổ họng bị nới lỏng hơn và gây nên chứng ngủ ngáy.
- Thay đổi tư thế ngủ. Thay vì ngủ ở tư thế nằm ngửa, những người có tật ngáy ngủ nên nằm nghiêng sẽ giúp hạn chế ngủ ngáy. Ngoài ra, bạn cũng nên nằm gối cao hơn một chút để các luồng khi trong cổ họng di chuyển dễ dàng hơn theo đường thẳng.
- Giảm cân đối với người béo phì. Ở những người béo phì, thường có phần cổ to và dày, khiến đường hô hấp bị hẹp hơn, dễ gây nên những âm rung khi lưỡi và họng tiếp xúc với phần mềm là vòm miệng và lưỡi gà, gây nên hiện tượng ngáy.
- Chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau củ và hoa quả, hạn chế dầu mỡ… Ngoài ra, bạn cũng nên tập luyện thể thao một cách thường xuyên và đều đặn. Điều này vừa có tác dụng giảm béo, vừa giúp rèn luyện sức khỏe.
- Đặc biệt, việc giữ cho tinh thần luôn thoải mái cũng là một điều rất quan trọng. Nó giúp chúng ta ngủ ngon hơn, từ đó góp phần “điều trị” tật ngủ ngáy hiệu quả hơn.
Theo Doisongphapluat.com