Đặc biệt đi kèm với các hiện tượng chuột rút, đầy hơi, bất ổn tâm trạng… Bác sĩ bác sĩ Alyssa Dwec – tác giả cuốn V is for Vagina - sẽ phân tích những nguyên nhân phổ biến khiến bạn muộn chu kỳ.
Giảm cân nhanh hoặc tập thể dục quá sức
Nếu chỉ số BMI rớt nhanh xuống mức 18 hoặc 19, bạn có thể bị chậm hoặc mất kinh. Tuy nhiên, hiện tượng này không hoàn toàn phụ thuộc vào chỉ số BMI. Chán ăn, ăn uống vô độ hay tập thể dục, chạy bộ, làm việc quá sức cũng khiến chu kỳ bạn không đều đặn.
“Cơ chế tự nhiên không cho phép bạn mang thai nếu cơ thể đang căng thẳng cực độ. Lúc đó, cơ thể sẽ ngăn ngừa quá trình rụng trứng, do đó bạn không đủ estrogen để tạo nên một nội mạc tử cung dày, vì thế không thể hành kinh”, bác sĩ Alyssa Dwec giải thích.
Mãn kinh sớm
Phụ nữ có thể bị suy buồng trứng sớm, là tình trạng hai buồng trứng ngừng hoạt động khi người phụ nữ chưa đến 40 tuổi, khiến giảm khả năng sinh sản và chu kỳ kinh bất thường. Ngoài việc mất kinh, dấu hiệu của chứng suy buồng trứng sớm là người nóng bừng, đổ mồ hôi đêm và khô “vùng kín”.
Phụ nữ dưới 40 tuổi có thể bị mãn kinh sớm dẫn đến mất kinh
Stress
Một cú sốc trong cuộc đời có thể khiến bạn trễ hoặc mất hẳn ngày đèn đỏ. “Vùng dưới đồi (hypothalamus) là nơi tiết kích thích tố điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt của bạn và dễ bị ảnh hưởng mỗi khi bạn căng thẳng. Vì vậy, nếu bạn đang làm công việc áp lực, gia đình có tang, đổ vỡ hay bất kỳ thay đổi lớn nào trong cuộc sống cũng có thể khiến chu kỳ thay đổi”, bác sĩ Dweck nói.
Tuyến giáp bất thường
Các bệnh về tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của chị em, bao gồm suy giáp và cường giáp. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy bất kỳ những dấu hiệu nào của bệnh tuyến giáp, hãy nhanh chóng đi khám bác sĩ để được chẩn đoán sớm nhất.
Triệu chứng bệnh buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là hiện tượng mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến cơ thể không rụng trứng, làm thay đổi mức estrogen, progesterone và testosterone trong cơ thể bạn. Các triệu chứng khác của PCOS bao gồm: Lông rậm ở mặt và ngực, khó giảm cân, vô sinh…
Các bệnh mãn tính
“Bất kỳ bệnh mãn tính nào không được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng làm ảnh hưởng đến hệ thống chung của cơ thể, trong đó có việc mất kinh nguyệt. Bệnh thường gặp nhất là celiac”, bác sĩ Alyssa Dwec cho biết.
Thuốc tránh thai
Chậm hoặc mất hẳn kinh nguyệt có thể là tác dụng phụ của thuốc tránh thai. “Một liều thuốc tránh thai nhẹ có thể làm thay đổi kinh nguyệt. Tuy nhiên, điều này không gây nguy hiểm và thậm chí trong nhiều trường hợp, đây là dấu hiệu tích cực”, bác sĩ Dweck cho hay. Bạn có thể thử dùng các phương pháp tránh thai khác như vòng tránh thai nội tiết tố, thanh cấy dưới da, bao cao su… Nếu chu kỳ vẫn không ổn định, bạn cứ dùng đều đặn một thời gian, chu kỳ sẽ ổn định trở lại.
Người Lao Động