Bình thường, chúng ta sẽ cảm thấy lạnh vào mùa đông và nóng vào mùa hè. Thế nhưng, có không ít người cảm thấy lạnh hơn những người khác khi mùa đông đến.
Có khi nào bạn cảm thấy lạnh ngay cả khi sưởi nắng hoặc thời tiết tươi sáng? Bạn cho rằng như vậy là không bình thường, bạn có vấn đề về sức khỏe? Thực tế không phải vậy. Có rất nhiều lý do khiến một người luôn cảm thấy bị lạnh hơn so với những người khác. Vậy nguyên nhân là gì?
Do giới tính
Phụ nữ có nhiều khả năng cảm thấy lạnh hơn so với nam giới. Đó là bởi vì phụ nữ thường có mức độ hormone estrogen cao hơn so với nam giới. Hơn nữa, phụ nữ thường có lượng mô cơ bắp trong cơ thể thấp hơn so với nam giới nên khả năng chịu lạnh kém hơn.
Ảnh minh họa
Do chế độ ăn uống
Khi ăn bất kì thực phẩm nào, cơ thể bạn sẽ tiêu hóa chúng bằng cách tăng lượng máu tới dạ dày. Điều này khiến các bộ phận khác của cơ thể nhận được lượng ít hơn, từ đó làm cho cơ thể lạnh hơn. Nếu bạn đang có một chế độ ăn uống không lành mạnh, nghĩa là bạn ăn đồ ăn vặt hầu hết thời gian trong ngày thay vì ăn uống những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết thì tức là bạn đang làm cho cơ thể mình yếu đi, thường xuyên mệt mỏi và giảm khả năng chịu lạnh.
Các loại đồ ăn vặt hay đồ ăn chế biến sẵn thường có ít giá trị về dinh dưỡng nên nó không những ảnh hưởng đến cân nặng của bạn mà còn ảnh hưởng đến nhiệt độ bình thường của cơ thể. Khi nhiệt độ cơ thể bạn không ổn định, bạn càng khó thích ứng với thời tiết. vậy nên, vào mùa đông, có thể bạn sẽ cảm thấy lạnh hơn bình thường.
Mất cân bằng về nội tiết
Khi một người phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh hoặc đang mang thai, sự mất cân bằng nội tiết tố có thể xảy ra bên trong cơ thể của họ. Lúc này, nồng độ estrogen tăng lên, kéo theo nhiều triệu chứng bất thường như toát mồ hôi, đau người, khó ngủ... trong đó có thể có cả triệu chứng liên tục cảm thấy lạnh. Vì vậy, sự thay đổi trong mức độ hormone estrogen chính là thủ phạm chính đằng sau cảm giác lạnh này.
Có bệnh về huyết áp
Những người bị bệnh liên quan đến huyết áp (huyết áp cao và huyết áp thấp) đều thường cảm thấy bàn tay và bàn chân mình luôn bị lạnh. Nếu một người có huyết áp thấp, máu trong cơ thể chảy rất chậm, do đó, chỉ một lượng nhỏ có thể tiếp cận tới bàn tay và bàn chân của họ. Mặt khác , trong trường hợp cao huyết áp, lưu thông máu lại gặp nhiều khó khăn nên lượng máu tới các chi cũng không nhiều. Vì vậy, trong cả 2 trường hợp này, người bệnh đều cảm thấy lạnh hơn những người khác.
Ảnh minh họa
Có vấn đề về tuyến giáp
Nếu bạn thường xuyên có cảm giác lạnh, lại đi kèm với tăng cân nhanh chóng, mất kiểm soát cho dù bạn rất chăm tập thể dục và có chế độ ăn uống thích hợp thì rất có thể bạn đang gặp vấn đề vềtuyến giáp. Các vấn đề về tuyến giáp làm chậm quá trình trao đổi chất và do đó, giảm nhiệt độ trong cơ thể và khiến bạn kém chịu lạnh hơn so với người khác.
Suy giảm hệ miễn dịch
Cảm giác lạnh có thể xảy ra 2 trường hợp: lạnh toàn bộ cơ thể hoặc chỉ lạnh ở tay, chân. Nếu bạn bị lạnh tay và chân thì có thể lý do là bởi vì hệ thống miễn dịch của bạn bị suy yếu. Hệ thống miễn dịch yếu có thể là do sự xuất hiện của kí sinh trùng trong cơ thể, dẫn đến nhiễm trùng và ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể.
Lời khuyên giúp bạn cải thiện nhiệt độ cơ thể:
- Đối với những người thường xuyên cảm thấy lạnh, điều đầu tiên cần làm là cần có một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh bao gồm đầy đủ lượng protein, vitamin, chất béo và các khoáng chất khác. Một chế độ ăn uống cân bằng sẽ đảm bảo duy trì trọng lượng và nhiệt độ cơ thể thích hợp.
- Không được bỏ bất kì bữa ăn nào. Nếu bỏ một bữa ăn, cơ thể bạn sẽ không có đủ năng lượng và do đó sẽ tạo ra rất ít nhiệt, khiến bạn luôn bị lạnh.
- Tập thể dục, đặc biệt là các bài tập cho tim mạch. Điều này có lợi cho các mao mạch và cải thiện lưu thông nói chung. Các bác sĩ nói rằng hình thức thể dục tốt nhất là bơi lội.
- Massage tay và bàn chân ngay lập tức, sau khi bạn cảm thấy lạnh . Tự xoa bóp với dầu và hạt tiêu đen, gừng, quế hoặc cũng sẽ giúp làm ấm bàn tay và bàn chân của bạn.
Theo Pháp Luật Xã Hội