Bao giờ cũng thế, khi cơ thể gặp trục trặc, nó sẽ phát ra những dấu hiệu để bạn sớm nhận biết mà đi khám. Với tất cả các bệnh, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, cơ hội khỏi bệnh sẽ rất cao. Vậy nên, việc chú ý, kiểm tra cơ thể mình hàng ngày là hết sức cần thiết. Và nếu phát hiện bất kì biểu hiện bất thường nào bạn cũng không nên bỏ qua, vì đó có thể là đầu mối cảnh báo sức khỏe của bạn.
Dưới đây là 5 vấn đề sức khỏe bạn cần đặc biệt lưu ý và theo dõi hàng ngày.
1. Kiểm tra lượng kinh nguyệt của bạn
Biểu hiện: Kéo dài cả tháng dù mỗi lần chỉ ra một ít máu.
Vấn đề có thể gặp: Hầu hết phụ nữ bị chảy máu âm đạo bất thường đều có thể xuất phát từ nguyên nhân là căng thẳng. Nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh nội mạc tử cung, u xơ tử cung, hoặc thậm chí ung thư cổ tử cung. Khi ung thư cổ tử cung chuyển sang giai đoạn xâm lấn và bắt đầu tấn công các mô lân cận, người phụ nữ có thể bị chảy máu âm đạo giữa chu kì kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục, hoặc sau khi mãn kinh.
Cần làm: Bạn nên đi khám phụ khoa để biết nguyên nhân do đâu và để biết có cần làm các xét nghiệm nào không. Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ ung thư, nhưng xét nghiệm Pap hàng năm có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Xét nghiệm Pap sẽ giúp tầm soát ung thư cổ tử cung hoặc các tế bào tiền ung thư, còn khám phụ khoa có thể giúp xác định các bệnh như lạc nội mạc tử và tử cung u xơ tử cung... những nguyên nhân có thể gây chảy máu âm đạo bất thường.
Ảnh minh họa
2. Kiểm tra móng tay của bạn
Biểu hiện: Có những vết sẫm màu trên móng tay
Vấn đề có thể gặp: Tất cả các sọc màu vàng, nâu hoặc màu đen ở móng tay đều có thể là dấu hiệu của tổn thương tế bào. Nó cũng có thể do khối u ác tính - một dạng nguy hiểm nhất của ung thư da gây ra. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, trong những năm gần đây, tỷ lệ khối u ác tính đã tăng mạnh nhất ở phụ nữ trẻ.
Cần làm: Bạn nên đi khám da liễu vì bệnh ung thư da nếu phát hiện và điều trị sớm thì khả năng chữa khỏi lên tới 98%, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ. Khi đi khám, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về các yếu tố nguy cơ của mình. Những người có làn da trắng, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kéo dài và có một hoặc nhiều lần bị cháy nắng phồng rộp trong thời thơ ấu... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ung thư da có thể "ủ bệnh" trong nhiều năm mới phát triển ra ngoài, vì vậy, tốt nhất nạn nên dùng kem chống nắng ngay từ bây giờ để bảo vệ da của mình.
3. Kiểm tra da của bạn
Biểu hiện: Nổi nhiều mụn hoặc lông dày hơn.
Vấn đề có thể gặp: Đây có thể là biểu hiện của chứng buồng trứng đa nang. Bệnh này có thể có các triệu chứng là kinh nguyệt không đều và sản xuất quá mức kích thích tố sinh dục nam, lông xuất hiện nhiều trên mặt, ngực, bụng, lưng, chân, tay... Đây là bệnh khá phổ biến ở chị em trong độ tuổi sinh đẻ. Theo số liệu của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, cứ 10 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì có 1 người bị đa nang buồng trứng. Bệnh này nếu kéo dài có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng hơn hơn như vô sinh, hội chứng chuyển hóa và tiểu đường.
Cần làm: Bạn nên đi khám phụ khoa để được làm các xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh cần thiết. Để phòng bệnh, bạn nên có lối sống lành mạnh, tiêu thụ thực phẩm lành mạnh để tránh sự tăng nội tiết tố androgen - một nguyên nhân gây bệnh.
Ảnh minh họa
4. Kiểm tra nách
Biểu hiện: Có mảng da bị thô sần, đen.
Vấn đề có thể gặp: Đây có thể là biểu hiện của bệnh tiểu đường. Insulin dư thừa trong máu của bạn có thể làm cho các tế bào da tăng lên một cách bất thường, dẫn đến sự tích tụ của mô và melanin (hay còn gọi là sắc tố da). Điều này có thể làm cho da dưới cánh tay của bạn dày, thô sần và sẫm màu hơn.
Cần làm: Bạn cần đi khám để được tiến hành xét nghiệm máu chẩn đoán bệnh. Bất cứ ai 45 tuổi trở lên nên xem xét việc kiểm tra bệnh tiểu đường, đặc biệt là nếu bạn đang thừa cân. Nếu bạn dưới 45 tuổi, nhưng thừa cân và có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ, bạn cũng cần đi kiểm tra bệnh tiểu đường hàng năm. Đây là khuyến cáo của Viện Y tế Quốc gia Mỹ. Yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường bao gồm lịch sử gia đình, bệnh cao huyết áp, hội chứng buồng trứng đa nang...
5. Kiểm tra mí mắt của bạn
Biểu hiện: Có cục u mềm nhỏ mà nhìn màu trắng hoặc sáp, và không không biến mất dù bạn dùng tẩy trang.
Vấn đề có thể gặp: Đây có thể là lượng nhỏ cholesterol dưới da của bạn và nó có thể làm tắc nghẽn động mạch. Nồng độ cholesterol cao sẽ đặt bạn vào nguy cơ nghiêm trọng mắc bệnh tim.
Cần làm: Bạn nên đi khám và kiểm tra cholesterol. Nếu đúng như vậy, các bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách ăn uống, sinh hoạt để làm giảm nồng độ cholesterol. Giảm cân, tập thể dục thường xuyên, và ăn một chế độ ăn uống tập trung vào các loại trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, và tất cả các chất béo lành mạnh có thể giúp giảm cholesterol, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Nếu bạn bị cholesterol cao do di truyền thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để giảm nguy cơ phát triển bệnh cho bạn.
Theo Trí Thức Trẻ