Dưới đây là 5 loại thực phẩm cực kì nhiều nước mà bạn nên ăn trong mùa hè để bổ sung nước cho cơ thể.
1. Cần tây
Hàm lượng nước: 95,4%
Ảnh minh họa
Giống như tất cả các loại thực phẩm có nhiều nước, cần tây có rất ít calo (chỉ 6 calo mỗi cuống) và nhiều chất xơ. Do đó, bên cạnh việc cung cấp nước cho cơ thể, ăn cần tây còn giúp kiềm chế sự thèm ăn của bạn và thân thiện với kế hoạch giảm cân mà bạn đang thực hiện.
Cần tây có chứa axit folic và vitamin A, C và K. Nhờ vào hàm lượng nước cao, cần tây có thể trung hòa acid dạ dày và thường được khuyến cáo như là một phương thuốc tự nhiên cho chứng ợ nóng và trào ngược axit.
2. Củ cải
Hàm lượng nước: 95,3%
Ảnh minh họa
Ngoài hàm lượng nước cao, củ cải còn chứa rất nhiều vitamin C, vitamin A (đặc biệt là ở lá), vitamin B9, sắt, kali, magiê, axit folic và betaine... đặc biệt là trong củ cải đỏ.
Ngoài ra, củ cải còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, như beta-carotene và betacyanins... giúp giám sát sự phát triển của tế bào bất thường, ngăn ngừa khối u phát triển và đề phòng các bệnh ung thư như ung thư vú, tuyến tiền liệt, phổi, ruột kết và ung thư thận. Một số hợp chất trong củ cải đường giúp trung hòa các độc tố và thải độc trong nước tiểu.
3. Ớt xanh
Hàm lượng nước: 93,9%
Ảnh minh họa
Ớt chuông là một trong những thực phẩm có hàm lượng nước cao, trong đó chứa nhiều nước nhất là ớt xanh, cao hơn cả ớt đỏ và ớt vàng (chứa khoảng 92% nước). Cũng như các loại ớt chuông khác, ớt chuông xanh cũng có hàm lượng vitamin C kỷ lục. Cứ 100g ớt có chứa 120mg vitamin C (cao gấp 2,5 lần so với cam). Ngoài vitamin C, ớt chuông cũng rất giàu vitamin A, protid, đường, canxi, photpho, sắt, beta-caroten, vitamin B1, B2…
Loại thực phẩm này cũng giàu chất xơ, ít calo nên rất có lợi cho bạn trong mùa hè. Tuy nhiên, những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm hoặc mắc bệnh về đường ruột thì không nên ăn ớt sống mà phải gọt vỏ, nấu chín, ăn với một lượng vừa phải.
4. Khế
Hàm lượng nước: 91,4%
Ảnh minh họa
Loại trái cây nhiệt đới này có 2 vị là ngọt và chua. Vị chua của khế là do các axít hữu cơ tạo ra, có từ 800 – 1250mg/100 g khế, trong đó từ 300 – 500 mg axit oxalic, 300 – 430 mg axit tartric,140 – 220 mg axit succinic, 100 – 130 mg axit citric… Khế chua có tác dụng chữa bệnh nhiều hơn khế ngọt.
Quả khế giàu các vitamin và muối khoáng như kali, magie, photpho... và các axit nêu trên nên có tác dụng thanh nhiệt, giải khát. Ngoài ra, khế rất giàu vitamin C, ăn một quả khế nhỏ có thể cung cấp 1/3 lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể mỗi ngày, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, da dẻ tươi nhuận, trẻ lâu.
Lưu ý: Những người có vấn đề về thận nên tránh ăn khể vì mức độ axit oxalic trong khế khá cao, sẽ có ảnh hưởng không tốt tới hoạt động của thận, dễ gây sỏi thận
5. Dâu tây
Hàm lượng nước: 91,0%
Ảnh minh họa
Quả dâu tây còn đặc biệt chứa nhiều vitamin C hơn cả cam và bưởi. Bổ sung nhiều vitamin C từ quả dâu tây sẽ giúp bạn hạn chế được quá trình tạo nếp nhăn và khô da do tuổi tác vì dưỡng chất vitamin C trong quả dâu tây sẽ giúp tiêu diệt các tế bào gốc tự do này, quá trình tổng hợp collagen lại được tiếp tục để duy trì vẻ đẹp cho da.
Một kết quả nghiên cứu do trường Y tế cộng đồng Harvard, Mỹ, thực hiện cho thấy các chất chống oxy hóa và những chất hóa học từ thực vật được tìm thấy trong dâu tây có thể làm giảm chứng viêm tại các khớp, vốn là nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp và còn dẫn tới bệnh tim.
Hơn nữa, quả dâu tây còn chứa nhiều chất xơ nên có lợi cho hoạt động tiêu hóa, kiểm soát cân nặng của bạn.
Theo Trí Thức Trẻ