Dưới đây là 7 lưu ý nên biết nếu bạn dự định sinh con sau tuổi 35:
1. Nguy cơ gặp các biến chứng thai kỳ cao
Phụ nữ mang thai ở độ tuổi ngoài 35 dễ gặp các biến chứng thai kỳ do nguy cơ mắc phải chứng tiểu đường thai nghén và huyết áp cao. Tiểu đường thai nghén là tình trạng xảy ra khi phụ nữ mang thai bị mất cân bằng insulin, dẫn tới bệnh tiểu đường và có thể kéo dài tới cả sau khi đã sinh con. Trong một số trường hợp, bệnh tiểu đường thai nghén thậm chí có thể gây chuyển dạ sớm và sinh non.
Cao huyết áp cũng có nhiều khả năng tấn công một thai phụ trên 35 tuổi do sự căng thẳng gia tăng khi mang thai. Tuân thủ chế độ ăn uống dinh dưỡng và lối sống lành mạnh là cách tốt nhất để hạn chế được nguy cơ gặp phải các vấn đề này.
2. Nguy cơ di truyền nhiễm sắc thể bất thường cao
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác cho việc tại sao trẻ em sinh ra từ người mẹ trên 35 tuổi có tỷ lệ rối loạn di truyền cao hơn, nhưng mối tương quan giữa các trường hợp di truyền nhiễm sắc thể bất thường và tuổi của người mẹ là rất lớn. Chính vì vậy, các thai phụ trên 35 tuổi nên đi làm các xét nghiệm ở tuần thứ 9 – 11 của thai kỳ để sớm phát hiện khả năng thai nhi mắc phải các hội chứng Down hay Turner.
3. Nguy cơ sảy thai cao
Phụ nữ ở độ tuổi ngoài 35 mang thai thường có nguy cơ sảy thai và thai chết lưu cao hơn khá nhiều so với phụ nữ trẻ. Nguy cơ sảy thai cũng tăng theo độ tuổi, trong khi phụ nữ ở độ tuổi 35 là 20%, thì phụ nữ ở độ tuổi 45 lên tới 35%. Tỷ lệ sảy thai cao được cho là bởi tình trạng sức khỏe của mẹ và sự hiện diện của các nhiễm sắc thể bất thường ở thai nhi.
Ngoài ra, hiện tượng thai chết lưu còn có thể xảy ra tự nhiên ở giai đoạn muộn của thai kỳ. Do đó, trong những tháng cuối của thai kỳ, bà bầu cần rất cẩn thận với chệ độ ăn uống, mức độ hoạt động và cách sống của mình để không ảnh hưởng đến thai nhi.
4. Tỷ lệ thai đôi cao
Tỷ lệ sinh đôi ở thai phụ trên 35 tuổi khá cao. (Ảnh minh họa)
Dù chưa có câu trả lời chắc chắn 100% nhưng các chuyên gia y học gần đây đã đưa ra 2 nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sinh đôi phổ biến hơn ở những thai phụ cao tuổi, bao gồm: thay đổi nội tiết tố và việc tăng sử dụng một số loại thuốc nhất định.
Thai phụ cao tuổi có nồng độ cao hóc môn kích thích nang (FSH), một loại hóc môn có liên quan tới khả năng mang thai đôi. Thêm vào đó, một số loại thuốc hỗ trợ thụ thai có thể làm tăng cơ hội phụ nữ mang thai đôi, trong khi phụ nữ lớn tuổi thường cần nhờ tới sự hỗ trợ của các loại thuốc để có con nhiều hơn các phụ nữ trẻ. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng phát hiện ra các cặp song sinh khác trứng phổ biến hơn rất nhiều so với cùng trứng.
5. Khả năng sinh mổ cao
Sản phụ trên 35 tuổi thường phải sinh mổ do có nguy cơ cao gặp các biến chứng khi mang thai và sinh con như mất máu quá nhiều, thời gian sinh kéo dài hay quá trình sinh bị đình trệ.
6. Chất lượng trứng giảm
Chất lượng trứng bắt đầu bị suy giảm khi phụ nữ bước sang độ tuổi từ 30 tới 40, với các khiếm khuyết di truyền trứng cao hơn và khả năng thụ thai thấp hơn. Ngoài ra, số lượng trứng giảm đi theo độ tuổi cũng khiến khả năng thụ thai đi xuống.
7. Mất nhiều thời gian để thụ thai
Ngoài việc khả năng sinh sản giảm sau tuổi 35, phụ nữ ở độ tuổi này thường cũng mất nhiều thời gian hơn để thụ thai. Ví dụ, một đôi vợ chồng ở độ tuổi 20 có thể chỉ mất vài tháng để mang thai thì ở độ tuổi ngoài 35 có thể mất vài năm. Dinh dưỡng, trọng lượng, lối sống, cũng như tần suất quan hệ tình dục giảm là các nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này.
Theo Khampha.vn