Ngày nay, do kinh tế phát triển, đời sống được cải thiện nên ngoài các thực phẩm phổ biến như cháo, thịt, cá...cho con hàng ngày, hầu hết các mẹ đều có thói quen bổ sung thêm cho con những loại thực phẩm dinh dưỡng khác như sữa chua, váng sữa hay phô mai, hoa quả…Tuy nhiên, cho con ăn thế nào, liều lượng ra sao để bé có thể hấp thụ được tốt nhất thì không phải bà mẹ nào cũng biết.
Dưới đây là một số lưu ý loại thực phẩm mẹ cho con ăn sai cách,ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ của trẻ.
Phomai có nhiều chất dinh dưỡng nên cứ con ăn thoải mái?
Phô mai là một trong những món ăn mới đây rất được mẹ Việt chuộng vì độ thơm ngon và hàm lượng dinh dưỡng tuyệt vời. Các bác sĩ dinh dưỡng khuyên mẹ có thể cho bé sử dụng phô mai từ khi bé bắt đầu bước vào tuổi ăn dặm (tức là 6 tháng tuổi) nhưng nên cho bé ăn từ từ từng ít một và thăm dò phản ứng của con. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều trường hợp mẹ có thói quen cho phô mai vào cháo của con “vô tội vạ” mà không nghĩ đến những hậu quả sau đó.
Cho trẻ ăn quá nhiều phomai sẽ không có lợi cho sức khỏe (Ảnh minh họa)
Việc trẻ ăn quá nhiều phomai không tốt một chút nào cho sức khỏe của con. Mẹ nên biết rằng lượng chất béo trong phô mai khá nhiều do đó khi nấu ăn cho bé mẹ nên gia giảm lượng dầu ăn. Mẹ đặc biệt lưu ý đừng kết hợp phô mai với các thực phẩm khác như cua, lươn, rau mồng tơi hay rau dền vì sẽ khiến bé dễ bị đau bụng. Nhóm thực phẩm có thể kết hợp với phô mai kích thích sự ngon miệng cho bé là khoai tây, cà rốt, thịt bò, thịt gà,…
Bên cạnh đó, mẹ cần lưu ý rằng phomai tuy có chứa nhiều chất đạm, chất béo và canxi nhưng lại không hàm chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Chính vì vậy, mẹ chỉ nên cho con ăn phomai như một bữa phụ chứ không thể thay thế hoàn toàn sữa, thịt, cá,… để nấu bột, nấu cháo cho bé.
Cho con sử dụng váng sữa như một sản phẩm thay thế sữa và sữa mẹ?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, váng sữa là thực phẩm dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe của trẻ nhưng không phải người mẹ nào cũng có đủ kiến thức về sản phẩm này để cho bé sử dụng một cách hiệu quả. Một số phụ huynh sợ con ăn váng sữa sẽ bị béo phì nên cấm bé dù trẻ rất thích, số khác lại cho con ăn tùy tiện, bất cứ khi nào trẻ thèm và đòi đều cho ăn khiến trẻ ăn nhiều quá, ăn vào các thời điểm không thích hợp như buổi tối, ngay sau khi vừa ăn bữa chính.
Váng sữa rất giàu chất béo, nhiều năng lượng nên bố mẹ không nên cho trẻ ăn vào ngay trước hay gần đến bữa chính vì sẽ khiến bé ngang dạ, không muốn ăn gì nữa, cũng không nên ăn vào tối sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ.
HIện nay có rất nhiều mẹ cho con ăn váng sữa như một sản phẩm thay thế sữa và sữa mẹ. Tuy nhiên việc thay thế này không hề có lợi cho sự phát triển của bé. Vì váng sữa không chứa đủ các chất dinh dưỡng như trong sữa mẹ, đặc biệt là hàm lượng đạm trong váng sữa thấp. Nếu dùng váng sữa thay cho sữa mẹ, bé sẽ bị thiếu chất đạm, dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu máu… do thiếu các vi chất dinh dưỡng. Do đó, các mẹ chỉ nên sử dụng váng sữa như thực phẩm bổ sung cho bé.
Cho trẻ ăn sữa chua vào buổi tối sẽ không có tác dụng?
Khi nhắc đến các thực phẩm mẹ cho con ăn sai cách thì không thể không kể đến sữa chua.Sữa chua luôn được các mẹ tin cậy bởi tác dụng của nó đem lại cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên có nhiều mẹ vẫn còn có những hiểu lầm sai hại khi cho trẻ ăn loại thực phẩm dinh dưỡng này. Các mẹ nghĩ rằng cho trẻ ăn sữa chua buổi tối sẽ chẳng hấp thụ được gì lại phí tiền, tuy nhiên theo các bác sĩ dinh dưỡng thì các mẹ cần thay đổi ngay suy nghĩ này. Không cho trẻ ăn sữa chua buổi tối là mẹ đã bỏ qua thời điểm vàng giúp con tận dụng tối đa lượng canxi có trong sữa chua. Sau khi ăn tối khoảng 30 phút đến 2 tiếng, đây sẽ là thời điểm ăn sữa chua tốt nhất. Tuy nhiên, theo các bác sỹ thì để tối đa hóa hiệu quả của canxi trong sữa chua, tốt nhất là mẹ nên cho bé ăn sữa chua vào bữa tối trước khi đi ngủ.
Không những vậy, nhiều mẹ còn cho ăn sữa chua hâm nóng bởi nghĩ rằng ăn như vậy sẽ tránh cho con bị viêm họng do lạnh. Tuy nhiên theo các bác sĩ chuyên gia, đây là một việc làm cấm kị khi cho trẻ ăn sữa chua. Tác dụng chủ yếu của sữa chua là do nó chứa các vi khuẩn có ích, giúp tăng cường sự tiêu hóa ở trẻ do đó khi hâm trong lò vi sóng, nếu ở nhiệt độ cao có thể giết chết các vi khuẩn có ích này, khiến sữa chua sẽ không còn tác dụng nữa. Muốn con hấp thu tốt mọi dưỡng chất trong sữa chua và không bị viêm họng do lạnh thì cách tốt nhất là mẹ lấy sữa chua ra khỏi tủ lạnh khoảng 45 phút trước khi ăn hoặc mẹ có thể ngâm sữa chua với công thức: 2 sôi 1 lạnh.
Đó chỉ là 2 trong số ít rất nhiều các hiểu lầm của mẹ khi cho trẻ ăn sữa chua, để tìm hiểu thêm chi tiết, các mẹ có thể tham khảo bài viết này Hiểu lầm tai hại của mẹ khi cho trẻ ăn sữa chua.
Cho trẻ ăn hoa quả tráng miệng sau bữa ăn là hợp lý?
Hoa quả có rất nhiều vitamin, trẻ ăn hoa quả rất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu cho con ăn không đúng cách, mẹ sẽ gây ra tình trạng lãng phí cả tiền của và công sức mà con lại không hấp thụ được gì. Không ít mà rất nhiều mẹ có thói quen cho trẻ ăn hoa quả để tráng miệng sau bữa ăn. Vậy nhưng đây lại là một sai lầm tai hại bởi hoa quả chỉ nên được ăn với một cái dạ dày “rỗng”, tức là trước đó, trẻ chưa từng được ăn gì. Nếu sau khi ăn, trẻ chưa kịp tiêu hóa hết các thức ăn cũ, mẹ lại vội vàng thúc ép con ăn thêm hoa quả sẽ khiến trẻ khó tiêu, ảnh hưởng không tốt tới dạ dày. Do đó, thời điểm thích hợp nhất để cho trẻ ăn hoa quả là khoảng 30 phút trước khi mẹ định cho bé ăn bất cứ thứ gì.
Cho trẻ ăn hoa quả ngay sau bữa ăn là một việc làm không nên (Ảnh minh họa)
Một sai lầm khác khi mẹ cho trẻ ăn hoa quả là cố ép lấy nước uống cho nhiều. Thực tế, một số loại nước ép hoa quả đóng hộp trên thị trường có 100% là hoá chất tổng hợp. Nhưng kể cả khi mẹ đảm bảo chỉ ép cho con uống hoa quả tươi, đó vẫn là một ý tưởng không hay. Hoa quả ép, chẳng khác gì nước có vị hoa quả, nhưng tất cả các chất có lợi đều đã bị vứt đi. Vì vậy thay vì cho hoa quả vào máy xay và xay nhuyễn chúng, mẹ nên dùng tay để dầm, làm như vậy vừa không sợ mất chất vừa đảm bảo an toàn cho trẻ.
Chỉ cần dùng 1 loại dầu ăn cho trẻ là được?
Dầu ăn cũng được xếp loại vào danh sách các thực phẩm mẹ cho con ăn sai cách. Đây là nhóm chất dinh dưỡng rất quan trọng, đóng vai trò chính trong cung cấp năng lượng cho trẻ. Đặc biệt là các chất béo không bão hòa như omega 3 loại chất chiếm 60% chất cần thiết cho não bộ, giúp não điều khiển đúng hành vi, tăng cường trí nhớ và nhận thức.
Khi trẻ bắt đầu đến giai đoạn ăn dặm, mẹ có thể bổ sung thêm dầu ăn vào bột giúp bé ăn ngon miệng và no lâu hơn. Tuy nhiên, mẹ đừng chủ quan khi nghĩ dầu ăn có thể cho vào cháo, bột bất cứ lúc nào. Một muỗng dầu ăn cho vào thức ăn của trẻ khi chuẩn bị bắc khỏi bếp nấu sẽ có tác dụng tốt hơn đối với sự phát triển của bé vì khi đó dầu chưa bị biến chất do tác động của nhiệt độ cao và sẽ dễ hấp thu hơn.
Có nhiều mẹ quanh năm ngày tháng chỉ sử dụng nguyên 1 loại dầu ăn cho con mà không có bất sự sự thay đổi nào. Tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ nên dùng xen kẽ các loại dầu ăn để cung cấp đa dạng dưỡng chất cho trẻ. Bởi trong giai đoạn này, trẻ cần được cung cấp đầy đủ và đa dạng chất béo từ cả hai nguồn động, thực vật, đặc biệt là DHA, omega 3 có nhiều trong dầu cá hồi và một số loại dầu thực vật.
Theo Khampha.vn