Sốt là phản ứng bình thường của cơ thể trước sự thay đổi thời tiết hoặc do lao động mệt mỏi, quá sức. Tuy nhiên với bà bầu, khi sốt cao trên 38 độ C mà do nguyên nhân nhiễm trùng như nhiễm vi khuẩn, virus cúm, rubella… có thể tấn công trực tiếp qua “hàng rào máu – rau thai" vào thai nhi gây nhiều biến chứng đáng lo ngại.
Quá nguy hiểm khi bà bầu nhiễm virus trước tuần 7
Theo Bác sĩ Tạ Việt Cường – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Sốt nhẹ dưới 38 độ C thông thường đều do sự thay đổi thời tiết, thay đổi nhiệt độ đột ngột, viêm mũi họng… không ảnh hưởng lớn đến thai nhi. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C, sốt cao kéo dài thì hết sức nguy hiểm và có thể là một dấu hiệu báo trước mẹ bị nhiễm trùng nghiêm trọng gây dị dạng, dị tật ở con.
Sốt thường là một triệu chứng của bệnh nhiễm trùng, có thể là do vi khuẩn, có thể do virus cúm, rubella, sởi… Tùy vào mỗi bệnh mà có triệu chứng khác nhau và mức độ nguy hiểm khác nhau. Tuy nhiên, thường khi bà bầu sốt cao ở thời điểm dưới 12 tuần là nguy hiểm và đáng ngại hơn cả. Nếu do các tác nhân trên có thể gây ra những bất thường về hình thái của thai nhi.
Bà bầu mắc các bệnh rubella, sởi… trước tuần thứ 7 thường gây chết thai. Bên cạnh đó còn có nguy cơ dị tật các cơ quan lớn của thai nhi là khá cao. Cá biệt có bà bầu bị mắc rubella đến tuần 20, thai nhi còn có thể bị dị tật.
Khi thai phụ có dấu hiệu sốt cao (trên 38 độ C) thì việc đầu tiên là đi khám ở các bệnh viện chuyên khoa về truyền nhiễm. Sau khi điều trị sốt ổn định và biết được bị sốt do nguyên nhân gì thì nên đến các cơ sở sản khoa để được siêu âm và tư vấn trước sinh.
Để phòng tránh các bệnh lây truyền thì việc đầu tiên là nâng cao thể trạng, sau đó tránh xa người hoặc vùng có dịch bệnh, đeo khẩu trang phòng bệnh. Bà bầu thời gian này lưu ý ăn đủ chất dinh dưỡng để duy trì cân nặng ổn định, đảm bảo thể trạng và sức khỏe cho cả mẹ và con.
Với bà bầu, khi sốt cao trên 38 độ C có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.
(ảnh minh họa)
Sốt cao ở tháng thứ 4 có gây sảy thai hay không?
Một số mẹ thắc mắc, nếu sốt cao khi mang thai ở tháng thứ 4 có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? Theo Bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung – Trung tâm Y khoa Thái Hà, bà bầu khi đến tháng thứ 4 đã vượt qua 3 tháng đầu tiên (giai đoạn hình thành nên tổ chức cố định của thai nhi) nên hầu như những tai biến không còn đáng lo ngại nữa. Khi bị sốt các mẹ nên nghỉ ngơi cho đến khi hồi phục.
Về chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho bà bầu bác sĩ khuyên các mẹ nên:
- Duy trì uống đủ nước và bổ sung các loại nước ép trái cây giàu VitaminC như: nước cam, chanh, nước hoa quả...
- Có thể bổ sung các dưỡng chất bằng cách ăn nhiều hoa quả. Thai phụ nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu hoá như: bánh mỳ, cháo, nước hoa quả, mật ong…
- Bà bầu nên ăn làm nhiều bữa. Không nên ăn những loại thức ăn chứa các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê... và không hút thuốc lá.
- Nên ăn những loại thức ăn có chứa nhiều vitamin.
- Nên bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng các loại rau quả có màu đậm (như rau ngót, rau muống, rau dền, rau đay, rau khoai loang, cần ta, gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài, củ khoai lang nghệ...)
Một lưu ý là mẹ bầu tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc hạ sốt mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng gây ảnh hưởng đến thai nhi. Sau khi khỏi sốt, bà bầu có thể đến các cơ sở y tế, bệnh viện để được siêm âm, khám, tư vấn trước sinh về các nguy cơ có thể xảy ra cho em bé và thai kỳ.
Theo Khampha.vn