Con lạc: "Ác mộng" của cha mẹ
Ngày nghỉ lễ 2/9 sắp tới, dù rất háo hức muốn cho con đi chơi song chị Minh Lệ (Ngọc Lâm, Hà Nội) không khỏi è dè vì bé Chi (3 tuổi) đã có “tiền sử” lạc từ bé.
Nhớ lại năm ngoái, nhân dịp hè, gia đình chị cho bé Chi đi chơi xa. Chồng chị đang làm thủ tục chuyển tiếp ở sân bay Hàn Quốc, chị thì đang đứng lóng ngóng trông đồ, loáng một cái bé Chi đã lò dò chạy đi đâu.
Giữa biển người là người, chị Lệ hoảng loạn hét ầm lên, khóc lóc chạy đến chỗ chồng. Hai vợ chồng đang tím tái mặt mũi tìm con không ra, may sao tiếng phát thanh đã miêu tả đúng hình dáng, màu sắc bộ quần áo đang mặc của bé Chi để bố mẹ tìm đến.
Tại văn phòng sân bay, nhìn con nước mắt ngắn nước mắt dài đứng túm chặt lấy cô nhân viên sân bay mặc đồng phục mà chị xót xa, thương con, trách mình lơ là. Chị biết đó là sự may mắn của chị, nhỡ chẳng may bị lạc con thì chị không thể sống nổi.
Lạc con là một trong những cơn ác mộng lớn nhất mà ông bố bà mẹ nào cũng lo lắng, sợ hãi.
Điều tốt nhất bạn có thể làm là dạy cho con những kĩ năng an toàn khi đứng
trước tình huống xấu này (Ảnh minh họa)
Lạc con là một trong những cơn ác mộng lớn nhất mà ông bố bà mẹ nào cũng lo lắng, sợ hãi. Điều tốt nhất bạn có thể làm là dạy cho con những kỹ năng an toàn khi đứng trước tình huống xấu này (Ảnh minh họa)
Câu chuyện một người đồng nghiệp bị lạc mất con vĩnh viễn ở bãi biển Cửa Lò khiến anh Toàn (Hà Đông, Hà Nội) ái ngại mỗi khi cho con đi chơi đặc biệt đi chơi chỗ đông người.
Anh cũng từng là “nạn nhân” của việc đứng tim tìm con trong cả khuôn viên rộng thênh thang của Royal City. Bé Linh – con anh hơn 4 tuổi rồi nhưng rất hiếu động, chính vì điều đó mà đi đâu anh cũng lo ngay ngáy con lạc.
Anh chia sẻ: “Tuần trước, mình đưa con tới Royal City chơi, loáng cái đã thấy ‘con giặc’ đi đâu rồi. Cuống quýt đi tìm con thì mãi mới thấy con đang ngã dúi dụi ở đám đông đằng trước, chảy be bét máu ở chân. Ngã còn nhẹ nhỡ bị lạc thôi là chết dở”.
Vậy nên, bây giờ cứ đi đâu, ngoài việc dặn dò con, anh lại nhét vào ba lô con hay cài vào vòng cổ con mảnh giấy nhỏ ghi tên bố mẹ và số điện thoại cần liên lạc.
Dạy con kĩ năng: Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Trước vấn đề này, chuyên gia tâm lí Hồng Hà cho biết, cha mẹ biết lường trước sự nguy hiểm cho con là điều quan trọng. Cha mẹ nên dạy bé một số kĩ năng đơn giản nhưng vô cùng quan trọng để bé biết cách tự bảo vệ mình. Trẻ lạc có rất nhiều nguyên nhân, có thể từ sự chủ quan của bố mẹ mà cũng có thể do bé bị cám dỗ nơi chốn đông người và lạc lúc nào không hay.
Lạc con là một trong những cơn ác mộng lớn nhất mà ông bố bà mẹ nào cũng lo lắng, sợ hãi. Điều tốt nhất bạn có thể làm là dạy con những kĩ năng an toàn khi đứng trước tình huống xấu này.
Dạy bé không đi theo, nghe lời của người lạ khi chưa được sự đồng ý của người thân. Đi ra chỗ đông người, bé không được tách cha mẹ, phải đi cạnh cha mẹ.
Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, cha mẹ cần dạy bé cách xử lý tình huống khi bị lạc, lồng ghép vào những câu chuyện để bé dễ hình dung ra hoặc đưa ra tình huống giả định hỏi và hướng bé cách giải quyết. Cha mẹ nên dặn bé khi bị lạc cần đứng lại ngay chỗ đó, không đi đâu hết, không tự ý lang thang. Dạy bé biết tìm đến nhờ sự giúp đỡ của các nhân viên, cảnh sát, nhân viên an ninh, những cô chú mặc đồng phục.
Chuyên gia khuyên bạn nên dạy bé ghi nhớ tên tuổi của mình, tên cha mẹ, địa chỉ, điện thoại liên lạc. Trong nhiều trường hợp vì điều này mà bé đã tự tìm được về với bố mẹ. Tuy nhiên, cũng không nên trông chờ 100% vào trí nhớ của con trẻ nhất là khi chúng đang hoảng loạn vì bị lạc. Bạn hãy lưu ý cài vào ba lô, túi áo của con mảnh giấy ghi tên, địa chỉ, điện thoại của mình. Bạn nên dặn con cần giữ mảnh giấy này cẩn thận và hãy đưa cho những người mặc đồng phục, đeo phù hiệu mảnh giấy này trong trường hợp con bị lạc.
Khi con lớn hơn một chút, bậc phụ huynh có trách nhiệm phải dạy con tự tìm đến những nơi dễ tìm như quầy hướng dẫn, tìm người mặc đồng phục (cảnh sát, bảo vệ…) để họ liên lạc với bố mẹ.
Khi đi chơi chỗ đông người, cha mẹ có thể cho con ăn vận bộ đồ bắt mắt, sáng màu để cha mẹ có thể nhận biết nhanh được vị trí con mình ở đâu. Dù trẻ rất thích tự do chạy nhảy nhưng việc nắm tay con chốn đông người là hoàn toàn không thừa. Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên bế trên tay. Cha mẹ không nên cho bé đi khỏi tầm mắt mình quá xa.
Về phần bố mẹ, trong trường hợp khẩn cấp này thì khó có thể bình tĩnh được nhưng đó chính là lời khuyên dành cho bạn, bình tĩnh được thì bạn mới có thể tìm được con nhanh nhất. Hoảng loạn sẽ khiến tâm trí bạn bị phân tâm, không đưa ra được nhanh quyết định sáng suốt và có thể khiến tình huống đã xấu còn xấu hơn.
Càng nhanh càng tốt bạn phải liên lạc với người có trách nhiệm ở khu công cộng đó, có thói quen giữ ảnh con trong ví, trong điện thoại để những lúc khẩn cấp như thế này có thể cần tới ngay.
Thêm vào đó, khi bạn đã tìm thấy con, dù bạn đang rất lo lắng nhưng bạn đừng mắng nhiếc, đánh con vì con không muốn bị lạc. Bạn cần phải nói chuyện để con biết rằng lạc là điều nguy hiểm như thế nào.
Trẻ có thể dễ dàng bị thu hút bởi cảnh vật hai bên đường và quay lại ngắm nhìn chúng, cha mẹ không nên chạy bổ đi tìm con mà hãy bình tĩnh đứng lại 5 phút gọi tên con thật to, sau đó mới đi tìm và nhờ tới sự trợ giúp của nhân viên an ninh.
Báo công an là phương án cuối cùng nếu bạn chưa tìm thấy bé.
Tri Thức Trẻ