Không nằm ngoài ngoại lệ này, câu chuyện về cậu bé người Colombia có tên là Didier Montalvo với một chiếc bớt khổng lồ ở lưng là ví dụ. Chiếc bớt này lớn dần, khi Didier 6 tuổi thì nó đã bao trùm toàn bộ phần lưng và nhô cao khiến em được mọi người đặt biệt danh là "Chú bé Rùa"...
Montalvo trước khi được tiến hành phẫu thuật
Chuyện những người “hóa rùa"
Câu chuyện của Montalvo là một trong những trường hợp khá đặc biệt, theo đó cậu bé người Colombia (Nam Mỹ) này sở hữu loại bớt cực kỳ hiếm gặp, cứ khoảng 20.000 trẻ thì có một bé bị. Cũng bởi sự phát triển, lan tỏa của vết bớt đã chiếm hơn nửa diện tích cơ thể nên cuộc sống của cậu bé Didier Montalvo bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ đau đớn, gây ngứa da, nó còn khiến cậu bé mất tự tin. Cậu bé và gia đình sống biệt lập, cách xa dân làng, tại một căn nhà nhỏ ở vùng nông thôn tại Colombia. Mẹ cậu bé cho rằng, chính do lỗi của mình vì đã dám nhìn nhật thực khi mang thai nên mới khiến cho con phải mang bệnh lạ. Theo quan niệm của nhiều người dân sinh sống tại đây, hiện tượng nhật thực chính là thời khắc mặt trời bị lấn át, tức là thời điểm bóng tối chiến thắng ánh sáng, lúc này những điều xấu xa sẽ xảy ra, ai nhìn hiện tượng này thì tất yếu sẽ gặp phải điều không may trong cuộc sống, thậm chí người gở miệng còn cho rằng người dám nhìn trực diện hiện tượng nhật thực sẽ bị biến thành con vật, nếu mang thai, con cái sẽ không thể thành người…
Tương tự trường hợp của cậu bé Montalvo là một bé gái sinh sống tại vùng ven biển phía Tây Mexico, cô bé có tên là Tania. Ngay từ khi mới được sinh ra, Tania đã sở hữu một nốt ruồi rất to ở lưng, vậy nên người trong làng gọi em là cô bé "hạt đậu", bởi ban đầu nốt ruồi đó chỉ to bằng hạt đậu nhưng nó nhanh chóng phát triển không ngừng. Đến khi Tania tròn 6 tuổi thì nốt ruồi đã choán hết lưng của em. Phải mang trên mình một khối thịt khổng lồ và xù xì như lớp mai rùa nên Tania thường bị mọi người xa lánh, một phần vì gia đình không có điều kiện kinh tế nên em không có điều kiện tới trường như bạn bè cùng trang lứa. Cuộc sống quanh năm suốt tháng chỉ quẩn quanh trong căn chòi nhỏ gần biển khiến Tania trông già hơn so với độ tuổi của mình, cũng vì mang trong mình căn bệnh lạ nên cô bé ít khi giao tiếp với mọi người và nhút nhát. Nhiều người dân cùng làng chẳng những không thông cảm với cô bé mà còn đặt ra những câu chuyện ma quái liên quan đến em khiến cho cuộc sống của em vốn đã gặp nhiều khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Một trường hợp người hóa rùa khác được lịch sử y học thế giới ghi nhận là cậu bé Sunday sống ở xứ Wales thuộc Anh quốc. Không giống như Montalvo hay Tania, khi sinh ra, Sunday không hề có dấu hiệu nào cho thấy là bị mắc phải bệnh bớt sắc tố bẩm sinh. Sở hữu một làn da trắng muốt, Sunday phát triển bình thường như chúng bạn, nhưng đến năm lên 3, không hiểu từ đâu những dấu chấm nhỏ li ti bắt đầu xuất hiện khắp lưng, sau đó những chấm này đậm, lớn dần lên và bắt đầu bám vào nhau thành từng mảng lớn. Mặc dù được điều trị rất tích cực nhưng các bớt đó không những không thuyên giảm mà còn ngày một dày hơn, tạo thành một mảng lớn sau lưng Sunday, khiến cho cuộc sống cũng như sức khỏe của cậu bé bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Biệt danh "Thằng gù" hay "Ninja rùa" cũng từ đó gắn liền với Sunday. Các bác sĩ chuyên khoa về u bướu và da liễu đã đưa ra lời đề xuất tiến hành phẫu thuật cho bé Sunday, nhưng do tuổi của em còn nhỏ, cộng với tình trạng thể lực không được tốt, nếu tiến hành một ca đại phẫu thuật sẽ khiến tính mạng em gặp nguy hiểm, chưa kể đến hệ quả sau phẫu thuật sẽ như thế nào…
Didier sau khi được phẫu thuật.
Con đường trở lại "kiếp người"
Quay lại câu chuyện của Didier Montalvo, một phần vì những lời đồn thổi, một phần vì quá nghèo nên gia đình Montalvo không đủ khả năng chi trả cho phẫu thuật, nhưng cuộc đời của Didier đã thay đổi khi câu chuyện cảm động về cậu được đăng tải trên một tờ báo địa phương. Rất nhiều người đã gửi quà tặng và tiền quyên góp cho em. Số tiền đó giúp bố mẹ Didier có thể chữa bệnh cho con nhưng một cuộc phẫu thuật đổi đời thì không đơn giản, bởi thực tế nó đi liền với những đau đớn và nguy hiểm.
Theo thông tin, trong thời gian này, một chuyên gia phẫu thuật từ Bệnh viện Great Ormond Street ở London (Anh) đã tới Colombia để giúp nhóm bác sĩ trong nước mổ cho Didier. Chuyên gia này, bác sĩ Neil Bulstrode, từng mổ cho hàng chục bệnh nhi bị bớt sắc tố bẩm sinh nhưng chưa gặp trường hợp nào nặng như Didier. "Bớt sắc tố của Didier là trường hợp nặng nhất mà tôi từng thấy về cả kích thước và số lượng lớn các tổn thương. 3/4 chu vi cơ thể cậu bé bị ảnh hưởng. Các trường hợp khác thường có bớt phẳng hơn, hẹp hơn nên việc điều trị và xử lý dễ dàng hơn nhiều"- bác sĩ nói. Tuy nhiên, điều này không ngăn được quyết tâm của bác sĩ Bulstrode muốn giúp Didier loại bỏ bớt sắc tố và khiến cậu bé thoát khỏi biệt danh "chú bé Rùa". "Khi tôi nhìn thấy bức hình của Didier, một trong những cảm giác đầu tiên của tôi là nếu có thể loại bỏ cái bớt, chúng ta sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của cậu bé"- ông nói. Ca mổ bước đầu đã thành công và mang lại nụ cười lạc quan cho Didier Montalvo cùng gia đình. "Thật tuyệt khi vượt qua được chính sự hiểu biết và khả năng của mình để giúp cho Didier có một kết quả thành công"- bác sĩ Bulstrode bày tỏ.
Theo bác sĩ Bulstrode, bớt sắc tố bẩm sinh là kết quả của sự tăng sinh lành tính các tế bào hắc tố hạ bì, thượng bì hoặc cả hai, xuất hiện trong vòng hai năm đầu tiên của cuộc đời. Bệnh không ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng đã có trường hợp ung thư hắc tố xuất phát trên nền tổn thương của bớt sắc tố bẩm sinh. Điều ảnh hưởng nặng nề nhất là thẩm mỹ, làm cho bệnh nhân thiếu tự tin, ảnh hưởng tới phát triển tâm lý cũng như công việc và các hoạt động xã hội. Với bớt sắc tố có kích thước nhỏ và ở vùng da kín, ít bị kích thích chấn thương thì có thể không cần can thiệp. Đối với các bớt có kích thước lớn ở vùng da hở, ảnh hưởng đến thẩm mỹ thì cần được thăm khám và xử lý. Mặc dù đã lý giải được căn bệnh quái ác mà Montalvo phải chịu được trong nhiều năm trời, nhưng theo bác sĩ Bulstrode thì nguyên nhân của bớt sắc tố vẫn chưa được làm rõ.
Theo ông bệnh có thể do bất thường trong quá trình phát triển tổ chức da, sự sai lạc vị trí của tế bào sinh hắc tố. Kích thước, vị trí của bớt có thể ở bất kỳ vị trí nào và tỷ lệ mắc bệnh ở hai giới là như nhau. Màu sắc của bớt sắc tố có thể là màu nâu, đen, xanh đen hoặc phối hợp. Bớt sắc tố chủ yếu tác động về mặt thẩm mỹ, tâm lý. Song có một số loại bớt có thể dễ dàng biến thành ung thư da, đặc biệt ung thư hắc tố. Bớt sắc tố có thể xuất hiện đơn độc hoặc phối hợp với một số bất thường khác của da. Việc chẩn đoán bệnh thường khó, cần có sự khám xét kỹ càng.
Mặc dù, hầu hết các bớt sắc tố chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý nhưng một số bệnh lý bớt sắc tố có thể dễ chuyển thành ung thư tế bào hắc tố như bớt sắc tố tế bào khổng lồ, bớt có kích thước lớn (>30 cm2) hoặc ở vị trí cọ xát nhiều, hội chứng bớt tế bào đáy (lớp tế bào sinh sản của da), bệnh khô da sắc tố… Do đó, việc chẩn đoán sớm các bệnh lý có biểu hiện tăng sắc tố giúp đưa ra phương pháp điều trị sớm và hiệu quả. Việc phẫu thuật để loại bỏ bớt sắc tố được áp dụng khi kích thước của bớt lớn, đồng thời vị trí của bớt sắc tố có thể áp dụng phẫu thuật cắt bỏ và tạo hình, thẩm mỹ. Tuy vậy, đối với bớt kích thước quá lớn cần phải phẫu thuật nhiều lần và phối hợp với chuyển vạt hoặc vá da đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ và chức năng. Đối với những trường hợp tương tự như của Montalvo thì việc phẫu thuật sẽ giúp cho “người rùa” có điều kiện để trở về với cuộc sống như người bình thường.
Pháp luật xã hội