Và đặc biệt, các cô dâu trẻ của bộ tộc Massai được đặc biệt chúc phúc bằng những… bãi nước bọt lên đầu và ngực.
Thiếu nữ Massai
Bộ tộc Massai là một nhóm dân tộc thuộc chủng tộc Nilotic bán du mục sinh sống ở Kenya và phía Bắc Tanzania. Theo lịch sử truyền miệng của bộ lạc Massai, tổ tiên của thổ dân Massai sinh sống gần khu vực phía Bắc sông Nil, sau đó họ bắt đầu di cư về phía Nam vào khoảng thế kỷ 15. Đến cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, một bộ phận không nhỏ người Massai đã đi từ miền Bắc Kenya vào trung tâm Tanzania và định cư tại đây. Một số bộ lạc khác đã buộc phải di dời khi người Massai đến định cư ở đó. Lãnh thổ Massai đạt đến kích thước lớn nhất vào giữa thế kỷ 19, bao gồm hầu như toàn bộ thung lũng Great Rift và vùng đất liền kề từ phía Bắc Mount Marsabit đến phía Nam Dodoma.
Đa số người dân của bộ lạc sử dụng tiếng Massai thuộc nhóm ngôn ngữ Nil-Sahara. Đồng thời, người Massai cũng được đào tạo ngôn ngữ chính thức của Kenya và Tanzania là tiếng Swahili và tiếng Anh.Theo báo cáo dân số vào năm 2009 thì số dân của dân tộc này là 840.000 người ở Kenya.
Hiện nay, người Massai sống trên những vùng đồng cỏ rộng lớn cả hai miền Nam và Bắc đất nước Kenya và nổi tiếng là một trong những dân tộc ở châu Phi với nhiều phong tục truyền thống hết sức độc đáo.
Người Massai sống tập trung trong những ngôi làng. Làng của người Massai thường có hình vòng tròn. Phần trung tâm của làng là nơi nuôi dưỡng các đàn gia súc. Các ngôi nhà, thường làm bằng đất sét, kết nối với nhau tạo thành những vòng khép kín bao quanh.Người Massai trồng cỏ ở vòng ngoài để bảo vệ làng, dùng làm rào chắn các loài thú hoang bên ngoài xâm nhập vào. Mỗi làng có khoảng từ 4 đến 8 hộ gia đình cùng sống và chăn nuôi gia súc với nhau.
Trong số khoảng 48 tộc người ở Kenya, người Massai chiếm số lượng không nhiều, thế nhưng, họ lại sinh sống trên những vùng đất rộng lớn và có nguồn tài nguyên phong phú. Tộc người này thường sống trên đồng cỏ Mara thuộc khuôn viên của khu bảo tồn quốc gia Massai Mara. Cuộc sống của người Massai gắn bó với các loài động vật hoang dã, kể cả những con sư tử và họ rất xem trọng chúng. Người nào dám nhận nhiệm vụ giết loài vật hung dữ này, lấy da và lông của chúng làm trang phục, sẽ được xem như anh hùng và sẽ nhận được những lời ca ngợi của các thành viên trong bộ tộc.
Theo truyền thống, khi bước vào độ tuổi 16, các chàng trai Massai phải giết chết một con sư tử như một nghi thức chứng tỏ sự trưởng thành của mình. Ngày nay, sư tử đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nên người dân nơi đây không được phép giết chúng nữa. Vì vậy, những chiếc nón có gắn lông sư tử đã trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm của dân tộc Massai.
Thịt bò và cừu mà họ nuôi là thực phẩm chủ yếu của dân địa phương. Người Massai có phong tục uống máu tươi khi giết gia súc vì họ cho rằng máu tươi động vật là thứ bổ nhất. Đàn ông Massai thường mang giáo và dao ngắn bên mình. Các loại vũ khí đó không chỉ giúp họ tự vệ mà còn có thể dùng để bảo vệ đàn gia súc khỏi sự tấn công của những con thú ăn thịt.
Người Massai tin vào thuyết vật linh. Họ cho rằng, gia súc là món quà mà thần thánh đã ban tặng cho mình, chúng tượng trưng cho sự giàu có và quyền lực. Dù sở hữu đàn gia súc đông đúc, nhưng người Massai không bao giờ đếm xem trong đàn có bao nhiêu con, vì việc đó được cho là sẽ khiến gia đình họ gặp phải những điều xui rủi. Chính vì cuộc sống luôn gắn liền với những loài động vật dữ tợn nên người Massai trở thành những người dũng cảm nhất trong các bộ tộc ở Kenya. Một trong những kỹ năng cần thiết mà các chiến binh Massai phải học là tự tạo ra lửa. Họ xoay một đầu gỗ nhọn và cứng trên một thanh gỗ mềm khác cho đến khi lửa bốc lên.
Tộc người Massai có ngôn ngữ và chữ viết riêng. Tuy nhiên, lịch sử của tộc người này lại được lưu truyền bằng những câu chuyện truyền khẩu. Hầu hết phụ nữ Massai đều cạo trọc đầu và mang rất nhiều loại trang sức nhiều màu sắc. Khi các bé gái bước vào độ tuổi lên 9, chúng sẽ được xỏ lỗ tai. Tùy theo thứ bậc trong gia đình và tuổi tác mà người phụ nữ sẽ đeo những vật trang sức khác nhau. Hiện nay, các chính phủ của đất nước Tanzania và Kenya đã khuyến khích người Massai từ bỏ lối sống bán du mục truyền thống, nhưng họ vẫn tiếp tục sống theo phong tục của mình.
Nhiều bộ lạc Massai ở Tanzania và Kenya chào đón khách đến thăm làng của họ để trải nghiệm lối sống, truyền thống và văn hóa của người Massai. Chính nhờ sự phát triển của ngành du lịch, các vật dụng truyền thống của người Massai như đồ trang sức, quần áo… đều trở thành hàng hóa. Không những thế, cả những phong tục lâu đời của bộ tộc Massai cũng mang về cho dân địa phương nguồn thu nhập đáng kể.
Sự xuất hiện của du khách nước ngoài khiến cuộc sống của người Massai có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, về cơ bản, dân tộc Massai vẫn duy trì được nhiều phong tục tập quán độc đáo mà một trong số đó là những phong tục kì lạ trong đám cưới.
Tục nhổ nước bọt của tộc người Massai
Cho đến ngày nay, người Massai vẫn duy trì phong tục đa thê. Gia súc được dùng làm của hồi môn và lễ vật cầu hôn. Bản thân dân tộc Massai là một bộ tộc có văn hóa gia trưởng rất mạnh. Một người đàn ông Massai có thể có nhiều vợ tùy theo số lượng của cải mà họ có. Những người đàn ông của bộ tộc Massai thường “mua” vợ bằng cách tặng cho cha vợ gia súc hoặc dê, vốn được xem là những tài sản có giá trị. Ngay cả trong trường hợp không phải là một cuộc hôn nhân xếp đặt, việc tặng các món quà lớn cho nhà vợ là một nghi thức bắt buộc.
Khế ước hôn nhân của người Massai bắt đầu từ rất lâu trước ngày cưới. Quá trình tìm hiểu kéo dài do quy định của bộ tộc không cho phép ly dị. Trong bộ tộc Massai, phụ nữ được phép có bạn trai bên ngoài hôn nhân với điều kiện là không được có thai. Tập tục này xuất phát từ thực tế: những cô gái trẻ chưa đầy 20 tuổi nhiều khi phải cưới những người đàn ông đến 70 tuổi. Tuy nhiên, nếu có thai, cô sẽ khiến người chồng rất tức giận. Các ông chồng bị “cắm sừng” có thể cho phép vợ giữ lại đứa con, nhưng sẽ không thực hiện nghĩa vụ gì với đứa trẻ này.
Mỗi hôn lễ của người Massai đều được tổ chức như một lễ hội. Tất cả dân trong làng đều được cô dâu chú rể mời đến tham dự lễ cưới mà không có bất cứ một sự phân biệt nào. Trong ngày thành hôn, cô dâu sẽ trở thành người phụ nữ đẹp nhất, nổi bật nhất khi diện trên mình những trang phục sặc sỡ và đeo những bộ trang sức cầu kì nhất. Ngay khi họ nhà trai đến làng của cô dâu, những người lớn tuổi của cả 2 làng cùng chúc phúc cho đôi vợ chồng mới cưới. Trước khi rời làng của mình, những người lớn tuổi đặt trước ngực cô dâu một cây cỏ tươi tượng trưng cho đồng cỏ xanh tươi và cuộc hôn nhân hạnh phúc. Các cô dâu trẻ với tuổi đời chỉ khoảng từ 13 đến 16 tuổi sẽ phải đi bộ một quãng đường dài đến ngôi nhà mới.
Cô dâu Massai
Đặc biệt, theo phong tục của người Massai, cha của cô dâu sẽ nhổ nước bọt lên đầu và ngực con gái như một lời cầu phúc. Không có bất cứ người con gái nào thuộc bộ tộc Massai khi cưới chồng lại không thực hiện nghi lễ cầu phúc độc đáo có một không hai này. Nước bọt của người cha sẽ tượng trưng cho tất cả những gì tốt đẹp nhất mà người cha mẹ của cô dâu muốn gửi gắm cho con cái mình. Người con gái cũng sẽ hạnh phúc hơn khi nhận được những “lời chúc phúc” đặc biệt này. Và chỉ sau khi tiến hành nghi thức kỳ lạ này, cô gái mới được phép lên đường về nhà chồng.
Điều đặc biệt là đoàn người đưa dâu thường đi với tốc độ rất chậm, vì thế quá trình đưa cô dâu từ nhà cha mẹ đẻ đến nhà chồng có thể mất nhiều giờ đồng hồ. Ngoài ra, người Massai quan niệm rằng, khi đi theo người chồng mới cưới, cô gái không bao giờ được ngoái lại nhà cha mẹ đẻ, nếu không sẽ bị hóa đá. Để rũ bỏ hết sự xui xẻo, đôi khi, những người phụ nữ trong gia đình nhà chồng sẽ sỉ nhục và lăng mạ nàng dâu vừa chân ướt chân ráo đến nơi, để có thể hưởng một cách trọn vẹn nhất hạnh phúc của mình.
Infonet