Nếu như với nhiều người sống ở miền Bắc và miền Trung, nơi phổ biến quan niệm đã là đám ma thì phải buồn thì phong tục “đám ma vui như hội” ở miền Nam quả là khiến nhiều người phải tròn mắt, lắc đầu.
Trong đám ma người thân vẫn cười vui vẻ.
Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên cái tháng đầu tiên khi tôi mới vào Sài Gòn và chuyển đến trọ ở một chung cư thuộc diện “chờ phá dỡ” ở khu vực quận 10. Tôi vừa chuyển đến hôm trước thì hôm sau bên cạnh căn phòng tôi trọ có người quy tiên. Lúc đó, trong đầu tôi đã bắt đầu mường tượng đến cảnh kèn ta, sáo, nhị... nỉ non hòa cùng tiếng khóc than của bạn bè, con cháu. Thế nhưng tất cả chỉ đúng được một phần nhỏ...
Đêm hôm ấy, sau một khoảnh thời gian khá ngắn ngủi cho việc khóc lóc, tiếc thương, cả chung cư được thưởng thức một show văn nghệ tạp kỹ vô cùng “hoành tráng”. Các ca sĩ đường phố cùng với người nhà của đám tang tranh nhau cái micro như cả đội âm binh từ dưới đất chui lên thi nhau gào thét. Họ hát, hát đàng hoàng còn đỡ, đằng này sau khi hát đủ loại nhạc vàng đỏ xanh, họ bắt đầu quay sang... chế lời, hát nhăng nhít chọc ghẹo nhau.
Lại còn trò giới thiệu nhảm: “Bây giờ là màn trình diễn của ca sĩ Lam Trường”, “đến lượt ca sĩ Phương Thanh”. Họ gán cho nhau các nghệ danh nhái lại các ca sĩ nổi tiếng. Họ nhảy loi choi. Họ tấu hài. Họ ca tân cổ giao duyên. Họ kích động mọi người vỗ tay. Nguyên một đêm. Đêm trắng. Tận đến rạng sáng là giờ đưa ma khu chung cư mới yên ả dần.
Dù đã được một số bạn bè cảnh báo trước nhưng thực sự là tôi không khỏi “sốc” trước đêm tang lễ “hoành tráng” đó. Vậy mà không biết có phải số phận sắp đặt hay không mà chỉ trong vòng một tháng đầu tiên tôi chuyển đến, cả khu vực có đến... 3 cái đám tang. Đám ngắn nhất cũng 3 ngày, đám dài nhất là chẵn 5 ngày với đủ các màn từ điếu văn cho đến dàn nhạc của các đạo sĩ và cuối cùng là màn “karaoke madein đám ma”.
Cuối tháng đó, trong lần có dịp ngồi với một sư thầy ở Sài Gòn, tôi đem sự ngạc nhiên của mình đối với cách tổ chức “đám tang kiêm đám hát” của người miền Nam ra bày tỏ.
Ông nhìn đôi mắt đỏ ngầu vì mất ngủ của tôi rồi tủm tỉm cười: Trong quan niệm văn hóa tại một số địa phương ở miền Nam, người đã chết sẽ được giải thoát để đi đoàn tụ với ông bà. Trên đường đưa tiễn, thân nhân và bạn bè phải vui thì người chết mới yên tâm đi về thế giới phía bên kia, còn khóc lóc tiếc thương dai dẳng sẽ khiến người ta không nỡ đi.
Bởi vậy, trong đám ma ở miền Nam, buổi sáng là thời gian thăm viếng, chia sẻ nỗi buồn, sự thành kính với người đã khuất và buổi tối thường tổ chức các chương trình ca nhạc, nhảy múa, ăn uống, có khi còn rình rang và nhộn nhịp hơn... đám cưới.
Đã có lần tôi không thể đỡ nổi với màn cuối của một đám ma, lúc động quan khi ông thầy đập cái niêu đất để gọi hồn dậy để đi. Khi đó ban nhạc đang chơi bản “Tình thôi xót xa” bỗng dưng im bặt và chuyển sang tấu lên bài hành khúc rất thôi thúc, hào hùng:" Dậy mà đi đồng bào ơi... dậy mà đi hỡi đồng bào ơi..."
Nhìn cảnh đám ma Sài Gòn tôi lại nhớ các buổi tang lễ xảy ra ngày tôi còn thơ bé. Ngày đó gia đình tôi ở một xóm đạo, hễ cứ nghe thấy tiếng đọc kinh không nhằm giờ thường lệ là biết ngay nhà nào đó có tang. Sau những khoảnh khắc ồn lên tiếng khóc lóc thảm thiết của người thân là những phần nghi lễ rất yên tĩnh, thiêng liêng. Đám ma nào dài nhất cũng chỉ đến 2 ngày.
Hình ảnh buồn nhưng không sợ. Mọi thứ cứ u sầu dịu nhẹ như bản Requiem của Mozart... Còn bây giờ, nhiều lúc bắt gặp những “đám ma vui như hội” ở giữa cái thành phố chen lấn và xô bồ này tôi chỉ còn biết chẹp miệng “Sài Gòn mà... ”.
Người Đưa Tin