Thậm chí đôi khi những đám ma ở đây còn những biểu hiện có phần thái quá…
Đám ma thì phải… vui
Trong quan niệm văn hóa tại nhiều địa phương ở miền Nam, người đã chết sẽ được giải thoát để đi đoàn tụ với ông bà. Trên đường đưa tiễn, thân nhân và bạn bè phải vui thì người chết mới yên tâm đi về thế giới bên kia, còn khóc lóc tiếc thương dai dẳng sẽ khiến người ta không nỡ đi. Bởi vậy, trong đám ma ở miền Nam, buổi sáng là thời gian thăm viếng, chia sẻ nỗi buồn, sự thành kính với người đã khuất và buổi tối thường tổ chức các chương trình ca nhạc, nhảy múa, ăn uống, có khi còn rình rang và nhộn nhịp hơn… đám cưới.
Đối với nhiều người sống ở miền Bắc và miền Trung, nơi phổ biến quan niệm đã là đám ma thì phải buồn, thì phong tục "đám ma vui" ở miền Nam quả là độc nhất vô nhị. Do không được giải thích đầy đủ, một số người đã bị "sốc" và có ý kiến phê phán cách biểu hiện sự vui vẻ thái quá trong đám ma. Tuy vậy, khi đã hiểu quan niệm tiễn đưa người chết ở miền Nam, nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên thú vị trước tập tục độc đáo này. "Tập tục vậy cũng hay chứ. Như miền Trung với miền Bắc, khóc sưng cả mắt, ngất lên ngất xuống nhìn thê lương lắm", một thành viên của mạng xã hội nhận xét.
Màn trình diễn tại một đám tang ở TP HCM.
Đối với nhiều người lần đầu tiên được chứng kiến "đám ma vui" sẽ không khỏi ngạc nhiên. "Lúc tôi mới vào TP HCM, thấy họ hát thâu đêm. Lúc đó cũng thấy "sốc", sau thấy nhiều nên cũng quen dần. Có lần tôi còn thấy bài nhạc bốc lửa như: "Trống vắng", "Tình yêu của tôi",… Trong khi, đám tang miền Bắc thì buồn lắm, thê lương ai oán khủng khiếp còn đám ma trong Nam lại hết sức vui nhộn", anh Thành so sánh. Với các cư dân của miền Nam thì những đám ma như vậy đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.
Chị Châu (quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết: "Nói thì nghe lạ chứ ở đây đám ma… vui lắm. Không chỉ mấy đêm ca nhạc, ăn nhậu liên tiếp mà khi đưa đi cũng toàn chơi nhạc trẻ. Người nhà buồn thì vẫn buồn nhưng làm vậy không khí nó đỡ thảm hơn". Điều này cũng là một minh chứng thể hiện Việt Nam là một đất nước có nền văn hóa rất đa dạng, phong phú với sự khác biệt rất lớn về phong tục các vùng, miền. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tổ chức các đám ma nên tránh những biểu hiện thái quá, gây phản cảm như chuyện mời "pê đê" về biểu diễn thoát y xuất hiện tại một số đám ma trong những năm gần đây.
Không nên có những biểu hiện thái quá
Những chương trình "ca nhạc đám ma" thời gian gần đây được dàn dựng khá công phu từ khâu lên kịch bản đến chọn bài hát, trang phục. Một thành viên ban tổ chức còn cho biết: "Các ca khúc được chọn biểu diễn phải sôi động, thời thượng, càng bốc lửa càng tốt còn ca sĩ trên sân khấu càng gợi cảm càng ăn tiền". Mỗi ê kíp "tạp kỹ" như vậy thường có từ 5-7 người chuyển đổi giới tính được thuê với tiền cát xê từ 3-5 triệu đồng. Thời gian bắt đầu chương trình này thường khá muộn, khoảng 22h đêm kéo dài đến 2-3h sáng, diễn ra vào đêm trước lễ đưa tang.
Tại một đám tang ở quận 10, TP HCM mới đây cũng có một chương trình ca nhạc tương tự, vào giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng ca sĩ gào thét, người xem vỗ tay cười nói rôm rả, động cả một góc phố. Ca sĩ càng mặc quần áo "mát mẻ" thì tiếng vỗ tay càng lớn. Nhất là khi có khán giả nào cầm tiền vo lại, thường từ 10.000 đến 20.000 đồng ném vào người mẫu thì không khí sôi động hẳn lên, kèm theo những tràng pháo tay, huýt sáo cổ vũ nhiệt tình. Một số quý ông quá khích còn leo lên sân khấu sờ vào ngực của người mẫu, trong khi các "cô" chẳng những không chống cự mà còn “hồ hởi” ra giá: sờ "hàng trên" thì 20.000 đồng còn "hàng dưới" thì 100.000 đồng.
Hình ảnh nhảy múa phản cảm trong đám tang.
Về đêm người mẫu càng diễn "máu" hơn, họ uốn lượn mình dẻo như rắn rồi đưa tay vuốt từ tai đến cổ, mơn trớn trên ngực, xoa mông với những động tác gợi cảm. Các chàng trai mang dáng dấp phụ nữ này luôn cố gắng làm tất cả mọi thứ nhằm mua vui cho người xem, và tùy theo động tác biểu diễn, càng thành thục, điêu luyện, càng khó bao nhiêu thì được "bo" nhiều bấy nhiêu. Cao điểm của chương trình là màn "khoe hàng từ A-Z" của người mẫu khi cởi phăng cả áo ngực để người xem tha hồ ngắm nghía, bình phẩm, sờ soạng và cười đùa.
Theo anh N.V.H (quận 10, TP HCM) cho rằng chương trình ca nhạc như thế giúp mang lại “niềm vui” cho mọi người, xua tan bầu không khí vốn u ám của đám tang. Trong khi bà Tám nhà ở gần đó thì tỏ ra bức xúc trước những hành động thái quá của các "ca sĩ" vừa làm mất đi vẻ nghiêm trang trước linh cữu người quá cố vừa gây ồn ào mất an ninh trật tự. Bà cụ này kể, việc biểu diễn ca nhạc và thời trang của những người chuyển đổi giới tính xuất hiện cách đây khoảng 10 năm. Tuy nhiên, trào lưu phát triển thịnh hành khoảng từ 3-5 năm trở lại đây.
Ngày nay những gia đình có tang thường chủ động mời những người chuyển đổi giới tính đến biểu diễn và phải trả một khoản chi phí nhất định. Đôi khi để khuấy động phong trào, chính gia chủ còn phải chi thêm tiền “boa” cho diễn viên. Theo anh T.T., thân nhân trong gia đình có tang, sở dĩ "mời những người chuyển giới về diễn trò là để mua vui, làm giảm bớt đau buồn của người sống". Tuy nhiên anh cũng kể, một số gia chủ mời người chuyển đổi giới tính biểu diễn chỉ để theo phong trào và thể hiện đẳng cấp không thua kém đám tang nhà khác. Thường xuyên gặp cảnh "ca nhạc đám tang" tương tự, Đại đức Thích Phước Trí (chùa Bát Nhã, TP HCM) khẳng định hành vi này là phản văn hóa, đi ngược lại giáo lý đạo Phật cũng như tập tục truyền thống của người Việt Nam khi tiễn đưa người quá cố. Theo lý giải của vị Đại đức thì "khi người chết đã nằm xuống thì người sống cần phải giữ sự trang nghiêm trước linh cữu.
Hơn nữa gia đình nhà tang lúc này đang rất đau buồn nên cần sự tĩnh lặng hơn là sự huyên náo ồn ào. Vậy mà những người xem đã cười cợt, đùa giỡn, không giữ được không khí trang nghiêm của đám tang. Trong những người xem không chỉ có người lớn mà có cả trẻ em. Khi nhìn thấy những hình ảnh này, trẻ con sẽ suy nghĩ sai lệch về giá trị đồng tiền, nhân phẩm con người và thiếu tôn trọng những người chuyển đổi giới tính". Vì thế vị Đại đức cho rằng, những chương trình ca nhạc phản cảm trên cần được ngăn chặn sớm. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần phải có những biện pháp tác động để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời cổ vũ việc tổ chức đám tang trang nghiêm, tiết kiệm phù hợp với truyền thống của dân tộc.
Pháp luật xã hội