- Hoa hậu Mai Phương Thúy đang gặp phải phản ứng dữ dội từ phía dư luận khi đóng clip quảng cáo cho một hãng dầu gội, trong đó có lời nói "thiếu lễ phép". Đánh giá của chị về clip quảng này như thế nào?
Hà Anh đã xem clip quảng cáo và nghĩ rằng, lỗi không hoàn toàn ở Thúy. Vì mỗi quảng cáo đều có sự làm việc chuyên nghiệp, kỹ lưỡng của Agency quay quảng cáo và thương hiệu đại diện tại Việt Nam, được gửi và duyệt bởi thương hiệu toàn cầu - nếu đó là một thương hiệu toàn cầu. Có lẽ chính bởi thế, nghệ sỹ tin tưởng vào trách nhiệm của những phía nói trên, đồng thời thực hiện đúng nghĩa vụ thực hiện tốt kịch bản quảng cáo.
Hà Anh
Thúy còn trẻ và mặc dù là một hoa hậu nổi tiếng Việt Nam, cô ấy chưa có kinh nghiệm nhiều về việc làm người mẫu hay hình ảnh đại diện cho các thương hiệu nước ngoài, cũng như một số vấn đề bất cập sẽ có thể xảy ra nên không lường trước được hiệu ứng của nó. Hà Anh nghĩ chúng ta nên thông cảm với Thúy. Khi một sản phẩm ra mắt với đông đảo công chúng, đó là công lao, trách nhiệm của cả một ê kíp lớn chứ không chỉ một mình cá nhân.
Chẳng hạn như đối với Hà Anh tại chương trình Việt Nam’s Next Top Model. Hà Anh phải nói câu hiệu của chương trình là “Người tôi không gọi tên sẽ phải lập tức quay trở về nhà, thu dọn đồ đạc và rời khỏi cuộc thi”. Câu nói này dù trải qua bao nhiêu phiên bản trên thế giới, đều được dịch chính xác qua các ngôn ngữ từng nước và truyền tải đúng như vậy.
Dù vậy, Hà Anh vẫn bị không ít khán giả trách quá lạnh lùng khi nói câu này. Thậm chí bà nội Hà Anh còn khuyên nên nói hơi khác đi để tránh hiệu ứng đối với mình. Vậy, nhưng Hà Anh chỉ biết ôm “nỗi oan” này mà nói: "Chương trình yêu cầu như vậy, cháu muốn mà không thể thay đổi được! Cái khó nó nằm ở chỗ đó!"
- Giả sử, ngoài đời thực, đặt mình vào địa vị bà mẹ như trong mẫu quảng cáo, thì chị sẽ suy nghĩ gì về cách ứng xử của bạn gái con trai, khi mới vừa ra mắt gia đình lại ăn nói cộc lốc, thiếu tôn trọng với người lớn như thế?
Siêu mẫu Hà Anh trong một bức hình quảng cáo
Hà Anh nghĩ, đoạn quảng cáo là đoạn quảng cáo, chúng ta không cần đi quá xa như vậy!
- Rơi vào trường hợp “sự đã rồi” như Mai Phương Thúy - bị dư luận lên án gay gắt - chị sẽ xử lý ra sao?
Cố gắng giải thích để khán giả hiểu khó khăn, sự sơ xuất của mình. Qua đó, hy vọng khán giả sẽ thông cảm cho mình.
Cuộc sống còn dài, chúng ta không nên nhìn vào 1 “cú phốt” để đánh giá một con người, đặc biệt là tư cách của họ. Những cô gái trẻ như Thúy, hay Hà Anh hoặc các bạn trẻ khác, đang rất cố gắng làm việc và phấn đấu, đôi khi cũng mong có được cái nhìn vị tha hơn của mọi người mỗi khi mình “va vấp”. Là con người mà, có ai là hoàn hảo đâu! Chúng ta đều cần cố gắng rút kinh nghiệm từ những lần vấp ngã để vươn lên mạnh mẽ hơn.
- Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Anh có nhớ đã tham gia bao nhiêu clip quảng cáo cho các thương hiệu, sản phẩm?
Khi còn làm người mẫu ở Anh, Hà Anh tham gia các TVC cua Lyxn, Remy Martin, Nokia, Virgin… Các clip quảng cáo lớn thường có sự tham gia của một êkip vô cùng hùng hậu với khâu story board (kịch bản) rất kỹ lưỡng. Thậm chí, dàn dựng một đoạn quảng cáo 30 giây, cũng phải dựng nên một bối cảnh hậu trường có đến cả gần 100 diễn viên quần chúng. Là diễn viên chính, hình ảnh của thương hiệu trong quảng cáo, người mẫu được chăm sóc rất chu đáo. Thông thường để quay một đoạn quảng cáo TVC mất cả ngày vì những phân đoạn đều rất tỉ mỉ và chi tiết.
- Trước khi đặt bút ký hợp đồng, chị có biết trước lời thoại, tình huống của vai diễn mà mình sẽ đóng quảng cáo? Và, nếu trong trường hợp clip quảng cáo có lời thoại, tình huống không phù hợp với thuần phong mỹ tục người Việt, hoặc có thể ảnh hưởng tới hình ảnh của bản thân, chị sẽ làm thế nào?
Thông thường khi là người mẫu ở nước ngoài, công ty quản lý sẽ gửi brief đến cho người mẫu để hiểu về tính chất và yêu cầu vai trò của mình trước khi công việc diễn ra. Nếu trong quảng cáo có yêu cầu nhạy cảm (ví dụ như có cảnh quay khá nhạy cảm trên cơ thể) thì người mẫu được công ty thông báo trước để tự quyết định xem có tiếp tục quảng cáo hay chụp shoot hình nhạy cảm này không. Do vậy, trước khi đặt bút ký hợp đồng, người mẫu hoàn toàn có quyền nói không hoặc có thể dùng công ty quản lý thương thảo về các điều khoản cụ thể về nội dung hợp đồng, cũng như nội dung kịch bản nếu thấy thực sự cần thiết.
Đối với trường hợp đoạn quảng cáo ở Việt Nam và bằng tiếng Việt Nam, Hà Anh nghĩ cần phải rất cẩn trọng vì văn hóa, ngôn ngữ của chúng ta khác với văn hóa, ngôn ngữ tiếng Anh. Ở tiếng Anh, việc xưng hô chỉ có ngôi “Tôi” và “Bạn” (I , you) nên nếu người viết kịch bản là người nước ngoài, đương nhiên họ sẽ không lường được chuyện xưng hô đối với người lớn tuổi hay nhỏ tuổi.
Cá nhân Hà Anh ý thức rất rõ về ngôn ngữ, nên chắc chắn nếu có thắc mắc sẽ giải thích cho êkip và thuyết phục họ có chỉnh sửa để phù hợp với văn hóa và ngôn ngữ của mình.
Tuy nhiên, điều này là làm vì trách nhiệm đối với chính hình ảnh của mình thôi. Thực chất, đây là trách nhiệm của Agency quay quảng cáo và thương hiệu.
- Một trường hợp khác, là việc sau khi mời người nổi tiếng đóng quảng cáo, có thể phía công ty quảng cáo “mập mờ” thông tin về sản phẩm hoặc cố tình đưa thông tin sai lệch về sản phẩm, đồng thời đưa ra yêu cầu chị phải tuân thủ kịch bản có sẵn. Chị từng gặp tình huống này chưa? Theo chị, trách nhiệm của các bên liên quan ra sao khi các thông tin quảng cáo có hình ảnh đại diện là các ngôi sao được đưa đến rộng rãi trong công chúng?
Hà Anh cho rằng, nếu như ở nước ngoài thì có các công ty quản lý chuyên nghiệp có đủ tư cách pháp nhân và kiến thức về luật để đứng ra thương thảo và bảo đảm quyền lợi cho người mẫu hoặc người nổi tiếng. Còn ở Việt Nam, đa số người nổi tiếng… tự bàn thảo hợp đồng hoặc thông qua một quản lý chưa chắc đã rành về luật.
Cá nhân Hà Anh, dù không có người quản lý nhưng có luật sư riêng để nếu có điều gì cần thắc mắc, sẽ có người tư vấn hoặc thay mặt Hà Anh đứng ra làm việc về chi tiết hợp đồng. Nếu như các điều quản về nội dung, kịch bản, hợp đồng chưa rõ ràng, Hà Anh sẽ chưa đặt bút xuống ký hợp đồng chứ chưa nói gì đến việc làm việc vì bị ép buộc.
Tuy nhiên, nếu bị đặt vào tình huống bị động, Hà Anh sẽ luôn trực tiếp đưa ra câu hỏi và yêu cầu được trả lời, để đưa ra giải pháp hữu hiệu cho cả hai bên. Không phải nghệ sỹ nào khi tham gia đóng quảng cáo cũng thích cách làm việc này của Hà Anh. Bởi họ cho rằng vì nó rõ ràng, rành mạch quá, nên sợ “mất tình cảm”.
Cẩn tắc vô áy náy, khi yên tâm với mọi thứ rồi thì mình biết được khả năng, nghĩa vụ của mình thế nào, từ đó có thể tận tâm hết mình vì công việc. Về lâu về dài, đó là cách làm việc tốt nhất cho cả hai phía. Có lẽ vì vậy Hà Anh làm việc rất hiệu quả với rất nhiều các thương hiệu quốc tế vì họ luôn biết trước nghĩa vụ, quyền lợi của họ.
- Trong showbiz Việt, có hay không chuyện một số người nổi tiếng sẵn sàng vì hợp đồng kinh tế “béo bở” mà “làm lơ” kịch bản, vẫn tiếp tục tham gia đóng quảng cáo dù biết nó phản cảm, có thể tạo ra dư luận không tốt khi phát sóng trên truyền hình?
Hà Anh không thể nói thay cho người khác. Hà Anh nghĩ trong nhiều trường hợp đôi khi một số nghệ sỹ suy nghĩ đơn giản nên không lường được hậu quả chi tiết chỉ tưởng chừng “một ly” nhưng khi sai, thì sẽ “đi một dặm”. Thực ra, theo Hà Anh chẳng mấy ai vì một món tiền trước mắt mà phá hỏng hình ảnh mình đã cố gắng gây dựng nhiều năm trời.
- Có bao giờ chị từ chối lời mời đóng quảng cáo vì giữ gìn hình ảnh của mình?
Cũng có đấy! Hà Anh nghĩ rằng, nếu coi mình là người mẫu chuyên nghiệp thì phải luôn cố gắng hết sức để tham gia công việc này một cách toàn diện nhất. Tuy nhiên Hà Anh không chỉ là người mẫu mà còn là Đại sứ thiện chí của Unicef nên cần rất cẩn trọng đối với hình ảnh của mình vì mình là tiếng nói về quyền lợi của trẻ em.
Bản thân Hà Anh cũng có số lượng “follower” lớn là đối tượng tuổi teen nên sẽ không tham gia những kịch bản hay công việc có xu hướng quảng bá lối sống không lành mạnh cho giới trẻ.
- Cảm ơn Hà Anh về cuộc trao đổi!
GDVN