Chưa thể "hoành tráng" như những quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển tại khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,... nhưng rõ ràng làng giải trí Việt cũng đã có những bước chuyển mình rõ rệt khi chịu khó tiếp thu những thành tựu của các quốc gia khác, thế nhưng ngoài việc tiếp nhận cái hay, cái tốt thì V-biz lại đang dùng thủ thuật để...
Lừa khán giả
Hiện nay việc các ca sĩ tranh thủ chạy show đến không còn sức mà hát live nữa thì việc họ sử dụng thủ thuật hát nhép được xem là giải pháp khá hiệu quả để bảo đảm suất diễn của mình. Thế nhưng theo nhiều ca sĩ gạo cội của làng giải trí Việt thì hát live quả thật là "lợi bất cập hại", theo đó các ca sĩ trẻ bây giờ chuộng hát nhép vì họ thấy cách đó dễ dàng mà an toàn quá. Họ hát nhép thường xuyên rồi tới khi hát live thì sẽ cảm giác rất lo sợ, giống như đang chơi trò chơi mạo hiểm vậy. Nếu sau này có làm thầy, tôi sẽ khuyên các em phải chịu khó hát live thường xuyên.
Nó cũng giống như đi học vậy, học kém thì chịu khó làm nhiều bài tập sẽ hiểu ra vấn đề và giỏi hơn. Chơi trò chơi mạo hiểm 1-2 lần đầu thì rất sợ nhưng chơi mãi sẽ quen và thích. Có chấp nhận mạo hiểm thì mới tỏa sáng được! Hơn nữa khi hát live, bạn sẽ thấy mặt đẹp, miệng đẹp hơn nhiều. Khi Chỉ thị 65, trong đó có những quy định về xử phạt về hành vi hát nhép trên sân khấu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) mang ra bàn bạc khiến không chỉ người trong cuộc mà chính khán giả - đối tượng trực tiếp thụ hưởng các sản phẩm âm nhạc cũng hết sức quan tâm.
Elly Trần người đẹp chịu khó khoe hàng của làng giải trí Việt. Ảnh: TL
Theo ca sĩ Tùng Dương thì trong các chương trình hệ thống âm thanh không đảm bảo hoặc phục vụ việc ghi hình thì ca sĩ cũng phải đồng ý hát lip-sync theo đề nghị của BTC thôi. "Tuy nhiên, tôi hát nhép... dở lắm. Chỉ cần tinh ý một chút là khán giả có thể thấy mặt tôi cứng đờ, vô cảm như thế nào. Tôi là người sống và biểu diễn chủ yếu bằng các xúc cảm. Mỗi lần ra sân khấu có thể vẫn ca khúc ấy nhưng cảm xúc khác thì tôi lại có cách biểu diễn, thăng hoa hoàn toàn khác. Cái khó của tôi là dù hát nhép ngay trên chính giọng hát của mình vẫn không tìm được xúc cảm để thăng hoa nên bị "đơ" ngay lập tức. Chỉ khi nào âm thanh quá dở hoặc không đáp ứng đủ yêu cầu, tôi mới chọn cách hát nhép. Hát live là niềm tự hào và cũng là cách tốt nhất để tôi tri ân, giao lưu với khán giả nên tôi không muốn bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào", Tùng Dương chia sẻ.
Tâm sự của Tùng Dương là rất thật, nhưng mấy ai được như anh, hay nhiều ca sĩ vẫn coi chuyện hát nhép là câu chuyện chung của nghề... Nếu xét tới yếu tố đạo đức nghề nghiệp thì việc hát nhép được cho là đi ngược lại với quy chuẩn này. Các ca sĩ hát nhép chính là những kẻ lừa đảo, mà đối tượng của họ không ai khác lại chính là những người đã "nhỡ" thần tượng họ. Lừa đảo, lợi dụng sự ái mộ của khán giả chính là con đường ngắn nhất để các ca sĩ nói lời từ biệt nghiệp ca hát của mình. Thế nhưng vẫn còn đâu đó các ca sĩ coi việc hát nhép bị phát hiện chỉ là tai nạn nghề nghiệp, và thế là họ vẫn "mặt dày" bước lên sân khấu trong sự la ó, phản đối của khán giả. Điều này chứng tỏ rằng ca sĩ Việt rất có bản lĩnh nghề nghiệp hay là sự thiếu chuyên nghiệp có tính hệ thống trong làng giải trí Việt?
Theo các ca sĩ có tâm với nghề thì việc hát nhép đã dần trở thành chuyện "thường ngày ở huyện", ai cũng đua nhau hát nhép, tiến bộ hơn một chút thì hát chồng, hoặc đoạn nào hô hào khán giả thì hát thật, đến đoạn cao trào thì cũng phải nhép, cách thức ngày càng tinh vi. Từ đó mới thấy được ý thức của người ra sĩ như thế nào, đứng trước khán giả, một là được phục vụ, hai là có được thù lao, thì ít nhất họ cũng phải hát làm sao cho xứng đáng với đồng tiền mà mình nhận. Có nhiều người chỉ biết dựa vào hình thức bên ngoài, hoặc những điều "ảo" trên mạng, mà không dám đối diện với sự thật về giọng hát của mình. Đúng là, hát nhép cũng giống như u nhọt của làng âm nhạc Việt Nam.
Dối người hâm mộ
Không chỉ lừa khán giả, những nghệ sĩ Việt thời nay còn khiến công chúng liên tục "bội thực" vì nóng mắt trước những hình ảnh gợi dục và phản cảm được lan truyền thông qua phim ảnh và những shoot hình khêu gợi của các người đẹp và xem ra trào lưu này càng bị lên án thì nó ngày càng nở rộ. Bằng chứng là thời gian qua êkip đoàn làm phim "Hoa nắng" và VTV3 đã bị đông đảo khán giả chỉ trích mạnh mẽ khi những cảnh phim được cho là gợi dục và phản cảm được phát trên sóng truyền hình quốc gia vào khung giờ vàng. Chưa hết, trước đó người mẫu Ngọc Quyên từng khiến khán giả la ó, phản ứng dữ dội khi tung ra bộ ảnh nude mà theo cô là để kêu gọi bảo vệ môi trường, rồi sau đó người đẹp này còn công bố thêm hàng loạt bộ ảnh không thể nóng hơn với những tên gọi hết sức "hoa mỹ".
Trong showbiz Việt lắm thị phi vẫn tồn tại những sao "sạch" vừa tài năng vừa có chừng mực trong cả cuộc sống lẫn chuyện ăn mặc. Tuy nhiên, bên cạnh đó có không ít mỹ nhân lại dựa vào của "trời cho" hoặc bác sĩ… thẩm mỹ "cho" để tìm kiếm danh vọng. Một sáng mở mắt ra, bật máy tính không ít người phải té ngửa khi cô A, nàng B tung bộ ảnh nóng khoe bộ ngực chẳng khác gì… bát tô. Thậm chí, để hâm nóng tên tuổi, nhiều chân dài còn tự tung ảnh nhạy cảm với 1001 lý do giải thích rất trời ơi đất hỡi như kiểu: tôi bị mất điện thoại, người này có nét giống tôi thật nhưng không phải là tôi… Rồi cư dân mạng lúc ấy sẽ chẳng khác gì con cờ trong tay những chân dài "đầu có sạn". Cứ người nọ truyền tai, gửi link cho người kia xem "hàng nóng" chẳng khác nào một cách PR không công cho các cô nàng đó. Mà cái sự đời, cứ có một người theo cách này ắt sẽ có hàng loạt "đàn em" khác theo chân.
Cứ ngẫm, chuyện khoe ngực chẳng khác gì pha một ly cocktail, mọi thứ nên gia giảm vừa đủ, đúng lượng để có một kết quả mỹ mãn. Chứ đừng có tham lam, cái gì cũng cho thật nhiều khiến chẳng ai nuốt nổi. Việc những người đẹp trong làng giải trí Việt coi chuyện "xả hàng" càng nhiều thì danh tiếng càng nổi quả khiến cho nhiều người ngán ngẩm. "Hạ nhục khán giả" là cụm từ được nhiều người nhắc tới khi xem người đẹp Việt trình diễn thiếu tài năng mà thừa "da thịt". Dù làng giải trí có phát triển đến đâu nhưng cái gốc của dân tộc vẫn phải được "bảo lưu", nền văn hóa Á Đông không thể bị mất đi khi có sự giao lưu văn hóa. Nếu đẹp thì phải là cái đẹp toát lên từ tâm hồn, tài năng, chứ cái đẹp trần tục, thậm chí là thô tục sẽ chỉ mang tới cái lợi trước mắt, nhưng sẽ khiến cho nhiều tài năng Việt đánh mất đi chính mình.
Pháp luật xã hội