Xung quanh câu chuyện về thần tượng trong showbiz Việt, đã có vô vàn những bằng chứng. Cuồng thần tượng nếu cứ phát triển theo mức tiêu cực sẽ biến những ngôi sao thành… “tượng thần”.
Bất kỳ ai khi quyết theo con đường nghệ thuật, họ cũng phải bước trên con đường trải đầy hoa hồng gai, nước mắt và cả sự đánh đổi. Cũng trong từng đó thời gian, họ phải tạo niềm tin nơi khán giả để người hâm mộ, tin mình, yêu quý và sẽ luôn ủng hộ trong cả chặng đường của hiện tại và tương lai.
Niềm tin có thể tạo trong 1 năm, nhưng nhiều khi phải đến 10 năm, thậm chí nhiều hơn. Nhưng, niềm tin ấy có thể sẽ bị phá hủy chỉ trong 1 phút, trong một phát ngôn khi chưa kịp “uốn lưỡi bảy lần”. Và thế là “kiếm củi 3 năm nhưng đốt chỉ một giờ”.
Giọng hát Việt không chỉ đánh mất niềm tin nơi khán giả mà còn khiến họ
hồ nghi về giá trị thực của truyền hình thực tế
Showbiz Việt, khán giả không ít lần đã bị đánh mất, đánh cắp và cả xúc phạm niềm tin nơi những người của công chúng.
Giọng hát Việt 2012 trở thành một hiện tượng đình đám khi phát hiện ra những tài năng như: Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Đinh Hương, Đồng Lan… Thế nhưng, tất cả những giá trị ấy đã không được nuôi dưỡng để niềm tin vào chương trình, vào một lớp ca sĩ trẻ kế cận xứng đáng đang nhú mầm. Scandal về sắp đặt kết quả với những bằng chứng là các đoạn băng ghi âm, những tin nhắn qua lại giữa những người trong cuộc đã dần đánh cắp niềm tin nơi khán giả.
Lần đầu tiên, trong một show truyền hình thực tế câu chuyện về niềm tin được đặt ra một cách quyết liệt. Dù kết thúc chương trình, chiến thắng của Hương Tràm rất xứng đáng nhưng niềm tin ấy không còn vẹn nguyên. Và, trong mùa thứ 2, cuộc thi này trở nên im ắng một cách bất thường, dù thực tế này đã được dự báo từ trước đó.
Showbiz - thế giới người nổi tiếng nói chung đâu chỉ ở Việt Nam mới đầy hào quang. Ma lực được ví như “khói” ấy cuốn tất cả những ai dù đam mê ít hay nhiều, hay chỉ đơn giản thích được nổi tiếng, được công chúng quan tâm vào trong vòng xoáy của nó. Và vô số những mặt trái được khui ra suốt thời gian đã khiến nhiều khán giả ngỡ ngàng, và dần cảm thấy showbiz xa hoa nhưng phù phiếm, đẹp đẽ nhưng đầy giả tạo, hào quang nhưng cũng sớm lụi tàn, bằng mặt nhưng chẳng thể bằng lòng… Danh ca Bảo Yến từng gọi showbiz là “thế giới không có tình người”. Có thế, phát ngôn đó từng bị coi là sốc, là chơi trội… nhưng cái gọi là “tình người” nếu nhìn theo hướng tích cực nhất, đẹp đẽ nhất hiếm lắm.
Sự việc của Wanbi Tuấn Anh khiến nhiều khán giả tin rằng, showbiz còn tình người
Khán giả đã từng tin rằng showbiz vẫn còn chút tình khi Wanbi Tuấn Anh lâm bạo bệnh, hàng trăm anh chị em nghệ sĩ đã cùng nhau quyên góp, tổ chức các đêm nhạc để giúp anh đủ tiền chữa bệnh. Và khi, nam ca sỹ xấu số ấy lìa trần, hàng nghìn, thậm chí còn nhiều hơn thế những lời cầu nguyện cho anh được yên nghỉ nơi thiên đường. Có thể, trong những lời ai điếu ấy, có những ngôn từ được viết ra, những chia sẻ được nói đến chỉ là những sáo rỗng nhưng “gạn đục, khơi trong”, chí ít nó vẫn còn tồn tại những giá trị thật, những tình cảm thật.
Chính Siu Black đã từng chia sẻ chị đã quá sợ vì mất mát lớn nhất khi scandal vỡ nợ được khui ra chính là mất niềm tin nơi khán giả. Thế nhưng, họa mi núi rừng cũng khẳng định những cái xấu không ai muốn bị “vạch trần” trước công chúng vì cuộc đời này ai ai chẳng muốn “đẹp khoe, xấu che”. Ấy vậy nhưng, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” ấy, chị vẫn có một niềm tin còn mãnh liệt hơn – niềm tin vào tình người.
Phương Thanh và có lẽ chỉ có Phương Thanh mới là cứu cánh duy nhất cho cuộc đời của Siu Black để giúp chị lấy lại niềm tin ấy nơi khán giả. Nếu không có Phương Thanh, có lẽ Siu Black đã gục ngã vì chị từng nghĩ đến cái chết. Và nếu tình huống xấu nhất xảy ra thì sự nghiệp hơn 10 năm gây dựng của Họa mi núi rừng cũng đổ sông, đổ bể. Niềm tin ấy sẽ nhanh chóng tan thành mây khói và những gì còn lại chỉ còn là quá khứ và dĩ vãng.
May mắn thay, dù ít hay nhiều thì niềm tin dành cho chị Siu lại được nhen nhóm trở lại và nó có lớn hay không, để khán giả tin yêu hay không điều đó phụ thuộc vào chính Siu Black chứ không phải là ai khác. Hơn ai hết, người đánh cắp niềm tin nơi khán giả phải chính là người chứng minh bản thân mình và bằng mọi nỗ lực kéo nó quay trở lại.
Quanh sự việ của Siu Black, người ta nhắc nhiều đến hành động của Phương Thanh
và cả chuyện Siu Black đã làm sứt mẻ niềm tin nơi khán giả dành cho chị
Những ngày gần đây, câu chuyện niềm tin lại càng được nói đến nhiều hơn trong sự việc của Nguyễn Ánh 9. Hơn bao giờ hết ranh giới giữa giá trị thật và ảo, khen và chê, đạo đức và phi đạo đức, ứng xử văn hóa và vô văn hóa… lại được nhìn nhận, mổ xẻ dưới nhiều góc độ. Theo nhiều chiều khác nhau, nếu Mr Đàm gọi vị NS 73 tuổi kia là “kịch sỹ”, “ngụy quân tử” thì có khán giả gọi ông là “anh hùng”, là “tội đồ”… vì những nhận xét quá thẳng thắn.
Trong sự việc này, khoan hãy bàn đến chuyện đúng sai vì mỗi người đứng trên một quan điểm khác nhau và ai cũng có quyền nói ra đánh giá của mình vì nó thuộc về quyền cá nhân. Thế nhưng, câu chuyện về ứng xử, về cách mỗi người trong cuộc và cả những người liên quan đưa ra nhận định, bình phẩm mới là điều đáng nói.
Showbiz Việt đã mất đi niềm tin nơi khán giả quá nhiều sau hàng loạt các scandal đình đám suốt thời gian qua thì nay, niềm tin ấy càng giảm đi giá trị của mình. Khán giả tự đặt ra câu hỏi vậy giá trị thật của những hào quang chói lòa ánh đèn sân khấu, những món đồ bạc tỷ và cả những phù phiếm kia là bao nhiêu. Showbiz trước nay vốn ngập ngụa trong những lời khen và nếu là chê, tất cả đều được quy về một mối: tạo scandal và gây sốc.
Một bộ phim được xếp hàng thảm họa ra rạp khi nhận những lời chê thậm tệ vị đạo diễn nọ đã không giữ được bình tĩnh và cho rằng mình bị quy chụp, “đánh” hội đồng. Một ngôi sao, nếu bị khui ra những “thói hư tật xấu” hay đơn giản chỉ là vài khuyết điểm nhỏ trên cơ thể, thậm chí chuyện váy áo cũng dễ dàng nổi đóa và “kêu oan”.
Để đẹp lên trong mắt công chúng nhiều người sẵn sàng dùng photoshop để hình ảnh của mình lung linh hơn, họ khoác lên mình những trang phục lộng lẫy và gắn mác bạc tỷ cho nó, họ cũng đi từ thiện để thấy rằng mình cũng hết mình vì xã hội… Tất nhiên, không thể quy chụp toàn bộ và nhiều người cho rằng những trường hợp đó chỉ là “con sâu làm giàu nồi canh” nhưng, quy luật cuộc đời có mấy ai thích mình bị chê hơn khen.
Câu chuyện của Mr Đàm và NS Nguyễn Ánh 9 được đẩy lên đỉnh điểm dư luận
Trong sự việc của Nguyễn Ánh 9, khán giả nói đến nhiều về văn hóa khen và chê. Tuân Tử từng nói: "Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy". Trong khi đó, Victo Hugo khẳng định: “Lời khen giống như một nụ hôn qua tấm mạng”.
Nhiều khán giả cho rằng, cái “tội” lớn nhất của NS 73 tuổi kia chính là ông đã “nói thẳng, nói thật” dù rằng những phát ngôn ấy không hẳn đúng 100%. Ai đúng, ai sai câu hỏi này vẫn chưa thể ngã ngũ vì quyền phán xét tất cả nằm ở khán giả. Thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng, sau sự việc này không biết, liệu còn mấy ai dám nhận xét về đồng nghiệp của mình, thậm chí là đàn em hay những người mới chân ướt chân ráo vào nghề.
Sau mỗi sự việc, khán giả luôn được những nghệ sĩ vuốt ve bằng những lời xin lỗi hay những hành động tỏ ra “ăn năn” để chứng minh bản thân mình đúng. Có những trường hợp, niềm tin ấy được gây dựng lại và được vun đắp để nó ngày càng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi niềm tin trở lại, nó cũng đã tự khoác lên mình những vết ố, những vết sứt mẻ mà thời gian dù có lâu đến mấy cũng không khiến nó lành lặn.
Thôi thì, khán giả cứ hãy cố giữ niềm tin nơi thần tượng của mình hoặc nếu mất đi, cũng hãy cố đơn giản hóa vì xét cho cùng sống trọn cho cụm từ “người của công chúng”, khó lắm.
Theo Khampha.vn