Là con gái rượu của cặp đôi vàng trong làng múa Việt Nam một thời (NSƯT Đặng Hùng – NSƯT Vương Linh), Linh Nga được thừa hưởng dòng máu nghệ thuật ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Năm 12 tuổi, chị một mình du học tại Học viện Múa Bắc Kinh – Trung Quốc. 10 năm sau, chị về nước, với show “Vũ” thật sự hoành tráng, mãn nhãn, cái tên Linh Nga đã được khán giả cả nước biết tới và đón nhận.
Vào cuối tháng 8 tới, Linh Nga hứa hẹn sẽ tiếp tục mang đến cho khán giả yêu mến bộ môn nghệ thuật múa Việt Nam 4 đêm diễn với liveshow “Sen”.
"Hình ảnh hoa sen như hình ảnh của một người mẹ, luôn luôn đẹp trong sáng và thánh thiện nhất"
Liveshow do cha làm tổng đạo diễn và mẹ của chị biên đạo hầu hết các tiết mục múa. Ngoài ý nghĩa kỷ niệm nhân dịp hoa sen được chọn làm quốc hoa Việt Nam, “Sen” còn là một món quà tôi muốn dành tặng riêng cho mẹ mình - NSƯT Vương Linh. Hình ảnh hoa sen như hình ảnh của một người mẹ, luôn luôn đẹp trong sáng và thánh thiện nhất”, nghệ sỹ múa Linh Nga chia sẻ.
- Khi biết thông tin Linh Nga kết hôn, nhiều người đã nghĩ chị sẽ “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Nhưng Linh Nga đã trở lại, chị có thể nói về liveshow lần này của mình?
- “Sen” là chương trình do nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen và công ty Vương Vũ của tôi đứng ra tổ chức. Sau show “Vũ” hai năm, tôi muốn làm một đêm múa thuần Việt, lấy ý tưởng từ hoa sen. “Sen” cũng là sự tích lũy và học hỏi của tôi trong suốt ba năm trở về nước. Show “Vũ” là báo cáo kết quả học tập của tôi trong suốt 10 năm du học xa nhà, còn chương trình “Sen” lần này là một cái nhìn của tôi về Việt Nam trong thời gian ba năm sống và làm việc ngay tại quê hương mình.
Chương trình sẽ có sự tham gia của 60 diễn viên múa, tổng đạo diễn là cha tôi - NSƯT Đặng Hùng, âm nhạc Quốc Trung – Tiến Đạt, trang phục của nhà thiết kế Minh Hạnh. Trong chương trình có 5 tác phẩm do chính tôi biên đạo, còn lại là những tác phẩm của mẹ tôi - NSƯT Vương Linh. Đây cũng là một món quà tôi dành tặng cho tất cả những khán giả yêu mến bộ môn nghệ thuật múa, một chương trình múa thuần Việt trong mùa hè này.
- Chương trình “Sen” có tổng cộng 17 tác phẩm. Đêm diễn sẽ bắt đầu từ một câu chuyện kể về sen. Sen là biểu tượng về vẻ đẹp thánh thiện, trong sáng của người con gái Việt Nam. Ba năm qua, được làm việc và sống tại Việt Nam, tôi đã được học hỏi và tìm tòi thêm về văn hóa và múa dân gian Việt Nam. “Sen” cũng là một đêm thuần múa dân gian đương đại.
Show “Vũ” đã khép lại được hai năm. Trong hai năm qua, tôi đã biểu diễn và hoạt động rất nhiều trong nghề nên muốn năm nay mình sẽ làm một điều gì đó cho bản thân và khán giả của mình. Ý tưởng chương trình “Sen” đã được lên cách đây nửa năm và bắt tay vào tập luyện đã được hai tháng nay.
Liveshow là một sự khẳng định của tôi với mọi người là múa vẫn có đất sống, múa vẫn được nhiều người yêu mến và tôn trọng. Không phải cứ nghề nào khó khăn, vất vả thì chúng ta sẽ bỏ nó. Tôi rất tự hào khi mình sống thoải mái với chính nghề của mình và càng tự hào hơn khi được mọi người nhắc tới với cụm từ “diễn viên múa Linh Nga”.
- Sau khi lấy chồng, cuộc sống của chị nhiều thay đổi không?
- Trước và sau khi lập gia đình, công việc của tôi vẫn như bình thường. Việc lập gia đình không ảnh hưởng gì đến công việc của tôi hết. Mọi thành viên trong gia đình đều trân trọng sức lao động của tôi và đều yêu mến, trân trọng nghề múa. Tôi không muốn tuổi trẻ của mình trôi đi vô ích, phải làm được thật nhiều việc.
Với múa, tôi đã bỏ ra 10 năm để tập luyện thì bây giờ là lúc tôi muốn cống hiến cho sân khấu và cho khán giả.
- Thời gian tỏa sáng cho một người nghệ sĩ múa không lâu. Linh Nga có nuối tiếc vì đã lấy chồng hơi sớm?
- Tôi không nuối tiếc gì hết. Tôi lập gia đình xong vẫn theo nghề như cũ. Sự kiêu hãnh trước kia của tôi là nghề nghiệp nhưng bây giờ là gia đình nhỏ bé của mình. Cuộc sống gia đình làm tôi chín chắn, mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
- Có cảm giác như chị không thuộc về phía những ồn ào của showbiz?
- Từ khi về nước, tôi chỉ làm những công việc thuộc về nghề nghiệp của mình. Tôi chưa làm một công việc gì khác ngoài múa. Múa đã cho tôi một cuộc sống thoải mái. Nhận lời làm đại diện cho một số thương hiệu quảng cáo nhưng tôi vẫn được múa trong các clip quảng cáo đấy. (Cười).
Cái tên Linh Nga đã được đón nhận ở Việt Nam. Chính vì thế, tôi muốn làm nghề một cách nghiêm túc. “Sen” cũng là một sự thử nghiệm đầu tiên sau show “Vũ” của tôi tại Việt Nam. Tôi sợ nhất là phải làm những việc gì không phù hợp với mình, đến những nơi mà mình cảm thấy thiếu tự tin. Có thể múa đã lấy hết thời gian của tôi và tôi chỉ muốn mình ở trong thế giới múa mà thôi, không phí hoài vào một thứ gì khác.
- So với nhiều bộ môn nghệ thuật khác, múa là một nghề thật sự nhiều gian nan, khổ luyện, lại rất ít được tung hô, tụng ca giống như diễn viên truyền hình hay ca sỹ. Đã bao giờ chị nghĩ tới chuyện từ bỏ hoặc chuyển hướng?
- Thời gian khó khăn nhất khi tôi theo học múa là cách đây 10 năm, khi đó tôi mới 12 tuổi đã phải một mình xa gia đình du học. Lúc đó, cuộc sống mỗi ngày là mồ hôi trên sàn tập và nước mắt ở ký túc xá mỗi khi nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Những hình ảnh đó luôn hiện về mỗi khi mình mệt mỏi, chán nản. Chính 10 năm ấy đã làm nên một Linh Nga dũng cảm và quyết liệt của ngày hôm nay.
Tôi trân trọng tất cả những ngày tháng gian khổ ấy. Và tôi luôn muốn làm thật nhiều điều có ý nghĩa cho nghề múa. Chưa một lúc nào tôi muốn bỏ nghề múa, ngay từ trong ý nghĩ. Bên cạnh tôi còn có bố mẹ, chính họ là nguồn động viên và là nguồn sức mạnh lớn nhất của tôi.
Múa còn là nghề của gia đình truyền lại cho tôi. Những gì bố mẹ tôi chưa thực hiện được thì muốn con gái mình hoàn thành. Tôi được gánh vác trên vai ước mơ của bố mẹ mình. Cũng có những lúc mệt mỏi muốn nghỉ ngơi nhưng tôi chưa thể nghỉ ngơi được. Có quá nhiều việc phía trước tôi còn phải làm. Và tôi chỉ tự tin khi là chính mình, khi Linh Nga là một diễn viên múa.
- Sao chị không thử một lần với điện ảnh?
- Tôi chưa có duyên với điện ảnh. Trong múa, tôi được hóa thân thành nhiều nhân vật. Đối với tôi, đó cũng có thể coi như điện ảnh rồi. (Cười). Múa chính là môn nghệ thuật không lời, được chuyển tải từ ánh mắt, con tim và ngôn ngữ hình thể.
- 10 năm tu nghiệp ở Trung Quốc, về nước với những điệu múa đã được học bên đó, nó có phù hợp với sân khấu Việt Nam? Chị có phải thay đổi quá nhiều để các điệu múa này sống được trong lòng công chúng Việt?
- Tôi học về chuyên ngành múa dân gian Trung Quốc. Khi về làm việc tại nhà hát Bông Sen, tôi biểu diễn rất nhiều các điệu múa Việt Nam chứ không phải chỉ có múa Trung Quốc. Là người Việt Nam, tất nhiên phải biết múa các điệu múa Việt Nam. 10 năm bên đó là để học kỹ thuật, kỹ xảo và sự tinh tế trong từng động tác. Nhưng về Việt Nam mình phải múa những tác phẩm của chính dân tộc mình.
- Tương lai, Linh Nga sẽ có một sự kết hợp độc đáo giữa múa với các bộ môn nghệ thuật khác để làm mới nghệ thuật múa Việt Nam?
- Tôi cũng rất mong muốn làm được thật nhiều điều cho nghệ thuật múa Việt Nam. Tương lai thì không thể biết trước được nhưng có một điều mà tôi dám chắc đó là, tôi sẽ luôn lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc nhất.
- Cảm ơn Linh Nga!
VTC