Linh Nga
Quyết định đám cưới khi… chưa được cầu hôn, về làm dâu trong một gia đình binh nghiệp, vào bếp học nấu ăn với mẹ chồng… điều gì đã khiến thiên nga múa Linh Nga cảm thấy lấy chồng rồi, cô như con diều đã được buộc chặt vào một sợi dây, tự do bay theo gió nhưng vẫn an toàn.
Đánh đổi 10 năm để có được thương hiệu “diễn viên múa”
Linh Nga trở về nước tỏa sáng bằng show diễn Vũ khiến nhiều người choáng ngợp, tạo một dư âm không dứt về thứ nghệ thuật vốn xa xỉ với phần đông người Việt: Múa. Người ngoài cuộc nghĩ, thiên nga bé bỏng của họ sẽ sống vì múa và chỉ có múa ít nhất vài năm nữa thì bỗng nhiên cô lấy chồng, về làm dâu một gia đình có tiếng tại Hà Nội.
Gặp lại Linh Nga sau đám cưới, cô gầy hơn trước nhưng vẫn giữ dáng vẻ hoạt bát, sắc sảo và đôi mắt nhìn thẳng khi trò chuyện. Tôi hiểu được tại sao từ một cô gái nhỏ chưa biết tự chải tóc, sang đường, Linh Nga lại có thể băng qua 10 năm ở xứ người và trở về kiêu hãnh đến thế. Và giờ đây, sự tự tin về hạnh phúc của cô lan truyền sang cả người đối diện.
“Tôi chưa được cầu hôn, đám cưới đã được định”
- Dù từng chia sẻ lấy chồng là chuyện riêng, nhưng việc chị đột ngột lên xe hoa vẫn là cú sốc với những người yêu quý diễn viên múa Linh Nga đi mãi vừa mới trở về của họ?
- Không đột ngột, chúng tôi đã có một quá trình làm bạn rồi yêu. Cả hai hiểu được nhau, đủ trân trọng để có thể biến những khó khăn và khoảng cách trở nên nhỏ bé. Chỉ có điều tôi không chia sẻ về đám cưới của mình trước khi nó diễn ra nên với đa số khán giả, có thể đó là điều bất ngờ. Tôi biết anh từ khi tôi còn ở Trung Quốc. Mối quan hệ của chúng tôi thực sự bắt đầu trước Vũ.
- Chứ không phải vì một sự kiện đặc biệt nào đó khiến chị cần phải cưới để giữ người đàn ông của mình?
- Không. Tình yêu của chúng tôi được gia đình hai bên ủng hộ. Tôi cũng không cuống quýt vì nỗi lo sợ nào, tôi vẫn nhủ, nếu chưa cưới sẽ đi học thạc sĩ, nhưng cưới rồi thì dừng kế hoạch đó lại.
Tôi cũng không đến nỗi phải đắn đo nhiều về việc lấy chồng hay chưa lấy chồng. Mẹ tôi từng nói, người phụ nữ quan trọng nhất vẫn là có một gia đình hạnh phúc, chỉ khi hạnh phúc mới có thể toàn tâm sáng tạo nghệ thuật. Tôi thấy chuyện kết hôn tự nhiên như việc mình sinh ra và múa. Anh ấy quá hiểu tôi, trân trọng công việc tôi làm và giờ anh ấy đang hy sinh vì tôi. Đó là lý do tôi nói mình hạnh phúc.
- Tức là anh chị yêu nhau rồi vào ngày đẹp trời bỗng thấy mình phải cưới nhau và thế là làm đám cưới?
- Vâng (cười). Tôi còn không được cầu hôn thì đám cưới đã định rồi. Mọi thứ đơn giản vậy đấy. Anh ấy cầu hôn… bố mẹ chứ có hỏi tôi đâu.
- Ồ, anh ấy cưới chị cơ mà?
- Đúng, nhưng vì bố mẹ tôi quá khó. Anh nghĩ rằng vượt qua được… cửa ải là vượt được tôi rồi (cười). Anh xin phép bố mẹ làm đám cưới trước mặt tôi luôn. Anh ấy là người hài hước, nói một câu là cả nhà cười ầm lên. Anh bảo: “Bố mẹ đồng ý đương nhiên anh được cưới, còn em đồng ý thì chẳng giải quyết được vấn đề gì hết”.
- Chị không tự ái à?
- Không, vì chúng tôi hiểu nhau quá rõ rồi.
“Tìm thấy hình ảnh bố Hùng trong anh”
- Chị còn trẻ, đã kịp xác định một cuộc hôn nhân thì phụ nữ cần điều gì, đàn ông cần điều gì để đảm bảo hạnh phúc chưa?
- Tôi vẫn thường nói với chính mình, đừng bao giờ đưa cuộc sống sân khấu về với gia đình. Bản thân tôi rất sợ bị hào quang của sân khấu khiến mình không nhìn thấy con người thật của chính mình. Người đàn ông cần một người phụ nữ thật, họ đâu cần một người vợ là Linh Nga trên sàn diễn, một Linh Nga trên mặt báo cho dù họ yêu công việc của mình làm. Bởi Linh Nga trên sân khấu hóa thân vào quá nhiều vai, còn Linh Nga trên báo chỉ thể hiện được một phần con người của đời thực.
Tôi vốn không phải là người cầu kỳ trong cuộc sống, luôn tôn trọng tính kỷ luật và chưa bao giờ cho phép mình quá tự do, thoải mái. Từ nhỏ, tôi nỗ lực bằng kỳ vọng của bố mẹ, về nước phải phấn đấu vì sau lưng có nhiều diễn viên nhỏ trông chờ ở mình. Giờ đây, tôi càng phải nghiêm khắc với bản thân vì gia đình. Đích đến của tôi là gia đình, đích đến của anh ấy cũng là gia đình và anh ấy tìm được điều này ở tôi.
- Anh ấy tìm thấy ở chị điều “cần” trong cuộc sống gia đình, còn chị bị chinh phục bởi hấp lực nào?
- Điều tôi trân trọng anh ấy chính là cách quan tâm tới gia đình. Một người trẻ từng đi du học thường có xu hướng cởi mở và độc lập, anh thì không, anh ấy rất yêu mẹ. Thái độ anh dành cho mẹ khiến tôi hiểu rằng chúng tôi rất giống nhau, đều là những người rất truyền thống.
Điều đầu tiên tác động tới tôi chính là cách anh quan tâm đến mẹ hàng ngày, cách anh ấy nói chuyện với mẹ. Anh và mẹ đều là lính nhưng có cách thể hiện tình cảm rất ấm áp. Anh ấy gọi điện cho mẹ nhiều, gần như mỗi ngày, như mẹ tôi từng làm với tôi. Anh ấy có rất nhiều điểm giống bố Hùng. Tôi tìm thấy hình ảnh bố Hùng ở anh ấy.
- Chị có đang rơi vào trạng thái hưng phấn của hạnh phúc không? Qua báo chí, nhiều người lại hình dung chồng chị là người có quan niệm rất thoáng về phụ nữ, còn bố chị lại là mẫu đàn ông vững chãi và an toàn?
- Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là mình đang sống trong cuộc sống ấy, hiểu rõ và cảm nhận rõ nhất mọi thứ. Một người trẻ trước khi xây dựng gia đình được phép sống thoải mái, đặc biệt những người từng du học, họ có quyền hấp thụ những quan điểm nào đó mà thấy phù hợp trong từng giai đoạn cuộc sống. Quan trọng là khi xây dựng gia đình họ thế nào, có cùng đích đến với người bạn đời của mình hay không?
Cũng không ngoại trừ trường hợp người đưa ra nhận xét mới chỉ tiếp xúc với chồng tôi ở một góc độ nào đó mà hoàn cảnh không cho phép anh ấy được bộc lộ con người thật của mình. Tôi gặp và yêu anh ấy không định kiến, cũng không có gì quá lung linh, đẹp đẽ. Tôi cảm thấy mình được an toàn, được sống là mình. Anh ấy là một người hài hước, biết đặt gia đình lên hàng đầu trong mọi sự lựa chọn.
- Chị sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, lớn lên với tiếng nhạc, điệu múa còn chồng chị sinh ra trong một gia đình nhà lính, lớn lên lựa chọn con đường binh nghiệp. Một người lấy sự phóng khoáng làm cảm hứng sáng tạo có cảm thấy chật chội trong một gia đình chỉ răm rắp tuân theo những nguyên tắc khô khan không nhỉ?
- Tôi và anh ấy mỗi người một việc. Chúng tôi không chia sẻ được nhiều trong chuyên môn sâu của nhau nhưng luôn tìm cách hỗ trợ để mỗi người có tâm lý làm việc tốt nhất.
Tôi là người của sân khấu, cái gì cũng nhanh nhanh nhanh, cuộc sống đầy màu sắc và ánh sáng, còn anh ấy lại có cái nhịp sống rất chậm, tư duy về cuộc sống rất thực nên ở bên anh, tôi được sống cuộc đời thực, nhẹ nhõm, không còn sự xô bồ. Tôi và anh ấy, nói thế nào nhỉ? Tôi như con diều được buộc chặt vào một sợi dây, tự do bay theo gió, nhưng cảm thấy an toàn vì sự níu giữ ấy.
- Sự an toàn là cảm giác chị có được hay nó còn hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày bằng những quan tâm nhỏ nhặt?
- Anh ấy là người ghi nhớ tất cả những sự kiện trong gia đình, từ sinh nhật của bố mẹ đẻ đến sinh nhật bố mẹ vợ. Nhiều khi đi diễn ở xa, tôi quên mất một số ngày quan trọng, anh ấy gọi điện nhắc nhở ấy chứ. Tôi vốn đoảng, còn anh ấy lại vô cùng chu đáo. Ngay cả cách anh ấy quan tâm đến bố mẹ tôi, tôi cũng chẳng phải lo lắng gì.
- Đáp lại tình yêu và sự quan tâm ấy, chị dành thời gian cho gia đình mới của mình như thế nào?
- Công việc của tôi ở Sài Gòn là chính, còn ông xã và gia đình chồng vẫn ở ngoài Hà Nội. Thật ra mỗi lần ai hỏi, tôi không biết trả lời thế nào vì có lúc tôi ở đây, có lúc lại ở trong kia. Gần như những ngày bình thường tôi ở Sài Gòn, cuối tuần mới ra Hà Nội nhưng cũng cố gắng sắp xếp để nếu không có lịch tập, lịch diễn là bay về Hà Nội ngay. Mọi người nhìn vào có thể thấy tôi đang bỏ gia đình vì công việc nhưng không phải vậy.
Từ ngày yêu nhau cho đến lúc cưới, hai vợ chồng chưa có dịp sống gần nhau nhiều. Nhưng trước đây, khi không gặp nhau thường cảm thấy xa xôi, còn bây giờ cưới nhau rồi, dù mỗi người một nơi nhưng chẳng hiểu sao tôi thấy rất gần gũi. Bây giờ hai đứa vẫn có cảm giác như đang hẹn hò, như đang yêu nhưng tin tưởng nhau tuyệt đối.
- Vị trí trong gia đình của chị có vẻ bị đảo ngược: chị là cánh diều còn anh ấy là sợi dây níu giữ. Chị có thấy khát vọng với múa của mình vẫn lớn hơn khát vọng dành cho gia đình mà chị vừa có được?
- Khát vọng với múa có rất lâu rồi, vì tôi sinh ra từ múa, sống và lớn lên trong múa nên nếu muốn làm gì đó khác đi cũng cảm thấy không phù hợp. Cũng có lúc tôi nghĩ khi nào lập gia đình, mình sẽ ngừng múa, nhưng thực sự là không dừng múa được.
Còn gia đình không phải là khát vọng, gia đình là đích đến. Bây giờ mình đã có gia đình nhỏ rồi, không còn ao ước gì nữa mà phải biết cân bằng giữa cuộc sống và nghệ thuật. Tôi vẫn biết việc này rất khó vì trong công việc có thể là một Linh Nga trưởng thành, chín chắn, nhưng đối với gia đình tôi còn vụng về lắm, tôi đang học mỗi ngày.
Khi nghe tin tôi lập gia đình, nhiều khán giả yêu múa bảo rằng thôi… chết, cô này sẽ bỏ nghề, nhưng với cá nhân mình, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng lấy chồng mình sẽ dừng múa cả. Mọi người có thể nói tôi ích kỷ nhưng vì nghề của tôi học khó quá, tôi từng phải bỏ đi bao nhiêu thứ trong cuộc sống, phấn đấu và nỗ lực không ngừng để mọi người nhớ được cụm từ “diễn viên múa Linh Nga”. Đối với tôi, cụm từ đó, danh xưng đó quý lắm. Hình ảnh của tôi gắn liền với múa, mọi người yêu mến Linh Nga là diễn viên múa, ông xã yêu tôi cũng vì tôi gắn liền với múa. Đó chính là điều kiêu hãnh nhất của mình nên tôi luôn cố gắng giữ lấy.
Tôi may mắn vì được chồng, gia đình chồng rất hiểu và tạo điều kiện để hoạt động nghề. Tôi nghĩ điều duy nhất có thể khiến một người đàn ông thay đổi chỉ là tình yêu. Anh nhìn thấy ở tôi nhiệt huyết với nghề và cũng nhìn thấy cái nhiệt huyết đó đối với gia đình nhỏ của tôi.
- Nhưng là phụ nữ, đến một lúc chị phải dành thời gian cho những trọng trách làm vợ, làm mẹ. Chị có dự tính lúc nào đó sẽ dừng lại cho các trách nhiệm đó?
- Tôi nghĩ có thể 1, 2 hoặc 5 năm nữa. Cuộc sống của tôi sẽ có múa nhưng không chỉ dừng lại ở múa. Tôi luôn nghĩ dù yêu múa đến mức nào, nó vẫn chỉ là công việc. Còn gia đình sẽ gắn với mình cả đời.
Cuộc sống khi mình bắt đầu cảm thấy cần ưu tiên cho việc nào đó thì sẽ ưu tiên thôi. Tôi không có cách suy nghĩ bó buộc mình vào những hạn định. Nếu không thì tại sao phải lập gia đình?
“Tôi biết làm mềm những khô khan”
- Chị sinh ra trong một gia đình trí thức, nghệ sĩ rồi về làm dâu một gia đình hoạt động chính trị. Chị đã làm thế nào để phù hợp với cuộc sống ở đó?
- Khi tôi lấy chồng, một bên là gia đình toàn nghệ thuật, một bên là gia đình làm chính trị, có nhiều người hỏi chúng tôi tìm được điểm chung nào ở nhau. Thực ra, anh lớn lên trong một gia đình theo phép lính, tôi cũng từng có 10 năm sống trong kỷ luật của trường múa, nơi tôi vẫn thường nói, không khác gì một trại lính. Tôi nghĩ, điểm chung của chúng tôi là sự kỷ luật trong cuộc sống.
Tôi sống cùng bố mẹ ở Sài Gòn nhiều năm, cũng từng đi du học khá lâu nhưng phần “Bắc” trong con người tôi còn rất nhiều, nên khi gặp gỡ các thành viên trong gia đình chồng, tôi không cảm thấy có khoảng cách gì cả. Chúng tôi đều là những người năng động, từng đi đây đó nhiều nhưng lại giống nhau ở cách tư duy cuộc sống từ sở thích ăn uống, cách ứng xử… đều lấy những nghi lễ truyền thống làm chuẩn.
- Chị học được ở mẹ sự dịu dàng, đoan trang của một cô gái Hà Nội gốc và sự quyết tâm của người nghệ sỹ, còn mẹ chồng chị là vợ của một vị tướng, chị học được gì từ bà?
- Sự nhẫn nhịn, chịu đựng. Tôi hay để ý từng việc mẹ làm, từng hành động, cử chỉ và suy nghĩ xem tại sao mẹ lại làm thế. Cách mẹ nấu ăn hay sắp xếp một bữa ăn cũng khác với cách tôi làm. Mẹ giản dị nhưng lại có cách quan tâm đến mỗi việc mình làm bằng những suy nghĩ sâu kín khác. Trong mẹ có gì đó rất sâu lắng, nhẹ nhàng. Đó là điều tôi không cảm nhận được ở Sài Gòn.
Mẹ thỉnh thoảng dạy tôi làm món ăn mới và ở khía cạnh này tôi thấy mẹ như bao bà mẹ khác, hết lòng và tận tụy vì con. Nhưng tôi hiểu mẹ hơn khi xem những vở kịch bà dựng, những bài thơ bà viết. Trong từng câu thoại, trong mỗi câu thơ đều chứa đựng tâm hồn và suy nghĩ của bà. Mẹ là một người lính, ẩn sâu trong đó là tâm hồn của một nghệ sỹ. Có điều, mẹ khác với mẹ Linh, vì mẹ Linh là một nghệ sỹ sân khấu, có thể biểu diễn và thể hiện những suy nghĩ từ trong trái tim thông qua một điệu múa, còn mẹ thì không. Công việc của mẹ không có nhiều dịp bộc lộ mình.
- Thế còn bố chồng chị, một vị tướng chắc hẳn sẽ khác với một ông bố nghệ sĩ?
- Bố nghiêm trang, từ cách bố ăn, bố ngồi hay các động tác đều dứt khoát. Tuy vậy với con cái, ông mang tới cảm giác lạ lắm, nói như thế nào nhỉ, à như thế này: Khi ông ngồi đó, tôi chỉ muốn đến hôn ông một cái. Cảm giác là như thế đấy, nghiêm nghị nhưng đáng yêu vô cùng. Bố ít nói lắm, chỉ lên tiếng khi cần. Bình thường ông chỉ ngồi và nhìn con cái đùa với nhau rồi cười. Bố là người không mang con người công việc về nhà, yêu tất cả các cháu trong gia đình bằng một tình cảm rất trìu mến.
Lúc đầu tôi cũng hơi sợ, không dám nói với bố nhiều. Bây giờ quen rồi, tôi còn rất hay đùa với ông. Về tới nhà, ngoài hỏi mẹ, bố hay nhắc tới tôi, ông hỏi: “Nga đâu rồi?” (cười).
- Như vậy, cuộc sống của một Linh Nga thời tự do và Linh Nga của gia đình khác nhau như thế nào?
- Khi ở với bố mẹ ruột, ngày nào tôi cũng đi diễn, đi đâu bố mẹ cũng tháp tùng. Tất cả những nơi tôi đến đều có hình bóng của bố mẹ, mọi quyết định của tôi đều có ảnh hưởng của bố mẹ. Trong khi ở gia đình chồng, tôi được làm chủ cuộc sống của mình hơn, biết chăm lo ngược lại cho người thân trong nhà. Tôi vào bếp làm món ăn, để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt trong gia đình. Sống ở Sài Gòn, lúc nào tôi cũng vội vã với công việc, còn về Hà Nội tôi có nhịp sống chậm lại. Chính sự khác biệt đó giúp con người mình luôn thay đổi.
Tôi không ngờ sau khi lập gia đình, tôi lại có thêm rất nhiều cảm xúc để làm nghệ thuật. Từ khi lấy chồng, các tác phẩm nghệ thuật của tôi có phần đằm hơn, gu ăn mặc cũng được thay đổi dần dần. Trước đây tôi làm mọi việc khi cơ hội đến, giờ làm mỗi việc đều đặt ra câu hỏi: “Có nên làm việc này không, việc này có ảnh hưởng tới ai không và nó giúp ích gì cho mình”. Giờ tôi xác định tất cả những việc mình làm, sự xuất hiện của mình đều muốn có một ý nghĩa nào đấy.
- Bố mẹ chồng chia sẻ thế nào về nghệ thuật của chị?
- Bố không có nhà thường xuyên như mẹ, tôi ít được gặp và ông cũng không hay nói về nghệ thuật. Khi tôi làm một chương trình riêng tặng bố vào ngày sinh nhật, bố mới biết rõ việc con dâu đang làm.
Còn mẹ rất quan tâm tới tôi, biết tôi theo múa dân gian nên hay mua truyện tranh dân gian về cho tôi đọc. Tôi cảm thấy mình rất may khi vào một gia đình mới, mọi người đều yêu nghệ thuật. Bố mẹ cảm nhận được từng hơi thở trong cuộc sống của tôi là múa, họ biết cả lịch tập của con dâu. Buổi sang nếu vác túi đi là mẹ và ch ồng đều biết tôi đi tập đấy, không cần phải hỏi.
Lâu lâu tôi lại để chồng lên sàn tập để anh hiểu công việc của vợ vất vả thế nào. Sàn tập không đẹp như sân khấu nhưng đó là cuộc đời thật của mình.
- Cuộc sống gia đình đã cho chị hay lấy mất của chị nhiều hơn?
- Tôi chẳng mất gì, có chăng là những chuyến bay nhiều hơn, vội vã hơn thôi. Tôi được rất nhiều. Phải nói điều này, thật ra khi lấy chồng, tôi mới biết thế nào là đoàn tụ gia đình. Trước đó cuộc sống của tôi là những chuyến đi. Khi tôi ở Trung Quốc về, lại đến lượt em trai đi học ở Singapore, tôi đặt ra nguyên tắc bất di bất dịch là phải về ăn cơm nhà, thế nhưng hầu như bữa cơm nào cũng thiếu người. Bây giờ lập gia đình rồi, tôi càng không có lý do để ra ngoài nữa, đi đâu đến giờ cơm là nhất định phải về nhà.
- Người ta nói chị khôn ngoan đủ để hạnh phúc, tài năng đủ để tạo tiếng tăm. Còn chị thấy mình như thế nào trong khát vọng của đời mình?
- Thực ra bố mẹ chồng và bố mẹ ruột đều rất kỷ luật. Giờ nếu tôi có làm sai điều gì, chẳng ai đứng về phía tôi cả. Chồng tôi cũng thế, anh ấy rất cứng rắn. Nhưng tôi là người trẻ nhất nhà, tính tình lúc nào cũng nhắng nhít và muốn làm gì cũng thật nhanh, làm gì cũng thích vẽ hoa hòe, hoa sói.
Mỗi bữa tiệc trong nhà, tôi đều là người thổi cái hồn nghệ sĩ vào đó, phải có hát, múa, karaoke… Gia đình chồng tôi từ một gia đình nhà lính vốn khô khan giờ tôi trở về làm nó trở nên sinh động, mềm mại hơn. Mẹ chồng cứ bảo tôi như một đứa trẻ con, mỗi lần nhìn thấy tôi hóa trang đi biểu diễn, bà đều nói chẳng hiểu con bé này nó bao nhiêu tuổi.
Tôi chẳng có khát vọng nào ngoài khát vọng về hạnh phúc. Mà hạnh phúc của người phụ nữ là gì? Chỉ là gia đình thôi. Dù có múa hay làm gì khác, trước tiên phải hạnh phúc đã. Tôi còn nhớ ngày cưới, bố mẹ đã căn dặn chúng tôi những điều rất đơn giản thế này: “Hãy sống như bố mẹ. Bố mẹ khó khăn lắm mới đi được đến ngày hôm nay nhưng luôn nắm tay nhau để vượt qua tất cả mọi thứ”. Hôm đó tôi khóc rất nhiều, tự nhiên thấy những điều mình có được sao lại lớn lao đến thế.
- Vậy hạnh phúc của bố mẹ có tạo áp lực gì cho chị không?
- Có chứ, đó là thách thức lớn đấy.
- Xin cảm ơn chị và chúc chị hạnh phúc với con đường đã chọn!
Mốt & Cuộc sống