Thông tin Đinh Tiến Dũng "nghỉ làm" GS Cù Trọng Xoay khiến rất nhiều fan hâm mộ Hỏi xoáy đáp xoay phải ngậm ngùi. Cùng điểm lại những dấu ấn trong thời gian hoạt động của "vị giáo sư" ngố ngố nhưng lại có rất nhiều fan hâm mộ" này.
GS Xoay - Đinh Tiến Dũng (trái) và TS Trần Xoáy - Xuân Bắc.
Ở chương trình Thư giãn cuối tuần số đầu tiên lên sóng VTV3 vào ngày 28/8/2010, người ta bỗng thấy xuất hiện của một "vị giáo sư" mang cái tên cực lạ: Cù Trọng Xoay. Người xưng danh làm việc ở "Đại học Bôn ba" này đảm nhận vai trò trả lời tất tần tật những câu hỏi kiểu "đá xoáy" của TS Trần Xoáy (Xuân Bắc thủ vai) về mọi mặt của đời sống, với phong cách tưng tửng chẳng giống ai. Cù Trọng Xoay của Hỏi xoáy đáp xoay đem đến một phong vị vô cùng mới lạ, độc đáo, khác biệt so với những vai diễn hài khác, nôm na, gần gũi. Vì thế, rất nhanh chóng, "giáo sư" Cù Trọng Xoay trở thành một "hiện tượng" gây sốt của làng hài Việt Nam vốn rất ít món ăn tinh thần cho khán giả khi đó, ngay sau khi tập đầu được phát sóng.
Đinh Tiến Dũng là kỹ sư Nông nghiệp,làm ở một tập đoàn
công nghệ, vốn không liên quan gì đến showbiz.
Nhưng vị "giáo sư" kỳ khôi cũng bắt đầu vấp phải luồng ý kiến trái chiều trên mạng cho rằng không nên gọi nhân vật này là "giáo sư", bởi đây chỉ là danh hiệu trong một chương trình hài, nếu cứ gọi như vậy sẽ khiến mọi người nhầm lẫn về chức danh cao quý: giáo sư. Có người còn liên tưởng xa rằng nếu gọi thế chẳng khác nào anh chàng ngô ngô nghê nghê kia "ngang hàng" về học hàm với GS Ngô Bảo Châu - người làm vang danh nền toán học Việt Nam ra toàn Thế giới, đây sẽ là sự so sánh "nực cười" và "chẳng hay ho gì".
Nhưng càng nhiều ý kiến trái chiều thì cư dân mạng càng thêm tò mò về vị "giáo sư Đại học Bôn ba" này. Họ bắt đầu tìm hiểu xem Cù Trọng Xoay là ai. Khi ấy, báo chí bắt đầu để tâm kỹ càng đến nhân vật này. Hàng loạt bài viết với những tiêu đề kiểu như: "GS Cù Trọng Xoay là ai?", "GS Xoay, anh là ai?" hay "Những tiết lộ đầu tiên về GS Cù Trọng Xoay" v.v. dần dần được lên trang để thỏa mãn trí tò mò và nhu cầu tìm hiểu thông tin của độc giả.
Thì đây, thông tin về diễn viên của vai hài có một không hai này cũng rất... "trái khoáy" chẳng liên quan gì đến showbiz. Đinh Tiến Dũng sinh năm 1981, đã tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I chứ không phải là một chuyên ngành nào liên quan đến nghệ thuật, sau khi tốt nghiệp về làm công tác Đoàn tại Trung ương Đoàn do thời sinh viên hoạt động phong trào năng nổ. Sau đó, anh về làm việc tại FPT và hiện tại anh đang giữ trọng trách lãnh đạo phong trào và xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho Tập đoàn này. Đinh Tiến Dũng đã làm việc tại FTP 5 năm, còn với ekip của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, anh đã có kinh nghiệm 3 năm trong vai trò là người tham gia viết kịch bản cho chương trình Táo Quân - Gặp nhau cuối năm, sau đó đến với Thư giãn cuối tuần với vai trò biên kịch kiêm diễn viên.
Hóm hỉnh tiết lộ nguyên nhân khiến mình trực tiếp thủ vai nhân vật giáo sư Cù Trọng Xoay, Đinh Tiến Dũng cho biết: “Nhân vật Giáo sư Xoay cần có một ngoại hình “ngơ ngơ” kiểu học nhiều “ngộ chữ”, thật may (hoặc không may) vẻ bề ngoài của tôi đáp ứng được điều này”...
Trong thời đại bùng nổ mạng xã hội, dĩ nhiên Cù Trọng Xoay nhanh chóng trở thành nhân vật "hot" trên Facebook. Từ thời điểm xuất hiện cho đến tận bây giờ, mọc lên như nấm các trang fanpage mang đủ tên: Giáo sư Xoay, GS Xoay, Giáo sư Cù Trọng Xoay, Cù Trọng Xoay v.v. với "slogan" hầu hết giống nhau - chính là câu Đinh Tiến Dũng hóm hỉnh nói về vai diễn của mình: "Kẻ mà ai cũng biết là ai đấy, nhưng không thèm chấp..." Các nhóm hâm mộ khác nhau đều coi các fanpage như là một nơi tâm sự, giao lưu, xả stress bằng cách đưa các câu hỏi "giời ơi đất hỡi", "mình ngô đầu sở", các comment "chẳng cái gì gắn với cái gì"... mà có lẽ không cần hồi âm của nhân vật họ hâm mộ. Hỏi chỉ để... đá xoáy. GS Xoay, một cách tự nhiên và không định trước, trở thành một thần tượng "bất khả xâm phạm" trong lòng công chúng. Có những khi GS Xoay chỉ giăng một status, chỉ vài giờ sau đã có đến cả ngàn người comment.
Tuy nhiên, dẫn chứng rõ nhất về sự "bất khả xâm phạm" của GS Xoay là khi anh tham gia gameshow "Cặp đôi hoàn hảo" cùng với ca sĩ xinh đẹp Phương Linh. Khán giả nô nức nhắn tin bình chọn cho cặp đôi thú vị này. Trên mạng, một "làn sóng" ủng hộ cho GS và người bạn đồng hành khiến những cái tên "nổi như cồn" trong giới showbiz thời điểm đó đều không khỏi ngạc nhiên.
Đinh Tiến Dũng và Phương Linh ở "Cặp đôi hoàn hảo"
Trong "Cặp đôi hoàn hảo", mặc dù không được đánh giá cao về giọng hát và phong cách trình diễn nhưng Đinh Tiến Dũng cùng bạn diễn Phương Linh lại được khán giả "nức lòng" ủng hộ, yêu thích bình chọn vì sự dí dỏm, thông minh và giản dị, chân chất. Trong bài phỏng vấn trên báo chí tại thời điểm cuộc thi diễn ra, chỉ vì "lỡ miệng" chê Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng là người không thông minh mà nhạc sỹ Lê Minh Sơn đã phải hứng chịu cả một làn sóng "búa rìu" của cư dân mạng. Sức ép lên BTC chương trình lớn đến nỗi, sau khi cặp đôi này dừng chơi khi lọt vào top 4, có rất nhiều người phản đối, đòi "trả lại công bằng" cho GS Xoay - Phương Linh!
Sau “Cặp đôi hoàn hảo”, người ta phát hiện thêm nhiều "bang hội" kỳ khôi khác trên facebook như: “Hội những người phát cuồng vì Giáo sư Xoay”, “Sự ngây ngô đến chết người của Giáo sư Xoay”, “Hội những người thích cặp đôi Xoáy Xoay” hay “Hội những người phát cuồng vì cặp đôi giáo sư Xoay và ca sỹ Phương Linh”…
Mọi động thái của Đinh Tiến Dũng ngoài đời thật bắt đầu được và bị nhòm ngó, đỉnh điểm là chuyện rò rỉ bức ảnh người yêu của "giáo sư". Do thông tin quá ít ỏi, cư dân mạng và nhiều trang tin tha hồ đồn đoán, soi xét, bình luận về "cô gái hạnh phúc". Đến nỗi, nhân vật chính đã có lúc "nổi nóng" khi gọi một số phóng viên là "bồi bút" với ý dè bỉu; đồng thời điện thoại của "giáo sư" cũng nhiều lần "ngoài vùng phủ sóng". Dẫu đây được xem là một scandal nho nhỏ, thì tình cảm dành cho GS Xoay vẫn không hề suy chuyển trong lòng khán giả.
Không ít người phát cuồng vì Cù Trọng Xoay
Thế rồi đến ngày 4/2, lần đầu tiên trong chương trình Hỏi xoáy đáp xoay, diễn viên Xuân Bắc vắng mặt thay vào đó là diễn viên Thu Huyền. Lập tức chương trình bị chê "nhạt không còn gì để nói", và "hội những người đòi Xuân Bắc trở lại" được tạo lập trong cộng đồng mạng. Đến lúc này, mọi người mới nhận ra rằng sức hút của GS Xoay thật ra chỉ là một nửa, và sẽ giảm đi rất nhiều nếu thiếu anh Trần Xoáy Xuân Bắc. Và cũng những ngày này, khán giả nghe tin Đinh Tiến Dũng sẽ "nghỉ làm" GS Xoay...
Tại một buổi tọa đàm dành cho sinh viên cách đây vài ngày, Đinh Tiến Dũng đã thành thật chia sẻ về ý định của mình. "Tôi sẽ rút về để làm công việc mang tính văn phòng nhiều hơn. Sẽ ngồi bàn giấy và làm văn phòng, tập đoàn chúng tôi cần phải rút tôi về để làm một vị trí khác... FPT chuẩn bị đuổi việc rồi nên tôi phải về làm thôi", anh hóm hỉnh.
Giáo dục Việt Nam