Hẹn gặp Quang Dũng (Dũng Khùng, sinh năm 1978) lúc 10 giờ sáng tại quán cà phê ở trung tâm TPHCM. 9h45, người viết đã đến chỗ hẹn, đinh ninh nghệ sĩ thường hay đủng đỉnh đến muộn, mình có ít nhất khoảng 30 phút uống ly cà phê, đọc vài tờ báo. Ngờ đâu, đến nơi đã thấy Quang Dũng ngồi đó rồi, cả quán cà phê rộng rãi còn nhiều chỗ trống, thoáng đãng nhưng anh lại chui tọt vào một góc khuất nhất mà ngồi, đầu còn sùm sụp mũ lưỡi trai. Tay cầm nĩa, tay bấm điện thoại, Quang Dũng cười khờ khờ, thực ra anh cũng định tới sớm một chút hòng chén no bụng trước khi phỏng vấn.
Kể cả tôi có tình cảm với Thanh Hằng cũng bình thường thôi
Chân dài hành động có vẻ không phải là cái tên thích hợp với một bộ phim cổ trang?
Thực ra đó chỉ là một cái tên tạm, vì lúc đấy tôi đang nghĩ ra một nhân vật dành cho Thanh Hằng. Tôi cũng chưa biết đổi tên gì cho hay hơn, vừa có mùi cổ trang vừa không bị Tàu quá.
ĐD Quang Dũng và Thanh Hằng
Một kịch bản đo ni đóng giày cho một diễn viên. Có vẻ như đó là sự ưu ái đặc biệt hơn mức bình thường?
Ban đầu, muốn làm phim hành động, tôi có hỏi Thanh Hằng và một số diễn viên khác về yêu cầu phải tập võ 1 năm. Thanh Hằng là người chịu khó và sẵn sàng làm việc đó. Có thể coi đấy cũng là một nguồn cảm hứng cho tôi. Vả lại tôi thà chọn một diễn viên quen mà diễn xuất mới còn hơn chọn diễn mới mà diễn xuất không hay. Tôi không xây dựng phim vì một người nào đó, mà chọn người có thể hỗ trợ việc làm phim cho tôi.
Nhưng đây là lần thứ 3 Thanh Hằng được mời tham gia phim của anh, dù cô ấy không phải là diễn viên chuyên nghiệp?
Như thế nào là chuyên hay không chuyên? Nếu xét việc chuyên nghiệp là có học diễn xuất thì lấy trường hợp Hồng Ánh đi, cô ấy xuất thân là dân múa mà. Nhưng người ta công nhận Hồng Ánh vì cô ấy không làm nghề khác và cô ấy được giải Cánh diều vàng.
Theo tôi, do cái bóng của Thanh Hằng ở lĩnh vực người mẫu quá lớn nên mọi người nghĩ cô ấy không chuyên. Đối với tôi, một diễn viên chuyên nghiệp là người có tất cả kỹ năng để thể hiện các vai khác nhau và có thể sống được bằng nghề. Thanh Hằng là người như vậy. Cô ấy tập võ để đóng được trong Nụ hôn thần chết, tập hát và vũ đạo để đóng phim Những nụ hôn rực rỡ… Có bao nhiêu người làm được chuyện đó? Tôi nghĩ như vậy cô ấy đã hơn bao nhiêu người được cho là chuyên, bao nhiêu người đạt được ba cái giải gì đó ở Việt Nam rồi.
Còn tin đồn anh có tình cảm với Thanh Hằng, anh nghĩ sao?
Bình thường thôi (cười). Kể cả tôi có tình cảm với Thanh Hằng cũng bình thường, mà không thì cũng bình thường. Tại mọi người nghĩ sâu xa quá. Tôi nghĩ không nhất thiết phải là yêu đương, nhưng khi người ta có tình cảm thì làm việc với nhau sẽ tốt hơn. Vì đây là nghề thuộc về cảm xúc mà, nếu tôi chọn một diễn viên mình không ưa vào vai diễn do tôi tưởng tượng ra thì làm sao tôi có thể làm việc được.
Dạo này tôi cũng bóng bẩy dữ lắm rồi đó
Ăn cái gì, mặc cái gì trước hết đó phải là thứ mang lại cảm giác ngon lành, thích thú, thoải mái
Uống cạn ly cà phê, Dũng Khùng xin phép ra ngoài một chút, nhưng không phải để vào toilet chỉnh trang mà ra ngoài rít mấy hơi thuốc. Toàn những việc không có lợi cho sức khỏe nhưng đạo diễn trẻ này thì… kệ, bởi anh coi trọng cảm giác của mình hơn.
Ăn cái gì, mặc cái gì trước hết đó phải là thứ mang lại cảm giác ngon lành, thích thú, thoải mái cho Quang Dũng, rồi đẹp hay xấu, xịn hay không tính sau. Bởi vậy, đi du lịch nước ngoài, trong khi thiên hạ đổ xô sắm túi xách, giày, áo quần hiệu… thì Dũng Khùng lại săn vớ. Đúng, thứ anh đam mê mua sắm nhất là vớ, thấy vớ là nhào vô mua ào ào. Đơn giản vì Dũng Khung hay mang giày, phải có một đôi vớ tốt mới cảm thấy thoải mái. Trong danh sách shopping của anh xếp hàng sau vớ là đồ lót, khăn tắm, sữa tắm… toàn những thứ liên quan mật thiết tới cảm giác của người dùng.
Tôi chê anh chú trọng cảm giác quá mà bỏ quên vẻ bề ngoài, lắm lúc trông lôi thôi đến tệ. Dũng Khùng cười hề hề: “Với tôi, đồ mặc vào người mình chứ phải thấy… sướng trước đã, còn người ngoài thấy sao thì không quan tâm. Mà hồi này, tôi cũng bóng bẩy dữ lắm rồi đó, còn mặc jvesst nhiều nữa là khác. Tại tính tôi không thích những đồ có in hiệu bự quá. Tôi thấy mình lớn hơn mấy cái hiệu đó. Nhìn ngoài không thấy hiệu chứ thực ra tôi cũng mặc đồ hiệu không đó chứ”.
Cũng vì quan tâm đến cảm giác của mình quá nên Dũng mới “chết” cái tên là Dũng Khùng. Nghệ danh này ra đời rất thú vị. Khi đó anh mới ra trường, trẻ và ý thức về thương hiệu dữ dội lắm. Ra Hà Nội làm việc lại đụng phải nhiều đạo diễn tên Dũng, nên mỗi khi giới thiệu, anh phải giải thích dài dòng như Dũng Sài Gòn, còn nhà văn Nguyễn Quang Sáng… Vì thế, anh lấy tên Dũng khùng cho gọn. Hơn nữa, thỉnh thoảng cũng có mấy người bạn vẫn cảm than Quang Dũng rằng: “Ồ, sao cái thằng này khùng quá”.
Ngờ đâu, làm việc rồi anh mới thấy cái tên này đúng với cá tính của mình. Quay clip ca nhạc cho khách hàng mà lúc nào anh cũng chăm chăm làm sao cho giống như tưởng tượng của mình, bất chấp clip đó có được duyệt hay không. Trước khi là đạo diễn phim nổi tiếng, Quang Dũng đã nổi lên tai tiếng là một đạo diễn làm clip ca nhạc với gần 50% không được duyệt. “Thực ra, lúc đó mình cũng thích cảm giác… không được duyệt, kiểu như mình đã xóa đi được một cái trật tự nào đó. Sau này làm nghề lâu mới hiểu chuyện hơn”, đạo diễn trẻ phân trần.
Thích cái gì thì thi cái đó
“Trường Sân khấu điện ảnh có truyền một giai thoại là Quang Dũng thi đậu vào khoa Đạo diễn chỉ bằng cách ôm đàn hát một bài, trong khi các thí sinh khác đều phải dựng tiểu phẩm. Nghe qua, rõ ràng là con ông cháu cha, lợi dụng quen biết”, người viết nửa đùa nửa thật với Dũng. Anh tỏ ra nghiêm túc: “Tôi thi vào Sân khấu điện ảnh là do được ba nhắc thôi chứ không có giúp. Nguyên nhân là lúc nhỏ tôi không có năng khiếu nào rõ rệt”.
Trong một bữa ăn, ba tôi nói: “Tao không biết lớn lên mày làm cái nghề gì nữa”. Lúc đó, trên tivi đang chiếu phim Cánh đồng hoang nên tôi buột miệng: “Mai mốt ba viết kịch bản đi rồi con làm đạo diễn cho nó vui”. Đến khi tôi tốt nghiệp phổ thông, rồi thi Trung cấp nhạc viện, ba tôi mới hỏi: “Ủa, vậy chứ không thi đạo diễn hả”. Lúc đó, tôi sực nhớ ra, vậy là đi thi”.
Chẳng ai nghĩ Dũng Khùng thi đậu, mà thực ra lần đầu anh thi rớt thật. “Tôi với Đãng (Vũ Ngọc Đãng) thuộc vào dạng thiếu điểm. Sau này, Đãng mới truy ra là ở vùng sâu vùng xa nên được cộng thêm điểm, đủ để đậu. Còn tôi, danh sách ban đầu chỉ nhận 10 sinh viên, sau đó trường vớt thêm 11 người nữa nên mới có tên tôi”, anh nói.
Đi thi thấy nhẹ tênh nhưng thi đậu rồi Dũng lại bị áp lực. Nhiều khi anh cả nghĩ: Ai cũng biết ba mình hết, còn mình thì có bằng ai đâu. Hoặc có khi mình vào được trường này là do người ta nể ba mình. Cho nên Dũng Khùng cố gắng học, một phần để khỏi mất mặt ba. Phần khác là do áy náy, biết đâu nếu suất đó không dành cho mình thì có thể đã dành cho một người khác đam mê với nghề và có năng khiếu hơn.
Tôi quanh co hơn ba tôi
Lúc mới vào nghề, đi đâu người ta cũng giới thiệu là con của ông Sáng, Dũng Khùng thấy ngại
Lúc mới vào nghề, đi đâu người ta cũng giới thiệu là con của ông Sáng, Dũng Khùng thấy ngại. Ngại thôi chứ không hoảng sợ, bởi anh tìm thấy được sự thú vị xen lẫn hãnh diện.
“Khi có một người ba nổi tiếng người ta thường có xu hướng muốn giống ba mình. Còn anh thì sao?”, người viết hỏi. Anh từ tốn: “Ba tôi rất ít nói, thậm chí xem phim của tôi xong, ông chỉ nói một câu: “cũng được đó mày”. Ông rất quan tâm đến tôi nhưng không áp đặt. Ba hay dắt tôi đi chơi và để cho tôi có góc nhìn riêng về mọi vật. Có lẽ do vậy nên tính cách của tôi được phát triển tự nhiên và không theo khuôn mẫu nào hết”.
Trong lời nói của anh không che giấu được sự kính trọng và yêu thương dành cho người ba danh tiếng của mình. Chính ông đã mang lại cho Dũng một tuổi thơ trọn vẹn. “Hồi nhỏ tôi học ngu lắm, lười học nữa. Mà hễ ép vô bàn ngồi học là học không được. Mùa hè, nhà trường bắt đi học hè thi ba tôi gạt đi: “Không, con nít thì mùa hè phải được đi chơi”. Thế là ba anh đưa anh đi Huế, Hà Nội… chơi.
“Đem đồ trên bàn thờ xuống chơi”
Năm 2011, sau gần 1 năm nghỉ ngơi, đi chơi và làm giám khảo cho một số cuộc thi, Dũng lại đang lục đục chuẩn bị làm phim Chân dài hành động. Đây là phim cổ trang, vốn chẳng phải là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam. Chưa kể, trong năm qua không ít phim dạng này vừa ra mắt đã bị chê tơi bời. “Xương” vậy mà Dũng Khùng chẳng mảy may dao động, vẫn cứ đủng đỉnh làm, còn khán giả thì háo hức chờ đợi. Có lẽ vì mấy lần đi trên dây trước đây với Hồn Trương Ba ra hàng thịt, Nụ hôn thần chết… của anh đều thành công mỹ mãn.
Anh ví von việc làm phim cổ trang giống như đem đồ trên bàn thờ xuống chơi. Phim Tàu tràn lan, làm kiểu gì để khỏi đụng? Dũng giở nón ra gãi gãi mái tóc cắt ngắn cũ. “Đây là phim cổ trang theo tưởng tượng của tôi, kể cả phục trang, bối cảnh… Người xem sẽ dễ chấp nhận vì nó là cổ trang của Việt Nam chứ không theo một thời kỳ lịch sự hay kiểu Hong Kong, Tàu gì hết”, anh khẳng định.
Tình yêu với các cô gái có tên bắt đầu bằng chữ T
Đến năm 2009, khu Dũng Khùng tuyên bố đã đi qua tới… 5 mối tình
Đến năm 2009, khu Dũng Khùng tuyên bố đã đi qua tới… 5 mối tình với các cô gái có tên bắt đầu bằng chữ T, báo chí cũng chỉ mới đoán già đoán non được 2 là ca sĩ Minh Thư và siêu mẫu Thanh Hằng. Có lẽ để tránh phiền phức, Dũng nên tuyên bố yêu các cô bắt đầu bằng chữ T xui quá, yêu hoài mà vẫn bất thành nên sẽ đổi qua chữ cái khác. Tuy nghiên, người ta vẫn gặp Dũng sành bước với Thanh Hằng. Và gần đây, cô lại được mời vào vai nữ chính trong bộ phim hành động của anh.
“Tam thập nhi lập”, tính đến nay Dũng khùng đã hơn 30 tuổi, tóc cũng lấm tấm bạc rồi. Người viết hỏi anh tính bao giờ lấy vợ? Anh nói: “Chẳng biết”. Không phải vì anh không khoái lấy vợ mà vì với anh hôn nhân không thực sự cần thiết, chẳng cần cứ cưới nhau mới có trách nhiệm với nhau. Tất cả chẳng qua chỉ là… thủ tục, giấy tờ mà anh vốn không thích mấy chuyện lằng nhằng đó.
“Đó là suy nghĩ của anh, còn nếu bạn gái của anh đòi cưới thì sao?”. Anh cười xòa: “Nếu cô ấy cho rằng đó là chuyện bức thiết thì… cưới thôi. Nhưng quan điểm của tôi đó vẫn là chuyện không cần lắm”.
Mốt & Cuộc sống