Đạo diễn + Giám khảo + Viết báo + Phim thị trường từng giúp nhà sản xuất hốt bạc… Quá nhiều gạch đầu dòng chung giữa hai cái tên cách nhau gần hai con giáp này khiến lựa chọn Nguyễn Quang Dũng nói về Lê Hoàng trở nên “chuẩn không cần chỉnh” hơn bất kỳ ai. Và câu đầu tiên Dũng “khùng” nói về Lê Hoàng là: “Lê Hoàng à? Nếu có điểm duy nhất khó ưa (nhưng lại giúp… nhận dạng) thì đấy chỉ có thể là… cái giọng!”.
Đáng nhất ở Lê Hoàng là chính kiến!
- Để viết “Phác thảo chân dung”, anh có nghĩ là Duku (bút danh của Dũng “khùng”) đấu lại được Lê Hoàng?
Không, không, chịu! Làm sao viết được như Lê Hoàng! Chuyện đấy cả làng thừa nhận mà! Phải nói là thật khó để có được sự sâu sắc mà hồn nhiên như bác ấy, cực đoan mà lại nghe rất có lý có tình… Đáng nhất ở Lê Hoàng, khi làm giám khảo cũng như khi viết báo, tôi nghĩ là chính kiến. Chính kiến ấy có thể cực đoan (mà có chính kiến nào không… cực đoan đâu chứ?), nhưng nó là “bản sắc” riêng có của Lê Hoàng. Ớn nhất ở một vị giám khảo là ăn nói lờ nhờ, lúc nào cũng rào đón, che chắn, bù trừ… chỉ vì sợ nói sai, sợ bị bắt bẻ, sợ mất lòng.
Nghệ thuật làm giám khảo là đôi khi phải biết… sơ hở một tý để người khác còn có chỗ mà nói. Gì chứ riêng về khoản “sơ hở” thì Lê Hoàng rõ ràng rất có nghề!
- Trong những bức chân dung Lê Hoàng đã phác thảo, bức khiến nhiều người nhớ lâu nhất là bức vẽ Dũng "Khùng". Còn anh thì sao, anh thấy “ngấm” nhất câu nào trong đó?
Là cái câu nói về chuyện tôi “khảnh ăn” sao đó, tiếc là tôi không nhớ được nguyên văn, đại loại nói nếu tôi ngồi vào mâm tuy chỉ gắp một miếng bé tý nhưng thực ra đó là miếng ngon nhất. Đó đích thị là tôi rồi, tôi đọc mà mắc cười gần chết, sao mà bác ấy tinh thế chứ, còn tinh hơn cả cái đứa gắp miếng đấy! (Trích dẫn nguyên văn: Khác với Nguyễn Tranh, nhiều lúc chẳng hiểu mình ăn gì, khác với Vũ Ngọc Đãng ăn gì cũng xúc động và khác với Lê Hoàng ăn gì cũng khả nghi, Dũng "Khùng" ngồi vào mâm, gắp một miếng bé tý bỏ vào mồm rồi sau đó không ăn, nhưng thực ra miếng ấy là miếng ngon nhất mà có đứa nào hiểu đâu”).
- Anh nghĩ vì sao Lê Hoàng lại hiểu anh đến thế?
Tôi may mắn có được với Lê Hoàng khá nhiều kỷ niệm. Trong đó tôi nhớ nhất là hôm thi tốt nghiệp, mà bài tốt nghiệp chính là Hồn Trương Ba da hàng thịt. Trước đó, thầy chủ nhiệm của tôi đã rất lo ngại là tôi sẽ không qua được “cửa tử” vì phim hơi “lệch chuẩn”. Nhưng may phúc cho tôi là hôm ấy bỗng dưng lại có đạo diễn Lê Hoàng và Nguyễn Vinh Sơn đến dự. Xem xong, hai anh đã bắt tay chúc mừng tôi dù trước đó chưa hề quen biết và cái bắt tay đó chắc là đã tác động vô cùng tích cực đến điểm số. Tưởng chỉ dừng ở cái bắt tay xã giao đó, không ngờ ngay tối hôm ấy không biết anh mò đâu ra số điện thoại của tôi để kêu tôi đi ăn, hỏi chuyện. Một thái độ rất mở với một người mới đến, điều đó khiến tôi rất cảm động và nhớ mãi đến giờ.
- Này, xem chừng cậu sinh viên kia cả tin đấy nhé, vì biết đâu lúc đó Lê Hoàng được Hãng phim Giải Phóng thuê đi “săn đầu người”!
Yên tâm là chuyện đó không có ở Việt Nam đâu! Lê Hoàng, tôi nghĩ anh ấy rất quý người và rất trân trọng những cái gì trẻ trung, tươi mới.
- Có quá nhiều gạch đầu dòng chung với Lê Hoàng như vậy, anh thấy “sang” hơn hay sức ép?
Tôi thấy vui.
Nếu rạp chiếu phim ở Việt Nam cần dựng tượng thì đó là Lê Hoàng!
- Anh thấy sao khi giờ này người ta nhớ một Lê Hoàng – giám khảo hơn là Lê Hoàng – đạo diễn?
Chuyện đó thường mà, tôi cũng vậy nè, vì đạo diễn là cái nghề đứng sau ống kính, còn giám khảo là cái nghề đứng trước máy quay, người ta nhớ hơn là phải! Nhưng nếu là tôi thì tôi lại nhớ nhất Lê Hoàng – nhà báo. Vì giám khảo thì Lê Hoàng còn có lúc sai. Phim thì dở cái là nhân vật toàn nói giọng Lê Hoàng, nhưng Lê Hoàng viết báo thì chỉ có… đúng trở lên! Anh đúng ngay cả khi anh… sai, vì trên một mặt bằng thiếu vắng cái tôi đến như vậy, một cái tôi to đùng như Lê Hoàng quả là của hiếm!
- Cứ cho là Việt Nam sẵn sàng hy sinh một Lê Hoàng – đạo diễn để có một Lê Hoàng – giám khảo đi vì giám khảo ở ta không chừng hiếm hơn đạo diễn! Nhưng nếu để tiếc, anh có tiếc một Lê Hoàng của những thước phim nghệ thuật trước đây, khi anh ấy chưa bị “Gái nhảy” “làm hư”?
Hồi còn trong trường, tôi cũng đã được xem những Ai xuôi vạn lý, Lưỡi dao… của anh Hoàng và thích lắm. Nhưng nếu bảo tiếc thì tôi không. Nếu như không muốn nói tôi và Vũ Ngọc Đãng còn cần phải biết ơn Gái nhảy. Trước hết vì bộ phim ấy đã giúp thay đổi suy nghĩ làm phim trong nhiều người làm nghề chúng tôi, khi mà trước đó, tâm lý chủ đạo của giới làm phim Việt Nam là làm phim để… dự thi, để cộng thêm điểm vào danh hiệu NSƯT, NSND chứ không biết “nghĩ giùm” cho khán giả. Nhưng tới khi Gái nhảy ra đời (mà lúc đấy hãy còn mang mác “phim nhà nước”, “phim nghệ thuật” hẳn hoi), nó đã khiến toàn thể bàn dân thiên hạ sực tỉnh. Rằng hóa ra phim Việt Nam vẫn có… khán giả mà hồi giờ ta không biết và… không thiết.
Các nhà sản xuất tư nhân nhờ thế mà có thêm sinh khí nhập cuộc khi biết rằng làm phim cũng là một kênh hái tiền tốt. Thị trường phim xuất hiện và đó chính là cơ hội cho những nhà làm phim trẻ như tôi và Vũ Ngọc Đãng. Còn nếu như đầu quân cho một hãng phim Nhà nước thì tha hồ đứng xếp hàng, khi mà tôi nhớ ở hãng phim Giải Phóng, đạo diễn Trần Mỹ Hà lúc đó đã hơn 40 tuổi mà vẫn còn được coi là… đạo diễn trẻ. Rạp chiếu phim Việt Nam sau này cần dựng tượng ai tôi nghĩ người đó chắc chắn phải là Lê Hoàng!
- Vậy là nếu không có “Gái nhảy” thì sẽ không có “Bỗng dưng muốn khóc”, không có “Giải cứu thần chết”, “Những nụ hôn rực rỡ”, túm lại, không có “nụ hôn” nào cả?
Dĩ nhiên không có Lê Hoàng thì sau đó có thể cũng sẽ có người khác như đòi hỏi tất yếu của thị trường, nhưng nếu có Lê Hoàng thì điều đó sẽ đến sớm hơn, gây được hiệu ứng mạnh hơn.
- Vậy mà sau “Gái nhảy” thì Lê Hoàng đã không thể tự phá được kỷ lục của mình. Anh có vì thế mà “bớt nể”?
Chuyện đó tôi thấy cũng thường và rất khó nói. Một đạo diễn giỏi đâu có phải phim nào cũng thành công được mãi. Một người thông minh đã đành nhưng phim ảnh nó còn phụ thuộc nhiều vào cảm xúc, thời điểm… cho nên một bộ phim thành công hay thất bại ngoài tài năng ra, một phần còn lệ thuộc vào hên xui. Với Gái nhảy và có lẽ chỉ cần Gái nhảy, tôi nghĩ anh Hoàng đã làm tròn nhiệm vụ với điện ảnh Việt Nam rồi, nếu không muốn nói là xuất sắc!
- Sự hài hước theo anh có giá trị thế nào lúc này?
Đời sống cuối cùng liệu còn cái gì có thể cần thiết và quan trọng hơn tiếng cười khi mà chúng ta cố gắng làm tất cả mọi thứ bất quá cũng là chỉ để làm cho nó được trở nên vui vẻ? Xã hội càng văn minh thì tiếng cười càng trở nên đáng giá và vì vậy, một tiếng nói như Lê Hoàng, tôi nghĩ cũng là một “tài sản của xã hội”.
- Nhưng anh có thấy cười người thì dễ? Quan trọng là làm...
Đương nhiên nói thì bao giờ chả dễ hơn làm! Nhưng “nói” mà ra vấn đề như Lê Hoàng thì cũng chính là “làm” và thậm chí còn hơn “làm”.
Đẹp