Ở Lê Hoàng, lắm câu trả lời còn tương “lý sự cùn” – sở trường “đố đứa nào bắt chước được” ở “người bán chữ”. Không từ chối câu hỏi nào, kể cả những câu “hỏi đểu” trừ khi chê nó dở, vị giám khảo khó tính này dường như luôn có tài “át vía” người khác, để mọi cuộc đối thoại với Lê Hoàng đều có nguy cơ trở thành… độc thoại.
Chuông reo là… tắt!
Lúc này, ngồi giữa một đám bạn “hồi teen” (hầu hết là những khán giả ham vui của Bước nhảy hoàn vũ và Cặp đôi hoàn hảo) mà may mắn được Lê Hoàng gọi điện thì quả là hãnh diện không để đâu cho hết. Nhưng mấy năm trước thì không. Vì nếu như… không may quen Lê Hoàng, mà lại còn làm báo nữa thì thề có giăng trên giời, mỗi lần phim Lê Hoàng ra rạp hay lên sóng thì y như rằng, bạn sẽ ngay lập tức trở thành “người đàn bà bị săn đuổi” mọi lúc, mọi nơi bởi những lời hiệu triệu rốt ráo: “Xem Chuông reo là bắn chưa, thấy thế nào?”. “VTV3, tối nay 8h!” ...
Cái tên phim mới nhất của anh (Tối nay 8 giờ) vì thế là lạ với ai chứ không lạ với tôi, vì đó là câu rất quen thuộc khi anh “đọc lệnh cưỡng chế” “những thiên thần áo… cháo lòng” như chúng tôi phải xem tập tiếp của Những thiên thần áo trắng. Thành ra, phản ứng khôn ngoan là hễ “chuông reo thì… tắt” vì nếu khen (mà không có dẫn chứng) thì sợ bị anh truy, hoặc… khinh; mà chê thì còn lâu anh mới công nhận và không khéo còn bị ăn chửi.
Thà quen anh từ thuở Ai xuôi vạn lý, Lưỡi dao… thì còn dễ ăn dễ nói. Nhưng lúc đấy, chắc anh không cần câu trả lời như sau này, khi mà anh riết ráo tìm khán giả hơn, bắt đầu từ Gái nhảy và kể từ đó.
Bạn có thể chơi với Lê Hoàng cả chục năm mà không biết Lê Hoàng quý hay không quý mình, Lê Hoàng “chấm” bạn bao nhiêu điểm về hình thức hay cái đầu của bạn… Không phải vì Hoàng khéo, mà vì… cứ nhìn cái mặt ít biểu lộ cảm xúc của anh thì biết, lại thêm kiểu nói thật như đùa, đùa như thật, chả biết đằng nào mà lần. Nếu tôi nhớ không nhầm thì anh có lẽ là người dùng từ “đứa” (hoặc “chúng nó”) một cách có duyên nhất Việt Nam, để chỉ bất kỳ ai, từ khán giả đến nghệ sĩ. Nên nếu như có ngày bị anh gọi là “đứa” thì bạn cũng chớ nên lấy làm điều. Nhưng nếu cả gan gọi anh là “đứa” một lần trong đời thì… chưa biết chừng. Tự trào thì Hoàng ta không ngán, nhưng chê anh lại là một chuyện khác. Nếu “yếu bóng vía” hoặc không lợi ngôn thì tôi khuyên bạn là không nên.
Thuở vào nghề, tôi từng vấp phải hai cú “nhầm chết người”. Một lần là nhầm Thanh Phương với Quốc Trung, vì lúc đó hai người đang cùng chơi trong ban nhạc Phương Đông; cùng trắng, gầy và cùng để đầu trọc. Bởi vậy mà suốt buổi là nói về “chị Thanh Lam nhà anh”, cho đến khi Thanh Phương cười hiền bảo: “Mà em có nhầm anh với ai không đấy, vì anh chỉ là người quen của anh Trung và chị Lam”. Nhưng Lê Hoàng khi bị nhầm thì không hiền như thế. Anh trái lại sẽ khiến kẻ đó phải sống “suốt đời trong dày vò và xấu hổ” khi phải trải qua một “quá trình tự nhận thức” để nhận ra “sai lầm chết người” ấy của mình. Dù lúc đó, anh chưa nhẵn mặt trên truyền hình như bây giờ.
Nhưng chao ôi là anh ghê gớm!
Mà nhầm đây là nhầm tên. Bởi lúc đó, giám đốc NXB trẻ cũng có tên là Lê Hoàng. Thế là suốt buổi chuyện, anh để tôi được mặc sức nói về “sách của trẻ” mà không thèm có một “hồi còi” nào. Mãi đến sau này tôi mới thốt người biết được mình nhầm và “cay đắng” nhận ra “quả lừa” ngày nào đã được Lê Hoàng khoái chí cho ăn, không hờn trách, không đính chính, cứ như cách một con mèo trêu con chuột.
Lê Hoàng dường như đặc biệt ưa thích sự ngây thơ vì khi ấy, chắc hẳn anh được toại nguyện làm… cáo. Dù anh luôn tự nhận mình là ngây thơ. Ngây thơ đến mức có lần đã… khóc ở LHP Việt Nam mà không cần biết giọt nước mắt ấy có thay đổi được nền điện ảnh đáng khóc ấy hay không.
Nhưng xem ra lại vô cùng khó khăn khi dùng sự ngây thơ để “qua mắt” Lê Hoàng, trừ khi anh vui vẻ chấp nhận nó như một trò đùa vô hại. Hoặc giả, đó là “nàng thơ bất khả xâm phạm” của anh?
Vậy, tốt nhất là hỏi anh... những câu hỏi nghiêm trọng
Tôi với điện ảnh Việt Nam khó hẹn hò nhau lắm!
- Những bộ phim bắt đầu thưa bóng Mỹ Duyên. Vì cô ấy đã “bớt ngây thơ” hay anh đã thôi theo đuổi khái niệm “nàng thơ” trong phim của mình?
Đối với Mỹ Duyên cũng như Lê Hoàng, điều quan trọng là sự đúng đắn trong tác phẩm chứ không phải “nàng thơ” hay “anh thơ”.
- Lúc này vẻ như anh đang thích đặt lòng tin của mình vào các… “hot girl” - một đối tượng khá là “nhạy cảm” với nghệ thuật. Vì đó là “công thức làm phim teen” hay anh muốn đưa ra một định nghĩa khác về… “hot girl”?
Nếu không đặt niềm tin vào các “hot girl”, chả lẽ tôi phải đặt vào các “bà già girl” hay sao?
- Vì độ nóng của cái tên Lê Hoàng, anh có nghĩ mình cũng là một… “hot boy”?
Tôi mà nóng ấy à? Tôi cũng chỉ 37 độ thôi! Mà trong đó, nhiều người nghĩ ít nhất có 36 độ hâm.
- Vì sao lại là “Tối nay, 8h”, giống một lời hẹn vậy?
Muốn hẹn thì phải yêu. Muốn yêu thì phải cùng cảm xúc. Điện ảnh Việt Nam hiện nay có hai luồng cảm xúc và tôi đang ở phía luồng mà nhiều người cho là thương mại rẻ tiền thì khó hẹn hò nhau lắm.
- Khác với mọi lần, vì sao lần này anh lại “bí mật” đến thế kể từ khi phim bấm máy đến khi ra rạp?
Phim có bí mật hay không là do chủ trương của nhà sản xuất chứ không phải của đạo diễn.
Giám khảo hay đạo diễn cũng còn tốt hơn đồ tể
- Lâu lắm mới trở lại phim nhựa, anh thấy thế nào, “đã” hơn phim truyền hình nhiều chứ?
Không lâu lắm đâu nếu như phim Thủ tướng được duyệt. Truyền hình và phim nhựa rất khó so sánh và có lẽ tốt hơn là không nên so sánh.
- "Thủ tướng” thì chưa biết sao, nhưng “Những thiên thần áo trắng” thì có vẻ như đã làm mờ đi một Lê Hoàng – đạo diễn?
Tôi không nghĩ thế. Cứ để vài năm nữa xem lại phim ấy rồi sẽ biết!
- Xem phim anh đôi khi người ta ngạc nhiên vì sao anh lại không chọn kể một câu chuyện mới, trong khi đó hẳn là chuyện thừa sức với một cái đầu sắc sảo như anh?
Trong điện ảnh, một câu chuyện mới đôi khi không quan trọng bằng cách thể hiện mới.
- Anh buồn hay vui khi lúc này người ta nhớ đến một Lê Hoàng – giám khảo hơn là Lê Hoàng – đạo diễn? Cầm bằng như “mặt trăng ăn mặt trời” ấy nhỉ?
Tôi vui. Dù là Lê Hoàng giám khảo hay Lê Hoàng đạo diễn thì cũng tốt hơn là Lê Hoàng… đồ tể.
- Tương tự, anh thấy sao khi Phạm Văn Mách muốn đăng quang “Cặp đôi hoàn hảo” hơn là phá kỷ lục ở giải thể hình?
Chữ “tương tự” ở đây không chính xác. Nếu tôi là Mách, tôi thà hoàn hảo ở Việt Nam còn hơn vô địch ở thế giới.
Giỏi hai thứ đã là quá nhiều!
- (Cũng lại) Tương tự, anh buồn hay vui khi nhiều người khen Lê Hoàng chỉ giỏi… đặt tên phim và viết thoại?
Nếu giỏi hai thứ đấy thì cũng là quá nhiều!
- Một trong những cái bị kêu nhất ở phim anh là nhân vật toàn bị “mớm cung” nên tất thảy già trẻ gái trai đều nói rặt giọng Lê Hoàng. Dấu ấn riêng của đạo diễn đâu phải đặt vào thoại?
Xin nhà báo đừng chỉ cho tôi biết dấu ấn riêng của đạo diễn phải đặt vào đâu!
- Chuyện anh khóc ở liên hoan phim Việt Nam cho đến nay chưa có trường hợp thứ hai và kỷ lục đó cũng chưa bị phá bởi chính anh. Vắng mặt ở liên hoan phim Việt Nam vừa qua, phải chăng anh chưa kiếm được cớ gì để khóc?
Nếu tôi khóc ở Liên hoan phim Việt Nam lần này thì đó là do ở đấy tôi thấy nhiều người cười quá!
- Câu chuyện 42 tỷ đồng mà không đáng khóc sao?
Không bao giờ nên khóc vì tiền mà nên khóc như tựa đề của một cuốn tiểu thuyết: “Khóc lên đi hỡi quê hương yêu dấu!”.
- Kể từ bấy đến nay, anh có thấy giọt nước mắt ngày ấy của anh là có tác dụng, hay chỉ là… “nước đổ đầu vịt”?
Câu này nên xin hỏi điện ảnh nước nhà, đừng hỏi tôi!
Cũ rồi, lẩm cẩm rồi, ngớ ngẩn rồi!
- Lúc này, nhớ về “Ai xuôi vạn lý”, “Lưỡi dao”, “Chiếc chìa khóa vàng”,… cảm giác của anh thế nào về những “người lạ quen biết”?
Những bộ phim ấy không bao giờ là “lạ”. Chỉ có khán giả hôm nay đã “lạ” đi rất nhiều, rất xa.
- Được coi là “chiếu trên”, là hy vọng cho giấc mơ điện ảnh Việt đi ra thế giới, là tên tuổi của những nhà làm phim độc lập với những bộ phim nghệ thuật. Câu này có khiến anh... cười khẩy?
Vừa rồi có một nhà làm phim nổi tiếng ở Mỹ sang Việt Nam dạy ba ngày đã nói: “Nếu bạn làm một phim có giải quốc tế thì thế nào cũng có, vì hiện nay trên trái đất số giải có khi còn nhiều hơn số phim”. Đấy là số phận của những phim nghệ thuật!
Vậy hàm ý của cái “cười khẩy” ấy là: “Phim nghệ thuật thì đây cũng chả lạ gì, nhé! Nhưng thử phá kỷ lục của Gái nhảy xem!”
Hàm ý của tôi nếu có cũng không đơn giản thế!
- May ra thì những Vũ Ngọc Đãng, Dũng khùng, Charlie Nguyễn mới không bị anh “cười khẩy” nhỉ, vì những “Bỗng dưng muốn khóc”, “Long ruồi”,… tóm lại, những phim bán được vé?
Bỗng dưng muốn khóc thì “ok” ...
- Với anh, đã đến lúc nói 3 chữ “cũng thường thôi” với kỷ lục “Gái nhảy”?
Câu hỏi này dở lắm! Bỏ đi!
- Người từng giữ kỷ lục về doanh thu vì sao chưa tự phá kỷ lục của chính mình mà để người khác phá?
Cũ rồi, lẩm cẩm rồi, ngớ ngẩn rồi!
Tội của tôi là làm cho điện ảnh Việt bớt sang trọng
- Anh nghĩ “công” của anh là gì? Là người đầu tiên đưa ra khái niệm “phim… khán giả” (thay vì phim tác giả) ở Việt Nam hay là đưa đến sự tự tin: Phim nội cũng có thể chọi phim ngoại?
Tôi chẳng biết công ở đâu nhưng tội thì đã rõ ràng. Đó là làm cho điện ảnh bớt “sang trọng và cao quý”.
- Nhưng “tội” của anh với chính… anh thì sao, có phải là đã làm mất đi một Lê Hoàng của “Lưỡi dao”, “Ai xuôi vạn lý”…?
Tội của tôi rất nhiều và nhiều tội cũng đáng chém đầu nhưng không phải trong lĩnh vực điện ảnh.
- Tới lúc này, anh thấy nhớ phim nào nhất của mình?
Phim hay nhất của tôi là phim Lưỡi dao.
- Anh biên tập “phác thảo chân dung” này nhé: “Những tưởng sau khi “Ai xuôi vạn lý”, người đó sẽ dong thuyền ra biển với những thước phim nghệ thuật, thì lại bất ngờ quay về phố, chuyển qua xe gắn máy để luồn lách ngõ ngách, ghé chợ cho tiện với những bộ phim giải trí, chiều lòng khán giả. Và nếu bằng xe gắn máy thì làm sao còn có thể quay lại biển, trừ khi có… phao”?
Xe gắn máy bây giờ hay nổ lắm. Khi nổ sẽ tan ra thành những hạt bụi. Nước mưa sẽ cuốn bụi ra sông rồi ra biển.
- Anh nói “bi kịch của Phú Quang là Hà Nội mở rộng, còn Phú Quang thì không”. Còn bi kịch của anh thì sao? Sài Gòn có “Sư Vạn Hạnh kéo dài”, Hà Nội có “Liễu Giai kéo dài”, còn Lê Hoàng thì… không thể “kéo dài” ư?
Lê Hoàng đã dài rồi! Nhìn chân thì biết!
Có những phim rất đáng đưa ra thế giới, nhưng là… thế giới bên kia!
- Không đưa được phim Việt ra thế giới, hỏi thật, anh có thấy… áy náy? Hay anh cho rằng đó là việc của những người trẻ?
Thế giới nào và phim nào? Có nhiều phim hiện nay quả là rất đáng đưa ra thế giới, đưa khẩn cấp nhưng là… thế giới bên kia, trong đó có phim Lê Hoàng.
- Riêng anh thì đã “xong việc” với điện ảnh Việt Nam sau “bộ phim để đời” “Gái nhảy”? Dạy cho các nhà làm phim Việt Nam: “Phim cần có khán giả!” là đủ rồi?
Gái nhảy mà để đời à? Sao bạn nghĩ đời đơn giản thế?
- Và những bộ phim sau đó của anh có ít khán giả đi, hay khiến người xem chuyển kênh thì cũng… không sao, bởi đã có viên kim cương “Gái nhảy” trên chiếc vương miện của Lê Hoàng?
Vương miện chỉ dành cho hoa hậu chứ tôi chưa bao giờ đội.
- Câu “chế” này anh thấy có “chuẩn không cần chỉnh” không: “Ngày nay có anh Lê Hoàng – Phim thì thậm dở, viết/ nói thì thậm hay”?
Câu chế ấy có thể không sai nhưng… dở quá!
- Cái câu “cần uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” theo anh có đáng? Nhờ đâu mà anh ngoa ngoắt nhưng ít sơ sẩy nhỉ?
Việc gì phải uốn lưỡi! Chỉ cần uốn cái đầu thôi!
- Nhiều người cho rằng để “đối thoại với Lê Hoàng” thì Lê Khánh xem ra không “ngang cơ”?
Lê Khánh thì thông minh lắm đấy! Người khác cứ ngồi vào vị trí đó thử xem.
- Cái tên của “talk show” này theo anh có kêu quá, hay với cái tên Lê Hoàng lúc này, đó là lựa chọn khôn ngoan để câu khán giả?
Tôi có phải giun đâu, khán giả có phải cá đâu mà đòi câu!
- Theo anh người ta có thể đứng ở đâu (để được an toàn) trong cuộc giao tranh giữa sở trường và sở đoản?
Đứng ở nhà đóng chặt cửa lại!
- Được – mất, trong quan niệm của anh?
Tôi không có quan niệm về hai vấn đề này.
- Anh muốn được là “Hoàng”, là “vua” trên lãnh địa nào?
Tôi muốn làm Hoàng tử đẹp trai.
Đẹp