Ta, một kẻ cô đơn, một gã thèm yêu, khát được yêu. Một gã “bóng” cô đơn.
Ta đã suy tư bao tháng năm để đủ dũng cảm vào ngày ông Công, ông Táo nói sự thật với họ: “Cha mẹ có yêu con không?”, “Sao con hỏi vậy?”, “Cha mẹ ơi, con là đồng tính. Con yêu đàn ông”.
Ta làm cha mẹ hoảng loạn. Cả bầu trời đêm ập xuống đầu họ. Biết bao nhiêu năm ta đã lao vào học hành, sự nghiệp, công việc để cố chèn ép những ham muốn yêu đương. Thế nhưng ta cũng đã yêu say đắm, đã si tình, đã thất bại và ta vẫn thèm yêu.
Ta đâu ngờ cái đêm Táo quân bay đi đã mang theo hết cả hạnh phúc gia đình ta. Ta đưa họ đến sự xấu hổ, ô uế. Nước mắt mẹ chảy dài: “Mẹ có tội với Trời, mẹ van con hãy suy nghĩ lại!”. Cha uống rượu một mình, hết chén này đến chén khác. Ông cũng nghĩ mình có tội. Ôi trời ơi! Họ có tội gì? Ta có tội gì?
Ta muốn gào thét thật to và chạy biến. Ta không khóc ra nước mắt. Hai bàn tay đan vào nhau, ta nhìn đăm đăm vào đĩa thịt gà đầy ắp với hai cái đùi nạc trắc. Những chiếc đùi gà mẹ luôn dành cho ta. “Con ăn đùi đi để mai sau chạy khỏe”. Chạy đi đâu đây mẹ ơi ? Hai bắp chân của ta giật giật tù túng như hai chân gà bị trói trặt trước khi làm thịt.
Cái im lặng bị phá tan bởi giọng nhẹ nhàng quyết đoán của mẹ: “Ngày mai, con đưa mẹ đi giải hạn…”. Cha ta chỉ bâng quơ: “Ngày mai bớt chút thời gian đi mua đào, quất Tết…”. Trong ta vẫn là câu nói của chính mình: “Con là gay, là đồng tính luyến ái, con yêu đàn ông”.
Không thể ăn tiếp trong cái không khí nghẹt thở, ta xin phép họ ra ngoài. Họ không ngăn cản. Thế là ta lang thang suốt đêm, hết ngõ này đến phố kia.
Ta tạt qua những điểm “chơi” của những kẻ cô đơn, thèm được yêu, được đụng chạm. Những ánh mắt nhìn nhau, những cái hôn vội vã, chếnh choáng yêu đương dưới “cây chín gốc” bên bờ hồ. Thỏa mãn. Lo sợ. Ta đến phố quán Con gà đẻ trứng vàng mà không muốn dừng lại bước chân. Chỉ một cái đánh mắt vào trong quán, liếc qua những bóng khách bên trong là tim ta đã bị nhồi nhét bởi bao kỷ niệm.
Cái Tết đã lầm lũi ra đi. Cái Tết buồn nhất trong cuộc đời ta. Ta nằm co ro trong chăn, giả vờ như ốm. Mùa đông đến và vĩnh viễn ở lại. Ta mường tượng những làn pháo hoa bay lên trong tiếng reo hò, khen ngợi, những vòng tay ôm eo, những mái đầu ngả vào nhau và cả biết bao nụ hôn nóng bỏng thăng cùng pháo hoa. Ta lại tìm đến những mảnh đời khô quạnh như ta nằm đây, đang ôm chăn gối, thú bông chờ cái những phút chót của năm qua đi. Ta nghĩ đến những kẻ không tình yêu cố vui khi những bông pháo bay lên. Sau phút giao thừa họ lại đi tìm chính mình trong các quán bar, lắc lư trong các âm thanh nhạc sàn, cạn sạch các ly rượu mạnh, lấp liếm cái cô đơn để rồi khi ánh đèn nhà bar bừng sáng mời khách ra về, họ giấu mình trong những chiếc áo mùa đông, lách mình ra ngoài cửa. Không biết đi đâu, về đâu. Những ánh mắt ngơ ngác nhìn nhau. Đi tiếp hay về? Đi đâu khi các quán đã im ắng thu mình sau khung cửa? Về đâu khi chỉ có cái lạnh lẽo và thờ ơ của căn phòng đang chờ?
Đã có những năm tháng, ta hạnh phúc nhường nào khi yêu và được anh ấy yêu. Anh ấy đã bỏ ta để đi theo qui luật của cuộc sống. Sức ép của nghề nghiệp, gia đình, của những ánh mắt cộng đồng đã mạnh hơn tình yêu ta gửi trọn cho anh, mạnh hơn cả tình yêu với bao hứa hẹn anh trao. Anh đi lấy vợ! “Chúng ta phải chia tay, đây sẽ là Valentine cuối cùng anh bên em” - Quyết định của anh thật phũ phàng. Người đã đạp ta xuống đại dương. Cái lúc đó sao ta thấy căm ghét đàn bà đến vậy?
Ta lại giận dữ với số phận ta trớ trêu. Ai đã nghĩ ra và đặt tên cho những kẻ như ta là “bóng”? Thật tủi hờn khi ta mãi vẫn chỉ là cái bóng của người đời, núp dưới cái bóng của một thằng đàn ông “thực thụ” để lầm lũi sống, làm việc, yêu, giận hờn, nhẫn nhục. Ước sao ta chỉ là bóng của chính ta. Bóng là ta, ta là bóng, là “nhân”. Không lộ, không chìm, không phải né tránh những cái nhìn miệt thị, soi mói.
Valentine cuối đó cũng không đến. Người đã tránh mặt ta trước khi người lên xe hoa. Ta biết người khóc và cả ta nữa, để lại sau ta là những mùa Valentine trống trải. Ta lầm lũi trong mưa bụi. Một đôi tình nhân nắm tay nhau. Ta nhoẻn miệng cười cay đắng.
Dân Trí