Vừa qua, Hoàng Hòa Bình đã tốt nghiệp đại học Văn hóa Hà Nội với tổng điểm 8,28 – là một trong123 thủ khoa đầu ra được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tuyên dương. Không những thế, cô còn được chọn là gương mặt đại diện cho các bạn thủ khoa xuất sắc phát biểu trong buổi lễ vinh danh diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám tối 25/8.
Nữ thủ khoa xinh đẹp Hoàng Hòa Bình (ở giữa) - Ảnh: Tuấn Mark.
"Anh" Hòa Bình
Dù có vẻ ngoài rất nữ tính và xinh đẹp, nhưng do tên gọi khá đặc biệt nên cô thủ khoa nhiều lần bị lầm tưởng là con trai và được gọi bằng anh.
Nhớ lại kỷ niệm vui gắn liền với cái tên của mình, Hòa Bình kể: “Rất nhiều thầy giáo khi gọi mình lên bảng đã tưởng mình là con trai. Đặc biệt, trong ngày làm thủ tục dự thi đại học, giám thị cũng rất vô tư gọi “Anh Hoàng Hòa Bình”, lúc mình đứng dậy, cả phòng cười rộ vì hóa ra lại là con gái”.
Nữ tính và xinh đẹp nhưng không ít lần Hòa Bình bị nhầm là con trai.
Nữ thủ khoa hào hứng chia sẻ: “Dù có những lúc gặp rắc rối nhưng mình lại thấy thú vị, vì ít nhất được mọi người quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, mình không nghĩ cái tên Hòa Bình thiếu nữ tính. Bằng chứng là cả thế giới đều lấy chim bồ câu làm biểu tượng của hòa bình.
Ngoài ra, một sự thú vị nho nhỏ đó là bố mình tên Thống Nhất nên đã quyết định đặt tên con là Hòa Bình. Bên cạnh đó, ai cũng biết Hà Nội được thế giới vinh danh là thành phố hòa bình. Vì vậy mình rất tự hào với cái tên của mình”.
Năng động, đa tài
Là con gái lại rất thích văn chương nên cô thủ khoa này rất ham đọc sách, hễ có quyển nào hay, được mọi người giới thiệu là Hòa Bình tìm đọc. Bên cạnh các đầu sách nghiên cứu văn hoá phục vụ cho việc học, cô thích các tác phẩm văn học, những truyện ngắn mang giá trị nhân văn cao. Lúc bé, Hòa Bình say mê Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Không gia đình, Nanh trắng... Sau này, cô thích các tác phẩm của Nam Cao, Cánh đồng bất tận hay Mãi mãi tuổi 20, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm...
Nhưng không vì thế mà Hòa Bình trở thành “con mọt sách”. Cô luôn được bạn bè trong lớp biết đến là một lớp trưởng năng động, vừa học giỏi, vừa hăng hái tham gia hoạt động của lớp, trường và các hoạt động cộng đồng khác.
Hòa Bình tham gia rất nhiều hoạt động của trường, lớp.
Hòa Bình cho biết ngoài việc học, cô còn là diễn viên múa trong đội văn nghệ của trường từng đi biểu diễn giao lưu với đồng bào Việt Nam tại Lào, Thái Lan. Hòa Bình cũng từng tự xuất các video clip ca nhạc về Hà Nội, những hình ảnh đẹp tri ân thầy cô giáo nhân ngày 20/11, tổ chức cuộc thi ảnh qua Internet… Đăc biệt, cô bạn này từng “rinh” giải khuyến khích cuộc thi nhiếp ảnh với chủ đề Mái trường tôi yêu do CLB Nhiếp ảnh đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức.
Dù tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, nhưng hiện tại, Hòa Bình vẫn đang tập trung ôn thi cao học sẽ diễn ra vào tuần tới.
Khi được hỏi với một nữ sinh năng động, ngoại hình ưa nhìn, đa tài liệu Hòa Bình sẽ chọn nghề nghiệp như thế nào? Nữ thủ khoa thẳng thắn chia sẻ: “Mình muốn được làm việc trong cơ quan nhà nước, phù hợp với chuyên ngành đã học. Bởi hiện tại, Nhà nước ta cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi dành cho thủ khoa. Hơn nữa theo cảm nhận của bản thân mình, các cơ quan nhà nước của chúng ta trong tiến trình cải cách, đổi mới cũng không còn xơ cứng, quan liêu như mọi người vẫn nghĩ”.
Được mời tham dự chuỗi sự kiện vinh danh thủ khoa đầu ra xuất sắc của thành phố Hà Nội, Hòa Bình tỏ ra rất tiếc nuối vì bận việc gia đình nên không thể tham dự tất cả các hoạt động. Nhưng đối với cô những ngày được giao lưu với các bạn thủ khoa của nhiều trường là kỷ niệm không bao giờ quên.
Cô là một trong 123 thủ khoa đầu ra xuất sắc của Hà Nội được vinh danh - Ảnh: Tuấn Mark.
Để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng cô chính là khi cả đoàn cùng vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được xem lại đoạn băng tư liệu trước khi Người ra đi rất cảm động, khiến nhiều bạn đã không kìm được nước mắt.
Hòa Bình chia sẻ: “Mình cũng như các bạn tân thủ khoa khác đều cảm thấy hãnh diện và vui mừng được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, bổ ích trong những ngày qua. Niềm vinh dự lớn lao này chính là hành trang, nguồn động lực quý giá, thôi thúc chúng mình tiếp bước, phấn đấu trưởng thành trên chặng đường tiếp theo, góp phần xây dựng phát triển thủ đô và đất nước”.
“Tôi yêu Việt Nam”
Là sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Văn hóa học, và mong muốn được đi ra nước ngoài nhưng Hòa Bình vui vẻ nói: “Mặc dù nhiều nước hiện đại và phát triển hơn Việt Nam, nhưng nếu sau này đi du học mình vẫn sẽ quay lại quê hương để làm việc và sinh sống. Bởi mình thích ăn cơm Việt Nam nhất”. Đã từng đặt chân đến một vài nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… nhưng đối với cô văn hóa Việt Nam luôn có sức hút kỳ diệu.
Ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng cô gái trẻ đó là ngày Tết cổ truyền dân tộc, khi được cảm nhận sự ấm áp của không khí gia đình, quây quần cùng cả nhà đón giao thừa, đi thăm họ hàng, người thân, đem đến cảm giác bình yên và hạnh phúc. “Mình tin chắc không thể có được những cảm xúc đặc biệt như vậy ở bất kỳ một quốc gia nào khác”, Hòa Bình khẳng định.
Nữ thủ khoa này rất yêu văn hóa và đất nước mình.
Cô gái này cũng cho biết nếu có cơ hội ra nước ngoài học tập sẽ mang hình tượng áo dài và món phở để quảng bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Nhớ lại kỷ niệm gần đây, khi đặt chân lên xứ sở kim chi, Hòa Bình đã mang theo các nguyên liệu từ Hà Nội, tự tay chế biến món phở và được bạn bè đến từ nhiều quốc gia thích thú, khen ngợi ẩm thực Việt Nam.
Cảm nhận về văn hóa dân tộc, nữ thủ khoa cho biết: “Mình cảm thấy tự hào vì Việt Nam có rất nhiều nét đẹp trong văn hoá, như tình cảm yêu thương con người, tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần kiên cường, chăm chỉ, tinh thần hiếu học... Những nét tinh hoa văn hoá này đã tồn tại và lưu truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình và trở thành tính cách đặc trưng của dân tộc.
Tuy nhiên, cũng còn một số hủ tục, dù ít nhưng có lẽ không còn thích hợp trong xã hội hiện đại và nên được thanh lọc, như trọng nam khinh nữ, ăn nhậu liên miên, sự thiếu tự tin và chuộng cái lạ”.
Vì vậy, để giữ gìn những bản sắc tốt đẹp của dân tộc, Hòa Bình cho rằng cần phát huy vai trò của gia đình. Bởi truyền thống gắn liền với dòng chảy của gia đình, từ đời này qua đời khác. Bằng tình cảm ruột thịt, chính cha mẹ là người truyền lại cho con cái tình yêu quê hương đất nước, dạy cho con biết lễ nghĩa và những điều hay lẽ phải, hướng tới những giá trị nhân văn, nhân nghĩa để trở thành con người chân chính, đóng góp cho xã hội.
Theo Tri Thức