Không chỉ ấn tượng bởi thành tích học tập xuất sắc, cô nữ sinh người gốc Quảng Đông – Trung Quốc Lầu Mai Trang còn thu hút người đối diện bởi khả năng kể chuyện và diễn thuyết của mình cùng nụ cười tươi rói luôn thường trực trên môi.
Trong danh sách 123 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc đại học tại Hà Nội năm nay, có một nữ sinh là người gốc Trung Quốc với cái tên rất “lạ”: Lầu Mai Trang. Trang sinh năm 1991, học ngành sư phạm hóa học, trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội. Trang mang hai dòng máu Trung và Việt trong người bởi ông nội em là người Trung Quốc, bà nội người Việt và đặc biệt ông bà ngoại em là người gốc Tràng An, Hà Thành.
Dù thành tích thủ khoa xuất sắc là mơ ước của bao nhiêu bạn trẻ, song Trang luôn khiêm tốn cho rằng, tất cả những gì mình có hôm nay là do mình may mắn đã chọn đúng con đường, đúng niềm đam mê của mình để theo đuổi.
“Cuộc sống nơi giảng đường đại học là một bước ngoặt hoàn toàn khác trong cuộc đời em. Nếu như hồi học phổ thông, em chỉ biết mỗi việc học thì tự nhiên khi bước vào đại học, em thay đổi gần như 180 độ quan điểm. Em bắt đầu vừa học, vừa làm, vừa chơi, và đặc biệt tham gia vào các hoạt động ngoại khóa của khoa, trường, lớp. Em cho rằng nếu chỉ biết học không thì sẽ mất hết ý nghĩa của thời sinh viên, của tuổi trẻ. Với em, cái gì cũng phải cân bằng thì cuộc sống mới vui tươi, sôi động”, Trang chia sẻ.
Lầu Mai Trang (ở giữa) cùng với các thủ khoa đầu ra đại học của các trường.
Chính cuộc sống mới mẻ nơi giảng đường này đã giúp Trang phát hiện ra khả năng ăn nói, diễn thuyết, dẫn chương trình của mình. Suốt những năm đại học, Trang đã làm MC cho rất nhiều cuộc thi, chương trình của khoa, trường, như các cuộc thi Olympic hóa học của khoa, các chương trình giao lưu của trường, khoa… Trang còn kiêm nhiệm chức vụ hội trưởng hội sinh viên lớp, ủy viên hội sinh viên khoa, tham gia nhiệt tình các cuộc thi nghiệp vụ sư phạm, cuộc thi tìm kiếm tài năng sinh viên của trường…
Có thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa đáng nể như vậy nhưng Trang không thích người khác nói về mình nhiều. Trang quan niệm, hãy cứ theo đuổi đam mê, thành công sẽ đến với mình. Có nhiều con đường cho một thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc đại học như Trang, như đi du học hay vào làm cho các doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài… song ước mơ của Trang vẫn là gắn bó với nghề dạy học dù đó là cơ quan Nhà nước hay ở bất kỳ nơi đâu.
Ngay từ hồi là sinh viên năm nhất, Trang đã làm gia sư môn hóa học cho các em học sinh cấp 2, 3 và chưa bao giờ Trang mệt mỏi với nghề. Niềm vui của Trang là được nhìn thấy các học trò của mình ngày càng tiến bộ hơn trong môn hóa và yêu thích môn này. Có những học sinh trước khi đến học với Trang rơi vào tình trạng “mất gốc” môn này và phụ huynh chỉ mong gia sư lấy lại căn bản cho con mình, nhưng ai ngờ chỉ hơn nửa năm theo học “cô Trang”, điểm tổng kết môn hóa của các em đã đạt loại khá.
Có những gia đình mấy anh chị em đều theo học Trang. Với cô thủ khoa này, nghề dạy học ngoài việc truyền kiến thức cho học sinh thì việc truyền cảm hứng để các em yêu thích môn học cũng rất quan trọng. Trang cũng không hề giấu diếm khi cho biết, thu nhập từ việc dạy thêm của em mỗi tháng khoảng trên dưới chục triệu đồng, giúp em tự lập về tài chính của mình ngay từ năm thứ nhất.
Nhìn cô thủ khoa xinh tươi, cởi mở, tự tin, lại có một quan điểm và cách sống mà nhiều người phải nể phục, ai cũng nghĩ chắc Trang có một nền tảng gia đình vững chắc và hoàn hảo hậu thuẫn phía sau. Nhưng ít ai biết rằng, Trang có những ngày tháng tuổi thơ không êm đềm. Gia đình tan vỡ, bố mẹ ly thân từ khi Trang còn nhỏ. Ba mẹ con Trang (sau Trang là một cô em gái) về sống cùng bà ngoại trong một căn nhà hình tam giác chỉ rộng chừng hơn 10m2 ở ngõ Thọ Xương (phố cổ Hà Nội). Ba mẹ con Trang sống chủ yếu nhờ cửa hàng tạp hóa nhỏ của bà.
Trang đã ở đó cho tới năm thứ 3 đại học. Cuộc sống bức bí đã khiến bà ngoại em quyết định bán căn nhà hương hỏa mà cụ kỵ để lại và lấy số tiền này để mua hai căn nhà khác rộng rãi hơn ngoài khu vực phố cổ. Bây giờ, cuộc sống khấm khá hơn, mỗi lần nhớ lại kỷ niệm cũ, Trang vẫn không thể không thốt lên cái câu “thời đó khổ ơi là khổ”. Trang tâm sự, nếu cho em một điều ước, em vẫn ước gì ba mẹ em sống hạnh phúc bên nhau. Đôi khi Trang cũng thấy chạnh lòng vì gia đình đổ vỡ, không trọn vẹn.
Tuy nhiên, với Trang, cái gì cũng có hai mặt của nó. Chính hoàn cảnh khó khăn đó lại là động lực rất lớn để em cố gắng và đạt được những thành tích như ngày hôm nay. Đồng thời, em cũng luôn ý thức được rằng, dù đam mê công việc nhưng mình cũng cần sống cân bằng về mọi thứ, để chuẩn bị hành trang tốt cho mình bước vào những giai đoạn sau này của cuộc đời.
Theo Nguoiduatin.vn