Những cô gái "PR" ("PR" ở đây không phải hiểu theo nghĩa thông thường là quan hệ công chúng, viết tắt của cụm từ Public Relations) mà là một cách gọi cho "lịch sự" nhằm ám chỉ những cô gái bia ôm.
Chỉ cần ngồi chơi, ăn uống với khách độ khoảng 2 tiếng đồng hồ mỗi bàn tiệc là mỗi cô có thể kiếm được từ 200 - 500 ngàn đồng tùy theo nhan sắc và "nhiệt tình phục vụ" hay không.
Một số sinh viên là "PR" của một quán nhậu bị kiểm tra
Hiện nay, khá nhiều các quán nhậu, nhà hàng thuộc dạng "nhạy cảm" trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có đội ngũ tiếp viên là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Trong số này, đa phần là các em có hoàn cảnh khó khăn, đi làm kiếm tiền trang trải việc học hành để ba mẹ bớt gánh lo. Phần còn lại, một lượng sinh viên không nhỏ, không bức xúc chuyện tiền nong nhưng do thích đua đòi, kiếm tiền để sắm xe cộ, áo quần đẹp, điện thoại di động đắt tiền… dần dà bị lún sâu vào con đường tệ nạn.
Dễ dãi để kiếm tiền "boa"
Tr.C. nằm trên đường Điện Biên Phủ (quận 3) có thể nói là một trong những nhà hàng thuộc dạng đắt khách nhất hiện nay ở khu vực trung tâm TP.Hồ Chí Minh. Một trong những lý do chính mà nơi này đắt khách là có lượng tiếp viên hùng hậu tuổi mười chín, đôi mươi xinh như mộng.
Mà quan trọng hơn, phần đông trong đó là sinh viên vốn rất được lòng các thực khách, nhất là những người lắm tiền, nhiều của. Các cô gái sinh viên này ai cũng xinh đẹp, chỉ cần lượn lờ qua lại kết hợp với nghệ thuật rót bia chạm nhẹ vào người khách là đã kiếm vài trăm ngàn tiền "boa". Những cô khôn ngoan hơn thì bóp vai, nhổ tóc sâu… thế là đã có bạc triệu.
H., quê Đồng Tháp, một sinh viên của Trường ĐH H.B. trông giống như người mẫu không giấu giếm cho biết, một bàn khách mà cô tiếp kiếm "bèo" lắm cũng năm trăm ngàn. Mỗi ca (từ 17 đến 22h) cô tiếp ít nhất là 2 bàn, kiếm 1 triệu đồng bỏ túi. Chính vì vậy mà từ gần 1 năm nay gần như ngày nào cô cũng đi làm để thực hiện "ước mơ" là mua 1 chiếc xe LX đi học cho… "bằng chị bằng em".
Tôi hỏi làm như vậy thì thời gian đâu đi học, H. bảo, rớt thì từ từ thi lại, còn kiếm tiền mới là quan trọng để sau này có vốn mà làm ăn… "Nhà em cũng bình thường chứ không nghèo nhưng em muốn kiếm tiền để tự lo cho mình.
Biết em làm có tiền ba mẹ mừng lắm vì như vậy sẽ dồn sức lo cho hai em của em được đầy đủ hơn" - H. tự hào khoe. Bên cạnh quán Tr.C., nhiều quán nhậu, nhà hàng khu vực nội ô TP.Hồ Chí Minh cũng tuyển sinh viên làm đội ngũ tiếp viên chủ lực cũng giống như mô hình của quán Tr.C và trên thực tế đạt hiệu quả khá cao.
Ở khu vực ngoại thành, sinh viên đi làm tiếp viên quán nhậu với số lượng đông đảo tập trung ở quận 9 và Thủ Đức. Vì nơi đây có Trường Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp nằm rải rác khắp địa bàn.
Tôi thử đi tìm hiểu một số nhà hàng, quán nhậu nằm ở khu vực làng Đại học thuộc phường Bình Thọ, quận Thủ Đức thì thấy có trên 50% nhân viên phục vụ là sinh viên, trong đó số lượng sinh viên nữ chiếm đa số. Cũng giống như khu vực nội thành, khá nhiều sinh viên đi làm ở khu vực này cũng với mục đích là kiếm thêm tiền để mua sắm đồ đẹp, điện thoại iPhone, máy iPad… chứ không phải do nghèo khó.
Q., sinh viên năm 2 của Trường CĐCN, bật mí: "Lúc em mới đi làm, thấy khách ở phòng lạnh hay chọc ghẹo nhân viên, em sợ lắm nên chỉ xin phục vụ ở sân vườn. Nhưng ở sân vườn thì chủ yếu là khách gia đình nên chẳng có tiền "boa", trong khi tiếp viên phòng lạnh kiếm "bèo" cũng được hai trăm ngàn một ngày.
Thấy tiếc quá nên em làm liều xin vào phòng lạnh. Thấy em e ấp, sợ sệt mấy ông khách càng thích thú và "boa" nhiều hơn. Bây giờ thì em quen rồi nhưng thi thoảng cũng giả nai để kiếm nhiều tiền".
Anh Nam, quản lý quán nhậu T.H. ở phường Linh Trung (Thủ Đức) cho biết: "Khu vực này bây giờ rất dễ tìm phục vụ nữ, chỉ cần treo bảng là có khối sinh viên đến xin làm. Các em bây giờ dạn dĩ lắm chứ không còn e ấp, ngại ngùng như xưa".
Ảnh minh họa
Lún sâu bởi ma lực của đồng tiền
H., quê Vĩnh Long trước đây là nhân viên phục vụ cho quán nhậu K. nằm trên địa bàn phường Bình Thọ, quận Thủ Đức. Tuy mỗi ngày kiếm tiền "boa" từ 100-200 ngàn đồng nhưng cô phải phục vụ bưng bê, rót bia cho khách suốt cả buổi làm.
Trong khi đó những cô gái "PR" ("PR" ở đây không phải hiểu theo nghĩa thông thường là quan hệ công chúng, viết tắt của cụm từ Public Relations) mà là một cách gọi cho "lịch sự" nhằm ám chỉ những cô gái bia ôm. Chỉ cần ngồi chơi, ăn uống với khách độ khoảng 2 tiếng đồng hồ mỗi bàn tiệc là mỗi cô có thể kiếm được từ 200 - 500 ngàn đồng tùy theo nhan sắc và "nhiệt tình phục vụ" hay không.
Do tham tiền, lại thấy mình đủ sức trở thành một "PR" ăn khách, H. xin làm "PR" và lập tức được người quản lý "ok" ngay. Từ khi trở thành "PR", H. luôn được khách săn đón và "boa" rất hào phóng, có khi được cả 2 vé (200USD) trong một lần tiếp khách. Sau hơn 6 tháng làm "PR", H. mua xe tay ga, sắm điện thoại di động Galaxy, ăn mặc đồ hiệu và thường xuyên… "đi khách". Không chỉ vậy mà H. còn lôi kéo nhiều bạn bè cùng học lao vào thế giới của tiền "boa" để rồi trở thành gái mại dâm từ lúc nào chẳng rõ…
Sau khi biết được trường hợp của H. và nhóm bạn, tôi đi tìm hiểu nhiều quán nhậu, nhà hàng ở nội ngoại thành thì biết được rằng tình trạng nói trên không phải là ít. Mà để lý giải nguyên nhân thì chẳng có gì là khó. Bởi lẽ, do trong thời gian còn đi học các sinh viên này kiếm tiền mỗi tháng có khi đến hàng chục triệu đồng nên khi tốt nghiệp ra trường, vào làm việc cho các công ty xí nghiệp lương cao lắm cũng chỉ vài triệu đồng mỗi tháng mà phải lo công việc túi bụi. Chính vì vậy mà hầu hết họ đều bỏ làm và quay về nghề cũ.
D., sinh viên của trường CĐHQ trước đây là "PR" cho một số quán nhậu nằm trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh. Sau khi tốt nghiệp ngành kế toán, cô quyết tâm "làm lại cuộc đời" bằng cách xin vào làm kế toán cho một công ty xây dựng với mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng. Vào làm việc mới được 5 ngày cô đã bỏ ngang một phần vì nhớ… bia, một phần vì không có tiền để chưng diện, ăn xài.
Bên cạnh những sinh viên đã lỡ sa chân vào thế giới tệ nạn, trong vài năm trở lại đây, do tình hình kinh tế khó khăn chung, nhiều sinh viên khi tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm cũng đầu quân cho các quán nhậu để chờ cơ hội.
Do sợ cha mẹ ở quê không cho làm công việc này nhiều em nói dối làm ở công ty này, công ty nọ với mức lương cao để cha mẹ không ép về quê. Đến lúc làm có nhiều tiền, các em gửi về cho cha mẹ để nở mặt nở mày với hàng xóm láng giềng. Vì đã lỡ "phóng lao" nên sau đó các cô này khó có thể sống bằng nghề chân chính của một người trí thức…
Theo Công An Nhân Dân