Sự thay đổi của đời sống ở Việt Nam trong 1, 2 thập niên vừa qua là to lớn biết nhường nào. Để cảm nhận điều này một cách trực quan, Đất Việt liệt kê một số vật dụng mà cách đây 15-20 năm là biểu tượng của sự thời thượng trong giới trẻ, nhưng đến ngày nay đã hoàn toàn bị lãng quên. Nhìn lại những hình ảnh của chúng, hẳn rất nhiều người thuộc thế hệ 7x, 8x sẽ cảm thấy ký ức như ùa về, nhưng thế hệ 9x thì hầu như “vô cảm”.
Hiếm có đứa trẻ nào sống ở các thành phố Việt Nam đầu thập kỷ 1990 lại không mê mẩn với "điện tử 4 nút", một sản phẩm "huyền thoại" của hãng Nintendo - Nhật Bản. Bộ trò chơi này gồm một đầu điện tử và hai tay cầm và các băng trò chơi. Có thể chơi một hoặc hai người, nhưng “sướng” nhất vẫn là chơi hai người, theo kiểu đồng đội hoặc đôi khi là đối kháng với nhau.
Dù ngày nay công nghệ tin học đã phát triển vượt bậc, các trò chơi điện tử trở nên vô cùng đa dạng và hấp dẫn, nhưng cái cảm giác “lâng lâng” khi chơi những trò chơi như bắn xe tăng, “Contra”, Mario, bắn chuông… trên điện tử 4 nút thập niên 1990 là điều không thể nào lặp lại.
Máy điện tử Brick game đã thực sự tạo nên một cuộc cách mạng trong các phương tiện giải trí cầm tay từ những năm 1993 - 1994. Hiếm có cô cậu học sinh nào thời đó không bị “hút hồn” vào màn hình đen trắng của chiếc máy này trong nỗ lực chinh phục đỉnh cao của trò chơi “xếp gạch”. Các phiên bản về sau của Brick game còn có thể các trò khác như đấm bốc hay đua xe.
Khi trào lưu Brick game bắt đầu lắng dịu thì đến năm 1996, “gà ảo” Tamagotchi lại gây sóng gió. Chiếc máy điện tử nhỏ xíu này cho phép người chơi chăm sóc những con vật cưng của mình như gà, mèo, chó hay… khủng long. Để mạnh khỏe và trưởng thành, con vật “ảo” đòi hòi phải được cho ăn, vệ sinh, nô đùa… thường xuyên. Khi “vật cưng” bị ốm thì chủ lo ngay ngáy và lỡ “ngủm củ tỏi” thì có khi buồn mấy ngày. Bởi vậy, dù bị nhà trường cấm nhưng nhiều cô bé, cậu bè vẫn mang Tamagotchi tới lớp để lén lút “chăm sóc” trong giờ học.
Những chiếc băng cassette hoàn toàn thống lĩnh thị trường âm nhạc trong những đầu thập niên 1990, khi đĩa nhựa còn chưa phổ biến. Cùng với việc phát triển kỹ thuật số và sự ra đời những kỹ thuật ghi âm, ghi hình hiện đại như dùng đĩa CD, DVD, giờ đây băng cassette đã chìm vào quên lãng.
Trong “kỷ nguyên” của băng cassette, cậu học trò nào được sở hữu một chiếc máy Walkman (máy nghe băng cassette cầm tay của Sony) thì tha hồ oai với bạn bè. Còn có một chiếc đài cassette để mở nhạc trong phòng thì đúng là “sướng như tiên”.
Nói đến phim ảnh trong thời kỳ này là nói đến những cuốn băng video to như cục gạch. Cũng như băng casette, băng video có thể dùng để ghi đi ghi lại nhiều lần những chương trình mình ưa thích. Chưởng Tàu, hành động Mỹ là thể loại phim mà hầu như những đứa trẻ nào cũng mê.
Băng video được xem bằng đầu video, một vật dụng khá xa xỉ mà nhiều gia đình cố sắm lấy một bộ để bày ở phòng khách. Cùng với sự thịnh hành của băng video là sự nở rộ của những hàng cho thuê băng. Giá thuê thường là 1.000 đồng 1 ngày.
Vào thời buổi sơ khai của tin học, những chiếc đĩa mềm có dung lượng 1,44MB là một phép màu, giúp người dùng có thể copy được ảnh, trò chơi, tài liệu, phần mềm… vào chiếc máy tính cá nhân của mình. Sau nhiều năm “hấp hối” trước sự phát triển của các loại hình lưu trữ tin học khác, chiếc đĩa này đã chính thức bị khai tử vào năm 2010.
Trò chơi trên máy tính đầu những năm 1990 rất nhẹ nhàng và đơn giản, nhưng sự hứng thú mà chúng đem lại là... bất tận.
Trong thập niên 1990, có được một chiếc máy ảnh du lịch chụp phim là niềm mơ ước của rất nhiều người. Giờ đây chúng đã hoàn toàn bị thay thế bởi những chiếc máy ảnh kỹ thuật số.
Đất Việt