“Thôi, em ở nhà đi. Lần này mọi người đăng ký đông quá, em theo sẽ rất mệt”. Thoạt đầu, tôi không thấy có gì bất thường trong câu trả lời của chồng. Chẳng qua, vì thấy công việc trong tuần cũng không nhiều, với lại cũng tại thằng Sơn, con trai đầu của chúng tôi thấy ba chuẩn bị đi nghỉ mát thì trêu mẹ: “Sao mẹ không đi với ba? Con thấy công ty của ba có nhiều cô đẹp lắm”. Tôi lườm con: “Chỉ được cái nói bậy!”. Thằng bé bật cười: “Để rồi mẹ coi”.
Lâu lắm rồi tôi không có dịp đi chơi riêng với chồng con. Thời khóa biểu của hai vợ chồng lúc nào cũng tréo ngoe. Khi tôi rảnh thì Quang bận và ngược lại. Hai đứa nhỏ lại càng khó. Suốt năm, chúng chỉ biết chúi mũi vào chuyện học. Ngày thường học thì không nói làm gì; đằng này, đến hè cũng học, Tết cũng học. Trong khi đó, công ty của Quang hết tổ chức cho nhân viên nghỉ cuối tháng, cuối quý lại cuối năm. Tôi chỉ còn biết nhìn anh mà ganh tị. Công việc của tôi ở trung tâm dạy nghề tuy không căng thẳng nhưng lúc nào cũng có việc để làm.
“Em đi nữa”. Thường thì khi nghe vậy, dù biết chắc là tôi không đi nhưng anh cũng sốt sắng: “Ừ, đi đi. Làm việc thì cũng phải có lúc nghỉ ngơi, vui chơi chứ!”. Thế nhưng lần này, anh lại không như vậy. Công ty tổ chức cho nhân viên đi nghỉ mát thường niên ở Đà Lạt 3 ngày. Sau khi nghe thằng con “xúi biểu”, tôi buột miệng: “Em đi nữa”. Nhưng tôi vừa dứt lời, anh đã gạt đi với lý do lần này mọi người đăng ký đi nhiều nên việc đi đứng, ăn ở sẽ không chu đáo. “Vậy thôi. Anh cứ đi chơi với mọi người”.
Quang đi hôm trước thì hôm sau, tôi nhận được một tin nhắn từ số máy lạ hoắc: “Chồng chị đang ăn nem ở Đà Lạt”. Mới đầu, tôi cứ tưởng ai đó nhắn nhầm vô máy mình nhưng sau đó, lại có thêm tin nhắn thứ hai, thứ ba với cùng nội dung. Bán tin, bán nghi tôi gọi điện cho chồng. “Ò í e... số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được...”.
Gọi năm lần, bảy lượt vẫn như thế. Tôi bắt đầu thấy lo nên lục lọi danh bạ để tìm số máy của những người quen. Đây rồi. Tôi gọi cho trưởng phòng kinh doanh. Liên lạc vẫn thông suốt. “Chắc điện thoại của giám đốc hết pin chị à. Để em nhắn lại với anh ấy cho chị”- trưởng phòng kinh doanh nhiệt tình bảo. Tôi căn dặn: “Em bảo với anh ấy là có việc gấp lắm”.
Nhưng tôi đã phải chờ đến nửa ngày mới có điện thoại. Bên kia đầu dây là Tuấn, trưởng phòng tổ chức: “Anh Quang bị trượt chân khi trèo lên thác nước... Chị cứ yên tâm. Tôi sẽ lo cho anh ấy”. Yên tâm làm sao được chứ? Tôi bảo thằng Sơn: “Con ở nhà trông em được không?”. Thằng bé sốt sắng: “Mẹ yên tâm. Con lớn rồi mà”.
Tôi sắp xếp chuyện nhà, chuyện cơ quan rồi thuê xe đi liền. Lúc đó đã gần 2 giờ chiều. Tôi gọi điện cho Tuấn và biết Quang vẫn còn ở bệnh viện. Anh tài xế biết tôi đang sốt ruột nên phóng rất nhanh đến nỗi tôi phải ngăn lại: “Tôi không gấp đâu. Anh cứ chạy bình thường, đừng phóng nhanh như vậy”.
Chúng tôi đến nơi thì đã gần 9 giờ tối. Đưa tôi đến thẳng bệnh viện, anh tài xế hỏi: “Có phải chờ chị về không?”. Chưa biết tình hình của anh thế nào nên tôi dặn anh ta chờ một lát để nếu cần chuyển anh về thành phố thì sẽ có xe đi ngay.
Câu trả lời của anh như một nhát roi quất vào lòng tôi... (Ảnh minh họa)
Quang chỉ bị chấn thương phần mềm nhưng các bác sĩ vẫn yêu cầu phải nằm lại để theo dõi. Trông thấy vợ, anh ngạc nhiên: “Sao em biết?”. Tôi thấy mặt chồng tím bầm, sưng húp: “Em gọi điện không nghe anh trả lời nên hỏi anh em trong đoàn. Họ bảo anh bị trượt chân ngã. Em lo quá nên lên xem anh thế nào”. Quang khẽ nhíu mày: “Em bỏ mấy đứa nhỏ ở nhà cho ai? Anh có sao đâu...”.
Tôi chưa kịp trả lời thì một người y tá bước vào bảo Tuấn: “Anh đi đóng tiền để chụp CT cho cô Thanh”. Trưởng phòng tổ chức có vẻ bối rối: “Chị ở đây với ảnh, tôi qua xem cô Thanh thế nào”. Tôi ngạc nhiên, không hiểu vì sao lại có đến hai người bị nạn trong vụ té ngã này nhưng không tiện hỏi chồng. Dường như Quang cũng đã nhận ra điều đó. Anh nhăn mặt rên rỉ rồi kêu đau đầu và buồn ngủ. Tôi bảo: “Anh ngủ đi, để em ra dặn xe khỏi chờ”.
Trả tiền, cảm ơn anh tài xế xong, tôi không về phòng chồng mình mà đi tìm Tuấn. Có lẽ nhìn vẻ mặt tôi căng thẳng, Tuấn biết khó lòng mà nói dối nên thú thật: “Anh Quang với cô Thanh thuê xe đi chơi riêng, không may bị tai nạn...”. Tôi bỗng thấy tay chân mình lạnh ngắt, mãi lát sau mới nói được: “Có ai biết chuyện này nữa không?”. Tuấn trả lời mà không nhìn thẳng vào mặt tôi: “Mọi người đều biết”. “Từ khi nào?”. Anh trưởng phòng tổ chức dáo dác nhìn quanh rồi hạ giọng: “Dạ, lâu lắm rồi…”.
Vậy ra, chỉ có một mình tôi không biết!
Nhưng tôi không nói gì cho đến khi về tới Sài Gòn và những ngày sau đó.
Quang phải chữa trị gần nửa tháng mới lành các vết xây xát trên mặt. Khi những chỗ bị thương lên da non, bắt đầu gây ngứa ngáy khó chịu, anh cứ tần ngần đứng ngắm mình trước gương. Tôi không bỏ qua một cử chỉ nào của anh và tự hỏi, những vết sẹo kia rồi sẽ lành, nhưng vết thương lòng mà anh gây ra cho tôi bao giờ mới chữa lành được đây?
Trong thâm tâm, tôi vẫn mong anh nói thật để tôi có thể tha thứ cho anh một lần. Thế nhưng tôi đã phải chờ đợi quá lâu mà anh vẫn im lặng. “Sao anh không nói gì? Anh có còn là đàn ông không vậy?”- cuối cùng tôi phải lên tiếng. Hơi bất ngờ, song anh trấn tĩnh ngay: “Em muốn nói chuyện cô Thanh ấy à? Chẳng lẽ, anh không có quyền có bạn bè hay sao? Không chỉ cô ấy mà anh còn có rất nhiều cô nữa kìa….”.
Đến lúc đó, chính tôi mới là người ngạc nhiên: “Anh... anh đúng là… vô liêm sĩ”. “Em nói gì, nói lại coi? - anh chồm lên- Tất cả đàn ông trên đời này đều như vậy chớ không riêng gì anh. Thử hỏi thằng Tuấn, thằng Phong coi. Em đừng có quan trọng hóa vấn đề”.
Đến nước này thì tôi không biết nói gì. Câu trả lời của anh như một nhát roi quất vào lòng tôi. Có phải tôi đã quan trọng hóa vấn đề? Có phải tất cả đàn ông trên đời đều như thế?
Người Lao Động