Những lời này của con khiến tôi giật mình. Bất giác tôi không dám nhìn con bởi sợ nó sẽ đọc được suy nghĩ của mình. “Thôi, con lên phòng học bài đi, mẹ có việc phải đi một lát”. Con bé căn dặn: “Mẹ đi cẩn thận nghe”.
Hôm nay tôi có cuộc hẹn với anh ta. Một người mà tôi cũng không biết gọi là gì cho đúng với bản chất mối quan hệ giữa chúng tôi. Số phận thật trớ trêu. Mười lăm năm qua, tôi đã an phận, đã để tuổi xuân trôi qua một cách vô vị và tự nhủ với lòng, đó là sự sắp bày của tạo hóa. Thế mà, giờ đây, khi con cái đã lớn và mọi việc tưởng không gì có thể làm đảo lộn thì tôi lại để lòng rạo rực yêu thương như thể tôi đã bước ngược thời gian, như thể tôi đang quay về quá khứ.
Lấy chồng năm hai mươi tuổi, tôi vẫn chưa đủ khôn ngoan để hiểu, quãng đường trước mặt sẽ dài bao nhiêu. Chồng tôi là thần tượng của giới trẻ và của chính tôi. Thời chiến tranh anh đã vào tù ra khám, đã bị tra tấn đến chết đi sống lại. Chính vì điều đó mà cái khoảng cách gần 20 tuổi giữa chúng tôi dường như có một thứ hào quang khác lấp đầy.
Đám cưới xong, tôi có cảm giác anh có vấn đề trong sinh hoạt vợ chồng. Nhưng khi đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là anh đang có bệnh và sẽ chữa khỏi. Đã là vợ chồng thì phải đi với nhau đến cuối cuộc đời. Tôi còn biết bao thời gian để tận hưởng, để yêu thương...
Rồi có một lần, ba tôi từ quê mang lên cho hai vợ chồng một lồng chim se sẻ. Tôi thắc mắc: “Ba lấy đâu ra nhiều chim như vậy? Con đâu có ăn thịt chim mà ba đem lên?”. Ông cụ nói, đó là chim để phóng sinh rồi mang lên sân thượng để đó. Hôm ông về, tôi không thấy lồng chim đâu nữa nên cứ đinh ninh chúng đã được phóng sinh.
Ít lâu sau, tôi có thai con bé đầu lòng. Đó quả là một điều kỳ diệu bởi những lần vợ chồng gần gũi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đáng nói là trong những lần ấy, tôi chưa bao giờ cảm nhận được, chuyện ân ái là một điều tuyệt diệu đến nỗi vì nó mà ông Adam và bà Eva phải chấp nhận rời khỏi vườn địa đàng.
Tôi sinh con bé đầu lòng đủ ngày, đủ tháng. Nhưng nó không được lanh lẹ như những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi. Mẹ tôi bảo: “Con đầu lòng thường khờ hơn những đứa sau con à”. Con bé chỉ hơi chậm chạp một tí nhưng vẫn lớn lên bình thường. Khi nó được 3 tuổi, chồng tôi bỗng muốn có thêm một đứa con trai. Lại thấy cha xách một lồng chim se sẻ lên nhưng giờ đây tôi đã biết, chẳng phải để phóng sinh cầu phúc đức cho con cháu mà là để làm một món thuốc gì đó cho anh.
Lần này, tôi lại có thai. Nhưng đứa bé sinh ra không phải con trai. Chồng tôi có vẻ thất vọng nhưng ba tôi nói: “Như vậy là có phước lắm rồi. Ba còn tưởng là tụi bây không thể có con...”. Nói đến đây, ông cụ bỗng im bặt. Dường như ông thấy mình đã lỡ lời.
Hai đứa con là niềm vui, nỗi buồn, sự vất vả của tôi. Vì chúng, tôi chấp nhận gác lại tất cả: học hành, việc làm, giao tiếp ngoài xã hội, giải trí, vui chơi... Tôi tự biến mình thành nô lệ của gia đình. Với tôi, 2 cô con gái là tất cả những gì đẹp đẽ nhất mà tôi có thể tìm được trong cuộc đời này.
Khi chúng đến tuổi đi mẫu giáo, anh bảo: “Anh sẽ nhờ người quen gởi con vào trường Quốc tế. Ở đó, toàn là con cái của các quan chức ngoại giao. Con mình sẽ có điều kiện tiếp xúc với thế giới văn minh sớm hơn những đứa trẻ khác”. Nghe anh nói vậy, tôi ngạc nhiên: “Nói như anh thì tất cả trẻ con khác, kể cả chúng ta đều phải sống trong thế giới mê muội à? Nếu em không nhớ lầm, thì hồi trước anh rất ghét bọn họ kia mà?”. Anh cười giả lả: “Bây giờ mở cửa rồi, phải suy nghĩ cho thoáng. Sớm muộn gì mình cũng phải hội nhập”. Tôi phải công nhận, với tôi, anh là người đầu tiên dạy cho biết một khái niệm hoàn toàn mới mẻ lúc ấy: Hội nhập.
Anh làm giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, liên tục đi công tác nước ngoài. Thỉnh thoảng, tôi lại được anh đưa đi cùng. Paris, London, Tokyo... tôi đều đã đến. Bao nhiêu thứ cao lương mỹ vị có trên đời, tôi đều đã được nếm qua. Những sản vật quý giá mà trước đây tôi chỉ biết qua sách vở thì nay đã có mặt trong phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp của chúng tôi. Đó là quà tặng của nhân viên, của bạn bè và những người được anh giúp đỡ.
Tất cả những thứ đó đã bù đắp cho tôi những thiệt thòi của một cuộc hôn nhân không có sự thỏa mãn của xác thịt. Lắm lúc tôi cũng thấy lòng rạo rực khi đọc một quyển sách, xem một bộ phim có những đoạn, những cảnh diễn tả tình yêu trai gái. Nhưng rồi tôi lại nhủ lòng: Được cái này, mất cái kia.
Cứ thế, tôi đã bỏ trôi quãng đời tươi đẹp nhất của mình. Cho đến ngày tôi gặp người ấy trong bữa tiệc tất niên của công ty. Dù mới gặp nhau lần đầu nhưng ánh mắt anh ta nhìn tôi như soi thấu tâm can. Những ngày sau đó, chúng tôi lại gặp nhau. Anh ta đã một lần đổ vỡ. Còn tôi thì không hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng. Tự nhiên chúng tôi thành tri kỷ.
Và điều gì phải đến, đã đến. Tôi đã lên giường với anh ta. Sự tủi hổ ngập tràn cũng không khỏa lấp được nỗi ngất ngây hạnh phúc mà anh ta mang đến. “Ai cũng biết chồng em không có khả năng làm chồng. Tại sao em lại phải hi sinh, chịu đựng?”- anh ta rủ rỉ. Khoảnh khắc ấy, chính tôi cũng nghĩ như vậy...
Nhưng khi quay về ngôi nhà thân yêu của mình, lòng tôi lại tràn ngập cảm giác tội lỗi. Tôi đã tự giày vò vì không giữ được mình trước sự cám dỗ trần tục ấy. Chồng tôi không nhận ra bất cứ sự thay đổi nào của vợ. Có lẽ đối với anh, có những thứ khác còn quan trọng hơn là một người vợ. Chưa bao giờ anh hỏi đến cảm xúc của tôi. Suốt bao nhiêu năm chồng vợ, tôi như một món đồ trang sức mà anh dành để trưng bày và khi cần thì đem khoe với bạn bè…
“Tới rồi chị à” - người tài xế taxi quay xuống nhắc lại lần nữa. Tôi giật mình. Trước mặt tôi là con hẻm nhỏ. Đi sâu vào trong đó có một ngôi nhà. Tôi đã nhiều lần đến đấy với một người đàn ông lạ… Nhưng lần này tôi lại chần chừ. Tôi nhớ đến lời con gái và câu chuyện của nó. Có phải tôi đã quá ích kỷ, thậm chí độc ác khi không nghĩ đến những điều sẽ xảy ra với con trẻ khi mọi chuyện vỡ lỡ? Thậm chí, nếu không ai biết thì liệu tôi có đủ thanh thản để đối diện với chồng con hay không?
Chuông điện thoại reo. Tôi nhìn số máy của anh ta hiện lên. Đã quá giờ hẹn 15 phút. Bất giác tôi thấy một cảm giác tủi hổ tràn ngập trong lòng. “Anh cho xe chạy tiếp đi, tôi nhớ sai địa chỉ rồi”- tôi bảo anh tài xế.
Tối đó tôi đã ngồi một mình trong quán cà phê. Tôi ngồi không biết bao lâu cho đến khi chuông điện thoại lại đổ vang. “Mẹ ơi, khuya quá rồi sao mẹ không về? Con đang chờ cửa. Em đợi mẹ không được nên đã ngủ rồi”- tiếng con gái kéo tôi về với thực tại.
Tôi thất thểu ra về. Tôi không biết phải làm sao để vứt bỏ cảm giác tội lỗi và cũng không biết phải làm sao để vứt bỏ hình ảnh người đàn ông lạ ra khỏi tâm trí của mình…
Người Lao Động