Suốt một thời gian dài phải chịu cơn bốc hỏa, đau nửa đầu, người mệt mỏi… tôi thay đổi tâm tính, hay cáu gắt, bực bội. Lúc đầu thông cảm với bệnh “TMK” (tiền mãn kinh) của tôi, chồng con cố chịu đựng. Nhiều đêm khó ngủ, chồng “khều” tôi vì muốn được “yêu” nhưng mệt mỏi và không còn hứng thú nên tôi tìm cách lẩn tránh.
Nhiều lần vì thương chồng tôi cũng cố gắng “chiều” ông ấy nhưng thật khổ khi phải làm cái thứ nghĩa vụ mà mình chẳng có chút hứng thú nào. Biết tôi đang gặp trục trặc về chuyện chăn gối, chồng tôi khuyên nên vào thành phố tìm bác sĩ chuyên khoa khám. Nhưng tôi thấy ngại ngùng và cứ lần lữa để thời gian trôi đi. Tôi nào ngờ sự vô tình, hờ hững của mình đã dẫn đến kết cục buồn hôm nay.
Cứ nghĩ chồng lớn hơn tôi đến 10 tuổi, lại bị bệnh huyết áp cao và nhiều bệnh vặt khác nên nhu cầu về chuyện chăn gối giảm, tôi chủ quan, ít quan tâm đến ông ấy. Thậm chí tôi chẳng hề mảy may nghi ngờ ông ấy có thể đi kiếm “phở” ăn thêm khi thèm. Cho đến một ngày ông ấy bị sốt cao viêm phổi nặng, không thể ngồi dậy ăn cơm được, tôi phải “chăm sóc đặc biệt”. Trong lúc ông ấy ngủ thiếp đi, tôi thấy có tin nhắn trong điện thoại nên đọc và không thể tin vào mắt mình: “Anh đã khỏe chưa? Hôm nào hết bệnh thì đến với em nhé. Chờ gặp anh yêu…”. Đầu tôi như quay cuồng, tai ù đi, sự bức xúc ào đến bất ngờ khiến tôi hét lên: “Lâu nay, ông đóng kịch giỏi quá! Ông đèo bòng, dan díu với đứa nào mà dám công khai hẹn hò?” Thấy tôi nổi cơn tam bành, chồng tôi cố gượng dậy và cúi gục xuống thành giường, lí nhí nói lời xin lỗi vợ con.
Vẫn biết, chuyện chồng đi tòm tem có một phần lỗi của mình nhưng
tôi cảm thấy hụt hẫng, chán nản quá (Ảnh minh họa)
Tôi gọi các con về và tuyên bố, mẹ sẽ chia tay ngay với bố. Quả bom bất ngờ phát nổ, gây chấn thương nặng cho mọi thành viên trong nhà. Tôi cảm thẩy suy sụp như vừa rơi xuống vực thẳm, bỏ mặc ông ấy cho con cái chăm nom. Buồn quá, tôi tìm về quê ngoại chơi cả tháng. Hết bệnh, ông ấy tìm về quê và năn nỉ tôi trở về để ông ấy thú tội. Tôi cương quyết không chịu làm lành và tiếp tục dọa chia tay, đường ai nấy đi. Thế nhưng, sau những buổi nói chuyện, chồng tôi đã thật thà thú tội rằng người nhắn tin đó là cô gái bán bia ở một quán nhậu quen. Lúc đầu, họ chỉ quen nhau theo kiểu “ăn bánh trả tiền” nhưng dần dần quen thân hơn nên đến với nhau nhiều hơn và cô ấy cũng bám chồng tôi chặt hơn. Ông ấy gãi đầu gãi tai nói với tôi: “Tại bà cứ trốn tránh tui nên tui phải đi… ăn phở…”.
Vẫn biết, chuyện chồng đi tòm tem có một phần lỗi của mình nhưng tôi cảm thấy hụt hẫng, chán nản quá. Thời mình còn xuân sắc, còn sức lực phục vụ chồng thì không sao. Đằng này mình mới bắt đầu “xuống dốc”, mệt mỏi vì nhiều chuyện thì họ lại giở chứng… Tôi phải làm gì đây?
Nguyễn Thị Vân (Đồng Nai)
Chị Vân thân mến!
Theo giới y học, ở tuổi của chị bây giờ vẫn được coi là trẻ chán. Chị hãy trừ đi 10 tuổi, tự xem mình mới 40 thôi và có kế hoạch “tút” lại bản thân, làm cho mình mới ra và trẻ lại chứ. Sự lạc quan, tự tin sẽ giúp chị lấy lại tinh thần để bắt đầu cho kế hoạch mới – kéo chồng lỡ lạc lối tìm về “vườn yêu xưa”.
Ông bà ta thường nói: “Sông có khúc, người có lúc”. Đành rằng chuyện chồng chị lạc lối và đi tìm "cỏ lạ" vào lúc chị đang phải chống chọi với căn bệnh TMK thì cũng đáng trách thật. Không dám vơ đũa cả nắm nhưng đàn ông nào cũng có tật mà. Mình là vợ thì phải khôn khéo tìm ra thuốc đắng mà giã tật, để từ đó kéo chống về. Tôi thấy câu chuyện của vợ chồng chị chưa đến mức nghiêm trọng. Ít ra, chồng chị cũng nhận ra lỗi và đã có thiện chí tạ lỗi thì chị không nên có thái độ cứng rắn, trừng phạt ông nhà quá mức.
Như ông ấy thú tội, nguyên nhân đẩy ông ấy đi tìm “phở” là do chị chưa biết cách chia sẻ với chồng. Đành rằng phụ nữ nào cũng trải qua giai đoạn khủng hoảng tâm sinh lý do mắc hội chứng “tiền mãn kinh”, nhưng đừng viện vào lý do này để “cấm vận” chồng. Y học thời nay rất phát triển và những sản phẩm phục vụ chuyện chăn gối, giải tỏa những trục trặc do thiếu hụt nội tiết tố cũng rất phong phú, nhất là dành cho phụ nữ tuổi trung niên. Vì thế, chị nên chọn một bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cần dùng thuốc nào, cách sử dụng các “công cụ” phù hợp để cải thiện tình trạng “khô hạn – ít ham muốn” của mình.
Kinh nghiệm cho thấy, chị em ở tuổi tiền mãn kinh thường bị sốc khi phát hiện chồng mình đi cải thiện, ăn chả, ăn phở. Thay vì trách mình trước, tìm hiểu nguyên nhân vì sao “chàng lạc lối”, nhiều chị em đùng đùng nổi giận, tuyên bố chia tay. Sự bột phát mang tính bất cần này chỉ làm cho mối quan hệ vợ chồng xấu đi, con cái xấu hổ và đôi khi vẽ đường cho “hươu chạy… luôn”, mất cả chì lẫn chài.
Vì thể để không rơi vào tình cảnh tương tự, bước vào tuổi TMK, chị em cần chuẩn bị tâm lý và biết cách chăm chồng đúng lúc, đừng viện lý do mệt mỏi, khó chịu mà đẩy chồng đi xa. Dùng thuốc bổ “thần dược” hay thuốc đắng đều là bí quyết và nghệ thuật của mỗi bà vợ.
Hạnh Phúc Gia Đình