The Intercept
"The Intercept" là một trò chơi truyền hình của Nga. Trong đó, người chơi được hướng dẫn để lấy cắp một chiếc xe ô tô và phải trốn tránh lực lượng cảnh sát trong 35 phút. Nếu họ có thể trốn thoát thì chiếc xe chính là phần thưởng nhận được. Tuy nhiên, việc người chơi chiến thắng là điều gần như bất khả thi bởi một lý do đơn giản: những chiếc xe có gắn thiết bị theo dõi.
The Price Is Right
Vòng chung kết của "The Price Is Right" là sự cạnh tranh của 2 người chơi nhằm giành được một bộ sản phẩm giá trị mà chương trình đưa ra để đoán giá. Người chơi phải đoán đúng hoặc thấp hơn giá trị thực tế không quá nhiều.
Gameshow này đã có nhiều phiên bản trên thế giới và cũng có những người thắng vòng chung kết. Tuy nhiên, để đưa ra giá đúng 100% thì quả là một sự kiện hy hữu. Dù vậy, điều đó đã xảy ra. Vào ngày 22/9/2008, Terry Kneiss đã khiến khán giả tại trường quay và người xem truyền hình bất ngờ khi đưa ra giá chính xác tới đơn vị nhỏ nhất (23.743 USD). Nhiều người cho đó là một sự sắp đặt hay gian lận nhưng thực tế thì không phải vậy. Terry Kneiss chỉ đơn giản là một khán giả trung thành của chương trình, ông đã theo dõi nhiều năm, nhận ra rằng một số sản phẩm được lặp lại và ghi nhớ giá của chúng. Điều may mắn là bộ sản phẩm mà ông đoán giá bao gồm những thứ mà ông quen thuộc và con số 743 USD lẻ đó là do Terry Kneiss đọc ngẫu nhiên số báo danh của mình.
Amaan Ramazan
"Amaan Ramazan" là một gameshow của Pakistan. Người chơi có thể chiến thắng các giải thưởng như máy tính xách tay, smartphone…bằng việc trả lời các câu hỏi về đạo Hồi. Chương trình được dẫn dắt bởi Aamir Liaquat Hussain, một trong những nhân vật truyền hình nổi tiếng nhất tại quốc gia này. Sẽ không có gì đáng nói về chương trình nếu như không có phần thưởng gây tranh cãi trong các số phát sóng vào tháng thánh lễ Ramadan (kéo dài từ 9/7 – 7/8/2013). Aamir Liaquat Hussain đã khiến khán giả truyền hình sốc khi công bố giải thưởng là những đứa trẻ mồ côi. Mặc dù, chương trình đã nhận được sự đồng ý của người chơi trong các số đó và của nơi có trách nhiệm nuôi dưỡng những đứa trẻ nhưng việc này vẫn vấp phải nhiều chỉ trích từ dư luận. Tuy nhiên, bên cạnh sự phản đối thì chương trình cũng nhận được nhiều lời cảm thông khi cho rằng đó là một cách để cứu mạng các em nhỏ bởi số lượng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở Pakistan rất nhiều.
Cash Cab
"Cash Cab" là một chương trình đố vui có thưởng, trong đó tài xế sẽ mời hành khách lên xe và họ trở thành người chơi của chương trình. Phiên bản Canada của "Cash Cab" đã vướng vào một vụ bê bối nghiêm trọng trong năm 2011 khi chiếc xe được sử dụng để ghi hình đã gây tai nạn và làm một người qua đường 61 tuổi thiệt mạng. Sự việc xảy ra khi một trong những nhà sản xuất lái xe về gara sau khi quay phim.
Who Wants To Be a Millionaire?
"Who Wants To Be a Millionaire?" là một gameshow được yêu thích và có nhiều phiên bản trên thế giới. Người đầu tiên trong phiên bản Mỹ trả lời được câu hỏi cuối cùng là John Carpenter khi tham gia chương trình vào ngày 19/11/1999. Khi câu hỏi hiện lên, anh yêu cầu sự trợ giúp “Gọi điện thoại cho người thân” và nhờ chương trình kết nối với bố mình. Tuy nhiên, điều đặc biệt là John không gọi để xin trợ giúp mà chỉ để thông báo cho bố anh rằng mình đang ở câu hỏi "triệu đô" và sẽ chiến thắng. Cuối cùng, John đã hoàn thành một cách trọn vẹn con đường trở thành triệu phú đầu tiên của chương trình này.
Ngoài ra, "Who Wants To Be a Millionaire?" còn có một điều thú vị về sự trợ giúp “Hỏi ý kiến khán giả”. Nếu như ở các phiên bản khác đây là cứu cánh đắc lực cho người chơi khi không rõ câu trả lời thì trong phiên bản Pháp và đặc biệt là phiên bản Nga lại khá oái ăm khi khán giả luôn tìm cách lừa thí sinh và cố ý lựa chọn đáp án sai. Vì vậy, nếu có cơ hội ngồi ghế nóng của chương trình tại Pháp và Nga thì bạn nên cân nhắc khi lựa chọn sự trợ giúp này.
depplus.vn