Cường điệu hóa gây hài, chứ không nhảm
- NSND Thế Anh nhận xét rằng không hiểu vì sao một đạo diễn như Phi Tiến Sơn lại làm một bộ phim như "Xin thề anh nói thật", rằng "Xin thề anh nói thật" khiến ông hắt xì liên tục. Ông nghĩ thế nào về điều này?
- Tôi có đọc bài báo đó. Tôi cho rằng có thể đây là một cách nói hài hước. Bạn hình dung xem, anh ấy hắt xì hơi liên tục khi xem phim thì làm sao hiểu được phim! (cười).
Điều tôi muốn nói ở đây là cách xem phim. Đây là một bộ phim hài, để tạo tiếng cười sảng khoái, để giải trí, rồi sau đó là cảm nhận thông điệp của tác giả. Nếu trầm trọng hóa vấn đề, chăm chăm xem tác giả nói gì không phải là cách xem phim tốt.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho rằng ai chê phim Xin thề anh nói thật của ông nhảm là... đầu người đó có vấn đề
Ai đó thắc mắc tại sao một ông làm phim đứng đắn, giờ lại đi làm thể loại phim này. Tôi xin nói nghệ sĩ bao giờ cũng có mong muốn làm mới mình, thử nghiệm trên nhiều đất khác nhau. Vấn đề là làm tử tế, làm đến cùng. Đã làm phim mảng chính luận thì phải thật mạnh mẽ, đã làm hài hước thì phải cười ra cười.
Phim Xin thề anh nói thật hướng đến giới trẻ, đề cập đến cuộc sống giới trẻ, tạo tiếng cười trẻ trung. Khi làm phim, các bạn diễn viên trẻ rất hào hứng. Bản thân tôi cũng vậy, chưa bao giờ có một đoàn làm phim trẻ trung như đoàn này và tôi thấy hạnh phúc khi được làm cùng họ. Nếu đã chơi thì phải chơi hết lòng, đem niềm vui đến cho những người tham gia cuộc chơi và hưởng thụ cuộc chơi, thế thì tốt quá, tôi chỉ mong thế thôi.
Phản hồi của khán giả trẻ cũng rất khả quan. Tôi cũng cảm thấy vui vì hóa ra mình vẫn có thể làm được phim cho bạn trẻ xem, đấy là điều đáng mừng.
- Từ trước đến nay, ông toàn làm những bộ phim chính luận. Giờ, ông lại quay sang làm một bộ phim bị chê là hài tới mức nhảm như thế này?
- Vì khán giả Việt Nam có nhu cầu hài hước. Cả một kho tiếu lâm xưa và nay của dân tộc ta chứng minh điều đó. Bộ phim này kể về một anh chàng phất pha phất phơ, cả ngày chả chịu làm gì, chỉ nghĩ đến tán các cô gái cũng lăng nhăng vớ vẩn không kém gì anh ta. Một cô ghen tuông quá đáng, ống nhòm lăm lăm trong tay để soi xét rình mò; một cô chân dài ngớ ngẩn đến nỗi nghĩ rằng gọi điện thoại trên máy bay thì bọn khủng bố sẽ làm nổ tung; một cô tuổi teen chỉ mải chơi, không học hành gì; một cô nhà thơ viển vông và mắc bệnh cuồng vĩ; một cô trông trẻ lúc nào cũng lên lớp, dạy đời, ngộ nhận bản thân; một cô lợi dụng đàn ông để đào mỏ… Họ đều thiếu lẽ sống, thiếu lý tưởng. Đó là vấn đề của một bộ phận thanh niên trong xã hội tiêu dùng này, đó là sự cảnh báo.
Việc chỉ ra những thói xấu bằng ngôn ngữ hài là một cách phê phán dễ tiếp nhận. Lên lớp kiểu giáo điều không còn hiệu quả nữa. Giảng giải răn dạy là khán giả tắt vô tuyến luôn. Phê thì phải có “xây”. Vậy điều gì để cứu anh chàng tưởng rằng đã hỏng? Đó là tình yêu, là những bậc phụ huynh hết lòng vì con… Chỉ cần có tình yêu đích thực, nền tảng gia đình, thế hệ đi trước hiểu, gần gũi, thân tình, những khó khăn sẽ được tháo gỡ. Phan Vũ trong phim có một ông bố lý tưởng, chính ông là tấm gương cho tôi.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn làm Xin thề anh nói thật vì nhu cầu hài hước của khán giả Việt
- Nhưng nhiều người lại chê tuyến nhân vật của phim này mờ nhạt, nội dung nhảm và xếp vào “thảm họa phim Việt”. Bị chê thậm tệ như vậy, chắc ông buồn lắm?
- Tôi cho rằng họ chê vì xem phim không kỹ, không đến đầu đến đũa, mới xem một tí đã… “giật mình”. Một bộ phim nói về sự nhảm khác với phim nhảm. Sự nhầm lẫn này thể hiện sự vội vàng, trình độ thẩm mỹ và kiến thức. Ở dòng phim đậm đặc về hài hước, có lẽ Xin thề anh nói thật là phim đầu tiên ở Việt Nam. Những người xem với định kiến trong đầu là phải soi một cái gì đấy, tức là có chủ định sẵn, thì không cười được là đúng rồi.
Chúng tôi đã cố gắng làm một bộ phim tử tế, có nghề, có chất lượng, gần gũi với người xem, hấp dẫn được khán giả trẻ, có nội dung thông điệp rõ ràng. Ai đánh giá là nhảm thì hoặc là người đó không hiểu, hoặc là người đó nhảm. Đánh giá một cái tử tế là nhảm, tức là có vấn đề. Tôi bình tĩnh trước sự chê bai ấy, vì tôi là người từng trải và tôi tự tin vào công việc và khả năng chuyên môn của mình.
Tôi chỉ áy náy với các cộng sự của mình, đặc biệt là diễn viên, nhà sản xuất. Hai diễn viên chính là Danh Tùng và Jennifer Phạm đã đóng hết mình, và trên thực tế đây là những vai hay nhất của họ. Nhưng nhiều báo lại hay lấy các bức hình của họ để làm minh chứng cho những vai diễn nhảm nhí, kém cỏi. Tôi rất áy náy vì đưa bạn mình vào cuộc chơi và họ bị “oan gia”.
Jenifer Phạm rất cố gắng, cô đã phải chia tay đứa con nhỏ nhiều tháng để ra Bắc tham gia đóng phim. Danh Tùng là một người cầu tiến. Khi phim đã hoàn thành mà Tùng vẫn xin được lồng tiếng lại một câu. Đó đoạn lẩy Kiều, trước chỉ là ê a thôi, nhưng Tùng đã đi học một người chuyên lẩy Kiều và cậu ấy làm lại rất ổn. Hào hứng, say sưa đến tận cùng là điều đáng quý, đáng trân trọng ở một nghệ sĩ.
Chưa kể nhà sản xuất gửi niềm tin vào mình, đầu tư một khoản tiền lớn, mong muốn đóng góp cho xã hội và muốn kinh doanh. Báo chí làm cho nhiệt huyết của họ bị ảnh hưởng, thậm chí hoang mang nữa, chưa kể chuyện kinh doanh có thể bị thua thiệt. Về phía đài truyền hình, họ cũng muốn đem lại các món ăn mới, sắc thái mới cho phim Việt. Họ cũng có học, có kinh nghiệm nên mới duyệt phim này. Hơn thế, kịch bản của phim không dưới 100 người đọc, họ đều thấy tâm huyết, vui vẻ, nhiệt tình, hào hứng. Họ là những người đã vài chục năm trong nghề. Lẽ nào khả năng thẩm định của họ lại kém?
Phim bị “đánh nhầm”
Danh Tùng đã bỏ thời gian đi học một người chuyên lẩy Kiều để lồng tiếng cho một đoạn phim cần kĩ thuật này
- Có diễn viên hay đồng nghiệp nào phản hồi với ông sau khi phim phát sóng và bị chê không?
- Đồng nghiệp nói với tôi răng ông hãy xác định đây là một tai nạn, vì phim của ông chiếu đúng vào lúc người ta đang cảnh báo về chất lượng phim Việt, tự nhiên phim của ông lại đứng cạnh phim nọ phim kia. Đây chỉ là bị “đánh nhầm” thôi, may là còn chưa bị đánh hội đồng đấy.
- Ông có cho rằng lý do bộ phim của mình bị “soi” vì nó “đụng hàng” với một phim khác là "Cô dâu đại chiến" không?
- Trùng lặp ý tưởng, mô-tuýp cũng là điều dễ hiểu và hai bộ phim thuộc hai thể loại khác nhau. Tôi không nghĩ ai đó ở bên kia bực bội gì. Đồng nghiệp với nhau, chả ai làm thế đâu!
- Từ việc mổ xẻ chất lượng phim Việt trên sóng VTV, có người đề xuất bỏ giờ vàng phim Việt đi. Ông nghĩ thế nào về việc này?
- Luật Điện ảnh luôn khuyến khích, tạo cơ hội cho phim Việt. Các đài truyền hình cũng năng động và quyết tâm phát triển phim Việt. Chính sách này có rất nhiều cái lợi, đem đến rất nhiều món ăn đến cho khán giả, thậm chí cũng đã có những bữa tiệc. Bước đầu giờ vàng đã tạo được thương hiệu và dần hoàn thiện nó. Tất nhiên, trong một khoảng thời gian ngắn, với một lượng nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên có hạn như vậy thì không tránh được những khó khăn. Đang ở chỗ mỗi năm chỉ sản xuất vài trăm phim, giờ lên đến hàng mấy nghìn phim... nên có ảnh hưởng đến chất lượng. Nếu bỏ, khán giả là người thiệt đầu tiên. Đây sẽ là bài học để những người có trách nhiệm, các nhà sản xuất, những người sáng tạo rút kinh nghiệm để tránh cái ẩu, vội vã, tham lam…
- Có người đổ lỗi rằng phim dở là hậu quả của xã hội hóa. Ông có đồng ý với điều này không?
- Trước tiên phải khẳng định xã hội hóa là một thắng lợi. Chưa lúc nào chúng ta huy động được lực lượng đông các doanh nhân, doanh nghiệp tham gia, sử dụng đồng vốn, trách nhiệm công dân… nhiều như vậy trong lĩnh vực này. Xã hội hóa cũng tạo sự phong phú, nhiều thể loại.
- Tới đây, ông có dự định gì với điện ảnh?
- Tôi đang xem có cái gì na ná Xin thề anh nói thật để làm tiếp (cười). Phim hài bao giờ cũng trẻ trung, vui nhộn, mọi người rất hào hứng và thực ra nó tốt cho cuộc sống. Làm phim mà không ai nói gì thì chán chết, thà có người chê còn tốt hơn là trôi đi trong im lặng.
Đất Việt