Điểm mạnh của phim là nhiều tình tiết gây cười xuất phát từ thói trăng hoa của nhân vật chính. Nhưng điểm mạnh này cũng là điểm yếu khi tiếng cười còn nhạt và chưa thuyết phục.
Thiếu cá tính
Phan Vũ không tránh khỏi trở thành con rối, loay hoay giữa rừng “người tình” |
Trước tiên, tác giả quá tham lam khi tạo ra đến bảy cô tình nhân xoay quanh anh chàng Phan Vũ để rồi không thể “chăm sóc” được hết các cô. Tuy lực lượng hùng hậu nhưng hầu hết đều bày tỏ tình cảm một cách giống nhau là gọi điện truy lùng người yêu, nhưng không bao giờ đụng nhau. Tính cách các cô cũng tương tự: ghen tuông, chua ngoa, đanh đá, nhưng không cô nào có đặc điểm nổi bật để có thể gây ấn tượng.
Thậm chí, một vài cô còn xuất hiện nhạt nhòa, chỉ thoáng qua trong một vài phân cảnh với vai trò chọc cười mà không có lý do tồn tại. Với việc “quăng” ra bảy cô gái làng nhàng cả về tính cách, thân thế và ngoại hình, thật dễ hiểu vì sao mọi diễn biến trong cuộc tình tay bảy này đều hời hợt và kém duyên.
Riêng chàng “Don Juan” của phim được mô tả là một kẻ có “gu” khá tạp nham. Anh ta cặp bồ với mọi đối tượng, từ người quét dọn cho đến người mẫu vơ đét, từ em bé tuổi teen cho đến bà chị quá lứa lỡ thì, mà không cần biết động cơ là gì. Với một đội ngũ người tình đa dạng như vậy, thật khó mà vẽ ra chân dung của anh chàng này. Và lẽ đương nhiên, Phan Vũ không tránh khỏi trở thành con rối, loay hoay giữa rừng “người tình” ấy.
Bị “ngu hóa”
Việc quá dễ dãi trong cách xây dựng nhân vật lại khiến bộ phim chẳng khác gì những màn tấu hài. |
Lỗi nặng tiếp theo là làm “ngu hóa” nhân vật. Đành rằng phim có ý dùng lối kể thậm xưng, nhưng dẫu sao, cái thậm xưng ấy cũng cần phải dựa trên nền tảng logic. Rất nhiều nhân vật trong phim đã bị đặt vào tình trạng “thiếu i-ốt”. Chẳng hạn, cô bạn gái dễ dàng tin người yêu đang trò chuyện điện thoại với mình khi đi máy bay. Nghe tiếng bong bóng kẹo cao su vỡ, cô tưởng máy bay nổ nên đau khổ đi mua hoa về cúng cho người yêu. Khi phát hiện anh bồ cuộn tròn trong tấm bạt để trốn mình, cô lại mừng rỡ vì nghĩ anh ta vừa nhảy dù xuống từ chiếc máy bay bị nổ.
Một cô bồ khác thì ngây ngây thơ thơ, đeo trên đầu chiếc mũ tai thỏ đến tìm người yêu để vòi vĩnh được hôn như trong phim, rồi sau đó nhanh chóng bị người yêu đẩy ra khỏi nhà cũng vì “trong phim người ta thường làm thế”. Ngay cả cô nàng Bảo Lâm (Jennifer Phạm) được xem là thông minh nhất phim cũng bị làm cho ngờ nghệch khi đến chỗ hẹn làm việc ở một bãi đất hoang thay vì ở văn phòng công ty. Những chi tiết hài cố tạo này khiến khán giả không biết nên cười hay nên khóc!
Chưa trưởng thành
Trong phim không hề thấy bóng dáng của những người trưởng thành, dù họ đều là người lớn. |
Một khán giả bức xúc: “Tôi thật không hiểu vì sao phim có các diễn viên gạo cội và nổi tiếng tham gia mà lại nhí nhố đến thế”. Trong phim không hề thấy bóng dáng của những người trưởng thành, dù họ đều là người lớn. Mẹ Phan Vũ (Hà Xuyên) vì nghi ngờ chồng ngoại tình nên tìm mua vũ khí đánh ghen trong một cửa hàng... đồ chơi. Cha Phan Vũ (Tiến Đạt) luôn rón rén, lấm lét như kẻ trộm vì giấu vợ tham gia vào câu lạc bộ khiêu vũ.
Còn Phan Vũ (Danh Tùng) như một kẻ vô công rồi nghề, suốt ngày chỉ lo đối phó với mấy cô tình nhân, thậm chí phải trốn chui trốn nhủi. Mang tiếng cán bộ ngân hàng mà anh chàng chưa từng nói được một câu về nghiệp vụ. Chưa kể mới qua 1/3 quãng đường, khán giả đã phát mệt với câu cửa miệng: “Anh xin thề là anh nói thật đấy”. Việc lạm dụng thái quá chi tiết này đã đẩy bộ phim tới ngưỡng của sự nhàm chán.
Khán giả đã phát mệt với câu cửa miệng: “Anh xin thề là anh nói thật đấy”. |
Không giống Cô dâu đại chiến
Trước khi phim ra mắt, dư luận đoán rằng Xin thề anh nói thật giống Cô dâu đại chiến vì cùng kể về một anh chàng cặp bồ với nhiều cô gái. Thực tế thì hai phim có nhiều điểm khác biệt. Khác biệt lớn nhất là tư tưởng câu chuyện, một phim phê phán lối sống trăng hoa, trong khi phim kia cổ vũ cho tình yêu đích thực. Chính tư tưởng khác nhau đã quy định cách thể hiện khác nhau. Nếu Cô dâu đại chiến chia đất diễn đều cho cả 5 cô nhân tình thì Xin thề anh nói thật đặt quan hệ Phan Vũ – Bảo Lâm làm trọng tâm, những cô bồ còn lại chỉ đóng vai trò xúc tác. Kết thúc Cô dâu đại chiến, nhân vật Thái phải trả giá cho thói lăng nhăng của mình, còn kết thúc Xin thề anh nói thật, Phan Vũ đã tìm được tình yêu chân chính.
Xét về bản chất, Xin thề anh nói thật giống Lập trình cho trái tim hơn, với nội dung chính xoay quanh một cặp trai tài gái sắc, ban đầu ghét nhau nhưng cuối cùng lại yêu nhau, sau một thời gian buộc phải làm việc chung trong nhiều dự án. Có điều quan hệ “Khủng long – Cá sấu chúa” trong Lập trình cho trái tim được đặt giữa các đồng nghiệp, còn quan hệ Phan Vũ – Bảo Lâm ở Xin thề anh nói thật được vây quanh bởi những cô bồ.
Theo Đất Việt