Tuy nhiên, đây có là "món ăn" yêu thích của khán giả không bao giờ tiếc thời gian để ngồi trước màn ảnh nhỏ?
Cách đây 3 năm, khi những bộ phim Việt hóa đầu tiên xuất hiện trên màn hình nhỏ có thể nói mang lại cho khán giả trong nước một món ăn mới lạ, trong hoàn cảnh phim nước nhà đang lâm vào tình trạng thiếu thốn vô cùng cả về số lượng và chất lượng, ngoại trừ một số rất ít phim thuộc dòng hình sự được coi là cơn sốt của khán giả. Có thể kể đến những bộ phim gây được thiện cảm với khán giả, nhất là những khán giả trẻ như “Cô gái xấu xí” được Việt hóa từ bộ phim “Ugly Betty” của Bồ Đào Nha, “Ngôi nhà hạnh phúc” chuyển thể từ “Full house” của Hàn Quốc. Nhưng những bộ phim được lòng khán giả như vậy và khiến khán giả ngồi hàng giờ “dán” chặt mắt vào màn hình, chấp nhận ngay cả những đoạn quảng cáo đan xen có thời lượng dài gần bằng bộ phim cũng chỉ dừng lại ở đó mà không có thêm. Mặc dù phim Việt hóa sau đó cứ ra đời “sòn sòn” do thấy “ăn khách” như những phim: “Những người độc thân vui vẻ” chuyển thể từ “Chung cư vui vẻ” của Trung Quốc, “Có lẽ ta yêu nhau” phiên bản của “Anh em sinh đôi” của Hàn Quốc.
Cảnh trong phim "Cầu vồng tình yêu"
Trở lại với những phim thu hút được sự chú ý của khán giả đã được phát sóng trước đây: “Cô gái xấu xí” hay “Ngôi nhà hạnh phúc”. Ở những phim này, đặc biệt là “Cô gái xấu xí”, dẫu mang gốc gác của một quốc gia có nền văn hóa có thể nói là “ngược 180o” với Việt Nam, song khi Việt hóa nó đã gây thiện cảm bởi khán giả ít nhiều nhận thấy suy nghĩ, hành động của những nhân vật trong phim rất giống đời thực mà họ đã chứng kiến, thậm chí là chính họ. Cụ thể như nhân vật “Cô gái xấu xí” do Ngọc Hiệp thủ vai, với tính cách nhẫn nhịn, nghèo mà không hèn hay sự đấu tranh, dằn vặt với chính bản thân để cuối cùng lấy phương châm: “Người mình yêu hạnh phúc là mình hạnh phúc” chi phối cho mọi hành động, ứng xử của mình… của nhân vật đã được khán giả đồng cảm vì đó chính là tính cách của nhiều phụ nữ Việt Nam. Hay nhân vật phản diện do Phi Thanh Vân đóng, sự “chơi xấu”, đỏng đảnh, cơ hội… của nhân vật này đã được “điển hình hóa” từ con người thực, việc thực trong đời sống thế nên khi xem, khán giả “sống” với nhân vật ngay. Chưa kể đến là kịch tính ở trong phim được phát triển lôgic, phù hợp, biết khơi dậy trí tò mò của khán giả, mặc dù một vài chi tiết còn bất hợp lý nhưng chỉ rất nhỏ nên được các ưu điểm của tổng thể bộ phim xóa nhòa đi.
“Ngôi nhà hạnh phúc” cũng vậy, tính tình ngang ngạnh của chàng công tử con nhà giàu nhưng đa tình (Lương Mạnh Hải diễn xuất) đã khiến đông đảo khán giả trẻ chao đảo. Bởi nhân vật này, trong “cộng đồng” của họ không “hiếm có khó tìm”. Tất nhiên, để có được tình cảm, sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả đối với những bộ phim như vậy cũng như sự sống còn của nhân vật còn phải do diễn xuất của diễn viên. Nhưng không có “gốc” thì làm sao có “ngọn”. Cho nên “gốc” là kịch bản ở đây phải “ổn”, phải Việt hóa được thì mới làm được môi trường, không khí cho diễn viên là “ngọn” thăng hoa.
Vì ít nhất khi xem phim, người ta thấy kịch bản không Việt hóa được để rồi tạo nên một “đứa con” không có dòng giống, chỉ có mỗi tên, đất nước đang sống là của Việt Nam. Còn hành động, tư duy, văn hóa là của một nơi nào không rõ, ngay “gốc gác”, nơi xuất xứ của bộ phim cũng không phải. Phải chăng chủ đích của tác giả như vậy? Tuy nhiên, nếu như vậy, thì bộ phim việc gì phải Việt hóa, xem phim gốc còn hay hơn, hấp dẫn hơn, giúp người xem hiểu rõ hơn về văn hóa, nếp nghĩ… của nước bạn. Bởi vậy chỉ có thể khẳng định: Việt hóa phim nước ngoài của ta… kém. Như bộ phim “Những người độc thân vui vẻ” (chuyển thể từ “Chung cư vui vẻ” của Trung Quốc) quy tụ toàn “cây hài” nức tiếng miền Bắc như Chí Trung, Quốc Khánh, Vân Dung… thế mà, xem phim đến hàng chục tập vẫn chẳng hiểu nội dung muốn nói gì, nụ cười mà phim muốn “cù” khán giả thì nhạt nhẽo đến nỗi như bị… tra tấn. Cho nên dừng phát sóng bộ phim dù chưa chiếu hết cũng là một quyết định đúng.
“Cầu vồng tình yêu” đang phát sóng cũng vậy, được quảng cáo rầm rộ như phim “bom tấn” khiến khán giả hồi hộp, háo hức chờ đón. Nhưng xem rồi mới thấy hóa ra chân lý từ trước tới nay vẫn không bao giờ sai rằng từ quảng cáo đến thực tế vẫn là một khoảng cách rất xa. Bởi vậy, chỉ có xem thực tế mới biết phim hay hay dở. Cái dở nhất của phim “Cầu vồng tình yêu” là bi kịch bị đẩy thái quá, thiếu thực tế, chẳng hạn, cái chết của người cụ vốn sống đã rất thọ lại khiến cho đám chắt “sốc” đến nỗi hoảng loạn, dầm mình trong mưa tầm tã. Hay chi tiết nữ cảnh sát khu vực lại đi xử lý vi phạm giao thông. Nhưng tất cả những vô lý đó vẫn không bất hợp lý bằng: Nữ cảnh sát khu vực và người vi phạm giao thông là anh chàng họ Hoàng cứ người đứng trên hè người ngồi trong xe ôtô với nét mặt “gân guốc” (nhưng lại còn diễn xuất chưa tới) đối đáp nhau chan chát. Trong thực tế làm gì có cảnh người thừa hành pháp luật xử phạt người sai phạm như vậy. Chưa kể đến, nhân vật Minh Khang trong phim được xây dựng thái quá về sự khinh mạn, hống hách… Tất cả những phi lý đó đã không thuyết phục để bộ phim đi vào lòng khán giả.
Theo TS Trần Luân Kim, cựu Chủ tịch Hội Điện ảnh, nhiều phim Việt hóa từ kịch bản Hàn Quốc thất bại “thảm hại”. Ông đã nhìn nhận rằng: “Muốn điện ảnh và truyền hình Việt Nam có những bước tiến thì phải học tập ở các nền điện ảnh, truyền hình tiên tiến. Chỉ có điều học hỏi khác bê nguyên xi. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, tác giả nổi tiếng lại có quan điểm khác: “Khi ta chưa giỏi chế biến đồ ta mà đòi lấy đồ Tây để chế biến thành đồ ta là một ảo tưởng nguy hiểm. Không nên hiểu Việt hóa phim nước ngoài là thay tên Việt, bối cảnh Việt, câu thoại Việt. Điều cốt tử ở đây là Việt hóa văn hóa, Việt hóa tâm sinh lý…”. Ông nói tiếp: “Khi xem phim ngoại, dân ta cho là mình xem chuyện của người ta. Còn khi xem phim đã Việt hóa thì ta đang xem chuyện của mình. Cho nên tất cả những gì diễn đạt theo luật chơi của người sẽ bị coi là giả tạo, vô lý, thậm chí dở hơi…”.
Đang ở những bước đầu tiên để xây dựng trở thành món ăn tinh thần của khán giả, với những nhận định, phân tích rất cụ thể trên đây, rất hy vọng nó có thể ít nhiều giúp đội ngũ Việt hóa kịch bản nước ngoài tìm ra câu trả lời làm thế nào để có bộ phim Việt hóa hấp dẫn, đi vào lòng khán giả.
Eva