Khởi động dự án khá rầm rộ tại Sài Gòn, nhưng bộ phim về các chiến sĩ công an trong cuộc chiến chống tội phạm lại lên sóng một cách lặng lẽ ở một kênh truyền hình địa phương. Trong khi khán giả của đài Vĩnh Long dành cho phim những lời có cánh, khán giả cả nước thì mong mỏi được xem phim vào giờ vàng, thì Không chùn bước vẫn chưa thể tìm thấy đường vào cổng VTV, HTV.
Chào thua “ông lớn”
Không đi theo cách làm thông thường là bán đứt bản quyền khai thác cho đài, Công ty cổ phần Long Vân, đơn vị sản xuất bộ phim Không chùn bước, chọn cách nhượng quyền phát sóng. Theo đó, các đài mua phim được chiếu tối đa 2 lần/năm trên kênh của họ. Mặc dù chất lượng phim được đảm bảo bằng những phản hồi tích cực sau khi chiếu trên các đài Vĩnh Long, Bình Dương, Công ty Long Vân vẫn chưa thể thuyết phục được các “ông lớn”: VTV, HTV mua sản phẩm của mình. Lý do để VTV, HTV từ chối mua giá cao là vì phim đã được chiếu qua mấy “nước” rồi. Theo ông Nguyễn Hồ Duyên Thy, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Long Vân, mức giá chỉ trên dưới 20 triệu/tập mà các đài này đồng ý trả là quá thấp. “Họ sẵn sàng bỏ ra từ 2.000 đến 3.000 USD để mua phim nước ngoài. Trong khi xét về chất lượng, phim của chúng tôi không hề thua kém phim ngoại”, ông Thy thất vọng.
Phim Không chùn bước được khán giả của đài Vĩnh Long dành cho những lời có cánh.
Hợp tác với đài Vĩnh Long và bỏ vốn đến 250 triệu đồng/tập, sau khi phát sóng tại một số đài địa phương, Công ty Long Vân còn phải thu về khoảng 100 triệu đồng/tập cho 40 tập phim mới đủ vốn. Tuy nhiên, hai khách hàng lớn nhất đã không chịu trả giá cao, còn các đài khác cùng lắm cũng chỉ trả được vài ba triệu đồng/tập, nên khả năng thu hồi vốn, theo ông Thy “vẫn còn là dấu hỏi”. Đã thế, nhà sản xuất còn phải đau đầu với nạn đĩa lậu tràn lan ngay sau khi phim được phát sóng trên kênh Vĩnh Long, điều mà họ không lường được.
Ông Thy cho biết vẫn kỳ vọng được VTV hay HTV trả khoảng 50 triệu đồng/ tập để công ty có thể giải bài toán thu hồi vốn, khán giả cả nước cũng có dịp được xem một bộ phim hay. Nhưng đến giờ, lối ra cho bộ phim vẫn khá mờ mịt.
Vượt “trần” là khổ!
Theo phương thức hiện nay, HTV sẽ trả cho nhà sản xuất tối đa 200 triệu đồng/tập nếu phim mang về đủ định mức quảng cáo. Cách làm của VTV cũng tương tự nhưng được thực hiện bằng cách đổi spot quảng cáo. Như vậy, để yên tâm phim có đầu ra và có lãi thì nhà sản xuất không dại gì đầu tư trên 200 triệu/ tập phim.
Tuy nhiên, phim này vẫn chưa đến được với khán giả cả nước vì các đài truyền hình chỉ giả cho công ty sản xuất vài ba triệu đồng mỗi tập.
Còn một khi đã bỏ vốn lớn hơn, dĩ nhiên họ phải tính đường thu hồi. Nhưng xem ra con đường này không hề suôn sẻ. Ông Thy thừa nhận: “Đúng là cách làm của chúng tôi quá mạo hiểm”. Khi được hỏi dự định làm các phần tiếp theo, nhà sản xuất này cũng chưa thể có một câu trả lời cụ thể. Ông bộc bạch: “Giá như phía đài có cơ chế trả giá cao cho phim hay thì chúng tôi sẵn sàng bán bản quyền khai thác phim cho đài, đâu cần nhọc nhằn đi tìm đầu ra như thế này. Chúng ta cứ bàn giải pháp nâng cao chất lượng phim truyền hình, nhưng khi nhà sản xuất dốc tâm huyết làm một bộ phim hay thì họ lại gặp phải vô số vấn đề nan giải”.
Theo bà Châu Thổ, Giám đốc Công ty Senafilms, trước phim Cha dượng (2009), nhà sản xuất được trả bằng spot quảng cáo, được phép giữ bản quyền khai thác nên vẫn có thể bán phim cho các đài tỉnh sau khi đã chiếu trên HTV. Nhưng từ khi đài thực hiện cơ chế “mua đứt bán đoạn” và trả bằng tiền mặt, thì phim chiếu giờ vàng phải là phim “nước” đầu, bản quyền khai thác thuộc về đài. Nếu nhà sản xuất muốn mua lại phim ăn khách nào đó để bán cho các đài khác thì họ buộc phải mua trọn gói các phim đã chiếu trong vòng nửa năm hoặc một năm. Điều này cũng tạo cho họ một thách thức lớn.
Đất Việt