Phóng viên đã có cuộc trao đổi với đạo diễn, NSƯT Lê Cung Bắc.
Gần đây, khán giả gần như mất lòng tin với phim truyền hình Việt, những bộ phim xem được chỉ tính trên đầu ngón tay. Trong nhiều nguyên nhân khiến phim nhạt, có người nói một phần vì các đạo diễn mời quá nhiều diễn viên nghiệp dư như MC, ca sĩ, người mẫu đóng phim. Ông nghĩ sao?
- Nói không quá lời thì chúng ta đang ở trong thời điểm "loạn phim truyền hình". Trước thì ít nhưng chất, một kịch bản để đến được phim trường phải qua thẩm định kỹ càng, còn giờ thì người ta đang làm phim theo kiểu "chộp giật". Nhiều khi kịch bản chưa đâu vào đâu, phim đã mang ra làm, làm chưa xong đã phát sóng theo kiểu cuốn chiếu.
Cảnh trong phim “Anh chàng vượt thời gian”.
Đài truyền hình từ T.Ư đến địa phương đều phải tăng thời lượng phát sóng phim Việt, trong khi cái nền cho sự phát triển ấy chưa có. Và diễn viên đóng dở cũng là một phần tất yếu mà chúng ta phải chấp nhận trong sự lộn xộn ấy.
Ông nghĩ thế nào về sự lấn sân quá nhiều của các MC sang lĩnh vực diễn xuất? Cá nhân ông, với tư cách một đạo diễn, có thích mời các MC đóng phim của mình không?
Đạo diễn, NSƯT Lê Cung Bắc
- Tôi sẽ mời nếu đó là một gương mặt phù hợp, nhưng quan trọng nhất là MC ấy phải có khả năng diễn xuất.
Diễn xuất trong một bộ phim truyền hình không đơn giản, không phải chỉ "khoe" cái gương mặt dễ coi của mình lên là đủ. Anh còn phải sống phải khiến khán giả đồng cảm với nhân vật.
Nói thật là trong thời điểm "loạn phim" như thế này, diễn viên được đào tạo bài bản còn chạy sô một tuần 3- 4 phim, ra trường quay có người phải nhắc lời thoại, thì việc đảm bảo diễn xuất cho đạt yêu cầu là chuyện... không tưởng. Trong bối cảnh ấy, diễn viên chuyên nghiệp hay diễn viên tay ngang cũng như nhau cả mà thôi.
Giả sử trước 2 lựa chọn, một diễn viên nghiệp dư mà mới mẻ và một diễn viên chuyên nghiệp đã quen mặt khán giả, ông sẽ lựa chọn thế nào?
- Dùng diễn viên nghiệp dư cũng như một con dao 2 lưỡi, có mặt nọ cũng có mặt kia. Các MC, ca sĩ, người mẫu sẽ hấp dẫn người xem ở góc độ tò mò, người ta sẽ tự hỏi, không biết anh hay chị này đóng phim ra sao, thế là chịu khó xem phim. Nhưng xem rồi mà thấy diễn xuất của họ không ra gì, thì dĩ nhiên cả bộ phim sẽ bị ảnh hưởng.
Tôi sẽ tùy từng phim, tùy vào hoàn cảnh cụ thể mà chọn lựa, nếu là một vai diễn nặng ký, có chiều sâu, tôi sẽ không dám giao cho diễn viên "tay ngang"...
Phim truyền hình Việt đang chạy theo số lượng mà bất chấp chất lượng, theo ông làm thế nào để cải thiện tình trạng này?
- Cái gì cũng phải có quy luật, tôi lấy ví dụ về quy luật cung cầu. Điện ảnh VN những năm 1980, 1990 đã có thời được gọi là "mì ăn liền", phim sản xuất hàng loạt, dở, tệ và nó chỉ chết khi không có người xem. Giống như chiếc bánh mì, anh làm dở không có người mua thì anh tức khắc sập tiệm. Thời phim "mì ăn liền" đó đã khiến khán giả một thời gian dài quay lưng với điện ảnh. Giờ thì thời kỳ ấy đang lặp lại với phim truyền hình và nếu khán giả cũng phản ứng bằng cách quay lưng lại, không xem phim nữa mới có cơ may chấm dứt.
Nhưng điện ảnh khác truyền hình ở chỗ, nếu khán giả không mua vé thì phim ế, còn phim truyền hình, cứ phát sóng, ai không xem thì mặc kệ, các nhà sản xuất chẳng ảnh hưởng gì...
- Thì khi đó, dư luận, báo chí phải lên tiếng mạnh mẽ, để những nhà sản xuất phim, nhà phát sóng phim phải xem lại mình. Không thể cứ ấn cho người ta ăn một món mà người ta không thích được. Tôi thấy vừa qua, trường hợp phim "Anh chàng vượt thời gian" cũng là một ví dụ cho việc phim bị người xem phản đối phải dừng phát sóng đấy.
Xin cảm ơn ông!
Dân Việt